Vì sao phải sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015?

Pháp luậtThứ Sáu, 21/10/2016 14:22:00 +07:00

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã nhấn mạnh về lý do cần sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015.

Sáng 21/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13

Trong đó, bà Nga nhấn mạnh về sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015.    

ba le thi nga

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga

Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành, qua phản ánh của cử tri, báo chí về một số sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương rà soát tổng thể các quy định của Bộ luật để phát hiện những sai sót và đề xuất phương án khắc phục.

Bên cạnh đó, vừa qua đã xuất hiện một số loại ma túy mới như chất XLR-11 (có trong cỏ Mỹ) hoặc lá cây Khat (có chứa chất ma túy Cathinone)…nhưng chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự nên không có căn cứ để xử lý.

"Mặt khác, trong quá trình tổ chức thi hành, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn có nhận thức khác nhau về việc giám định hàm lượng để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy nên gặp khó khăn trong quá trình xử lý một số tội phạm về ma túy cũng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Ngoài ra, qua rà soát một số quy định, định lượng chi tiết, xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và tính khả thi của Bộ luật, nhiều bộ, ngành đã có văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật và đã được Chính phủ chấp nhận.

Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với quan điểm của Chính phủ là sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Video: Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội khóa XIII

Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ  và ý kiến của Cơ quan tham gia thẩm tra đều đề nghị Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật tại 02 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thông qua).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lý giải dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 điều do Chính phủ trình.

Hồ sơ dự án Luật gửi tới đại biểu Quốc hội chậm nên gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu toàn diện các nội dung của dự án Luật.

“Dự án Luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể; định mức xả thải ra môi trường; chỉ số gây ô nhiễm môi trường; danh mục hàng cấm; số lượng và chủng loại vũ khí quân dụng; việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thông tin.

Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, vẫn còn một số bộ, ngành có quan điểm mâu thuẫn với nhau và khác với quan điểm của Chính phủ về một số vấn đề.

“Đây là những vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn thì mới có phương án sửa đổi khả thi”, bà Nga lưu ý.

Ngoài ra, trong thời gian rà soát các quy định, định lượng chi tiết, nhiều bộ, ngành đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

“Thứ tư, rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian. Việc tổ chức xin ý kiến nhân dân, chỉnh lý, tiếp thu dự án Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ được thực hiện trong thời gian 06 tháng (từ Kỳ họp thứ 9, tháng 5/2015 đến Kỳ họp thứ 10, tháng 11/2015) với số lượng 426 điều luật, sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS năm 1999 và phải định lượng chi tiết 375 khoản, điểm mà BLHS năm 1999 mới quy định định tính”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.

Ngoài ra, bà Nga cũng cho biết để đảm bảo thận trọng, Quốc hội cũng không ấn định cụ thể thời gian thông qua tại một hay hai kỳ họp mà căn cứ vào tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án Luật.

“Việc thông qua dự án Luật tại 2 kỳ họp của Quốc hội không làm ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn