Vì sao tội phạm trong giới trẻ ngày càng tăng?

Thời sựThứ Bảy, 03/09/2011 03:17:00 +07:00

(VTC News) – Những vụ trọng án xảy ra gần đây khiến xã hội lo lắng về không ít thanh niên đang suy đồi, thích chém giết để đạt được mục đích xấu xa của mình.

(VTC News) – Những vụ trọng án xảy ra gần đây khiến xã hội lo lắng về không ít thanh niên đang suy đồi, thích chém giết để đạt được mục đích.

Bác sĩ bị sát hại ở Thái Bình, cướp tiệm vàng man rợ ở Bắc Giang, các động lắc thường xuyên bị phát hiện trong giới sinh viên…khiến cả xã hội phải lo ngại về đạo đức của không ít người trẻ hiện nay. Tại sao họ sống thực dụng, thích hưởng thụ, lười lao động, sẵn sàng làm mọi việc sai trái để thỏa mãn dục vọng…?

VTC News vừa có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học về vấn đề này:

 

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học. Ảnh: HT 

Thưa TS, những nguyên nhân nào khiến nhiều bạn trẻ thích dùng bạo lực như hiện nay?

- Giới trẻ thời nào cũng đầy năng lượng và có xu hướng phát ra bên ngoài. Nhưng hiện nay, số lượng các vụ bạo lực của giới trẻ đang tăng lên, dường như khó kiểm soát được.

Nguyên nhân đầu tiên là áp lực xã hội công nghiệp, lối sống hưởng thụ, tiêu dùng…nên nhiều người đã “đốt” cái tôi vào những tệ nạn xã hội.

Tiếp đến là sự ảnh hưởng của các sản phẩm “đen”, nhất là khi thế giới đang phẳng thì giới trẻ càng dễ dàng tiếp xúc với chúng. Những bộ phim bạo lực, đồi trụy…chính là những kịch bản, gợi ý cho những đầu óc non trẻ hành động theo mà thiếu suy nghĩ.

Mặt khác, nhiều thanh niên hiện nay đang bị rối loạn nhất định trong các giá trị sống, khi mà nhiều người lớn tuổi đã không làm gương cho họ học tập.

Vì thiếu niềm tin, các bạn trẻ ấy muốn tự mình thực thi công lý, theo suy nghĩ của bản thân…

Ngoài ra, trong cách truyền thông của chúng ta hiện nay cũng lạm dụng nhiều các từ trong thời chiến, như: ra quân, giải phóng, chiến dịch…khiến tâm lý “trấn áp” tác động vào nhận thức của nhiều người.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng thấy một số người hiện nay không cần học hành tử tế, không có tài đức vượt trội nhưng vẫn được cất nhắc lên các vị trí quản lý. Vì thế, nảy sinh tâm lý không cần rèn luyện vất vả mà chỉ cần tiền là mua được tất cả.

Vậy trách nhiệm của gia đình và xã hội ở đâu khi có những thanh niên như vậy?

- Theo thống kê chưa đầy đủ, phần lớn các em sa vào các tệ nạn nghiêm trọng, đều có hoàn cảnh gia đình chưa yên ấm. Nhiều em không được giáo dục cơ bản, thường xuyên nên suy nghĩ lệch lạc.

Vì sao thanh niên thích hành xử bạo lực? Ảnh minh họa: internet. 

Vì thế, giữ hạnh phúc gia đình là yếu tố rất quan trọng để hình thành nhân cách tốt cho giới trẻ.

Mặt khác, người lớn tuổi cần làm gương và chỉ cho thanh niên thấy những tấm gương tốt trong cuộc sống. Bởi nếu gia đình nào cũng bực dọc, hằn học cuộc sống, không thấy những điểm tươi sáng thì đứa con khó có thể nhận thức đúng đắn về xã hội.

Về phía nhà trường, không thể đòi hỏi các thầy cô hiện nay giống hệt ngày xưa mà nên tìm cách liên thông hiệu quả giữa gia đình và nhà trường để giáo dục học sinh tốt.

Nhiều thanh niên phạm tội trong các vụ trọng án gần đây là các thanh niên nông thôn. Điều đó đặt ra một câu hỏi cho xã hội về việc dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho các đối tượng này. Nhưng thanh niên nông thôn vẫn đang thiếu thốn hơn bạn bè mình ở thành thị về mọi mặt. Ông nhận định gì về điều này?

- Hiện nay đang có sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, giáo dục, y tế, giải trí…giữa nông thôn và thành thị. Nông thôn hiện nay cũng có nhà cao tầng, có ánh sáng điện…nhưng thanh niên chưa nhìn thấy nhiều cơ hội lập nghiệp, khi mà ruộng đất dần nhường chỗ các nhà máy, đào tạo nghề chưa tốt nên khó thể có nguồn nhân lực trình độ cao.

Giải pháp lâu dài chỉ có thể là thu hẹp mọi mặt giữa “quê” và “phố”, dạy nghề phù hợp với thanh niên nông thôn, tính toán kỹ khi cấp đất nông nghiệp cho các nhà máy công nghiệp…

Vì sao nhiều thanh niên nông thôn thích “lông bông” hơn đi làm?

Anh Ngô Văn Cương, Trưởng phòng Việc làm, Trung ương Đoàn Thanh niên cho biết: Hiện nay, tính trung bình cứ 10 xã có 1 cơ sở đào tạo nghề, nên chưa phải là quá ít. Tuy nhiên, nhiều thanh niên thích hưởng thụ, ghét lao động…nên chưa mặn mà việc học tập để lập nghiệp.

Mặt khác, việc thực thi các chính sách dạy nghề, cho vay vốn của chúng ta chưa tốt. Nhiều thủ tục vay còn rườm rà, vốn vay hạn chế, ngành đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, cơ hội có việc làm ở nông thôn ít hơn thành thị…nên thanh niên nông thôn vẫn đổ về thành thị ngày một nhiều.

Nhưng muốn thay đổi căn bản thì cần đổi mới giáo dục, dạy giới trẻ làm người có ích, cách phòng tránh tệ nạn xã hội.

Hoàng Lan

Bình luận
vtcnews.vn