Vì sao Ngoại trưởng Iran bất ngờ bị sa thải?

Thế giớiThứ Năm, 16/12/2010 08:00:00 +07:00

(VTC News) - Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã sa thải chức vụ Ngoại trưởng của ông Mottaki.

(VTC News) - Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottakibất ngờ bị sa thải khi quan chức này đang thăm Senegal đã gây ngạc nhiên cho dư luận. Do mâu thuẫn với Tổng thống, năng lực yếu kém hay do rắc rối trong Bộ Ngoại giao Iran? Điều này có ảnh hưởng gì đến đàm phán hạt nhân giữa Iran với sáu nước hiện nay?

Ngày 13, trang mạng Phủ Tổng thống Iran bất ngờ công bố, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã sa thải chức vụ Ngoại trưởng của ông Mottaki, thay thế ông là Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi.

Quyết định sa thải bất ngờ

Được biết, trong khi đang có chuyến thăm chính thức đến các nước châu Phi, cụ thể là đang thăm Senegal, Mottaki đột nhiên nhận được thông báo miễn nhiệm.

Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki (bên phải) và Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. 

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad
đã sớm tuyên bố bãi bỏ chức vụ Ngoại trưởng của ông Mottaki, nhưng hoàn toàn không nói rõ lý do sa thải. Trong một bức thư gửi Mottaki, Tổng thống Iran bày tỏ sự biết ơn và công nhận những việc làm của ông Mottaki trong thời gian làm Ngoại trưởng Iran.

Phóng viên Iran của hãng BBC cho rằng, việc nhân vật quan trọng của chính phủ Iran bị sa thải đột ngột khiến người ta ngạc nhiên, rất có khả năng cho thấy, cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ của thế lực cánh hữu Hồi giáo thống trị Iran.

Ngày 13/12, Chủ tịch Ủy ban Chính sách ngoại giao và An ninh quốc gia Iran Borujerdi đã trả lời báo chí cho biết, ông đã rất ngạc nhiên trước thông tin này, ông còn thăm dò các phóng viên người kế nhiệm Mottaki là ai.

Mottaki từ lâu được coi là một đồng minh phái bảo thủ của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Nhà ngoại giao Manouchehr Mottaki sử dụng thông thạo ba ngôn ngữ là tiếng Anh, Urdu và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học xã hội tại trường Đại học Bangalore của Ấn Độ và chuyên ngành Quan hệ quốc tế ở trường Đại học Tehran của Iran năm 1991. Ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng hồi tháng 8/2005.

Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi vừa được bổ nhiệm làm tân Ngoại trưởng Iran.

Báo chí Iran cho rằng, Ali Akbar Salehi là chuyên gia vấn đề hạt nhân, từng làm đại diện thường trực của Iran lâu dài tại IAEA, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao, là người thích hợp để làm Ngoại trưởng của Iran.

Ngoài ra, hãng tin Fars cho biết, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân, đơn vị trực thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Gan Nadi có khả năng sẽ tiếp nhận chức Giám đốc của Salehi.

Nguyên nhân sa thải Mottaki

Phía Iran đã không được chính thức tiết lộ lý do cụ thể Mottaki bị sa thải. Nhưng từ năm ngoái, những tin đồn Mottaki sẽ bị miễn nhiệm đã liên tục được đưa ra.

Sau khi tái đắc cử, để tạo ra bầu không khí mới, Tổng thống Iran Ahmadinejad  đã tiến hành điều chỉnh nội các với quy mô lớn. Mottaki là Bộ trưởng duy nhất của nội các khóa trước được tái bổ nhiệm.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, từ giữa nhiệm kỳ trước, mối quan hệ giữa Ahmadinejad và Mottaki đã bắt đầu căng thẳng, hai bên còn chia rẽ nghiêm trọng trong vấn đề Đại diện đặc biệt của Tổng thống.

Ahmadinejad muốn muốn thiết lập Đại diện đặc biệt của Tổng thống để truyền đạt mệnh lệnh, nhưng đã bị Mottaki phản đối.

Một vài nghị sĩ Iran cho rằng, yêu cầu của Mahmoud Ahmadinejad đã vi phạm Hiến pháp.

Phóng viên báo Phượng Hoàng của Hồng Công cho rằng, Ahmadinejad và Mottaki đã không thống nhất về lập trường trong vấn đề hạt nhân, bởi vì Mottaki đại diện cho lập trường ngoại giao của phái bảo thủ, cứng rắn ở Iran, còn Ahmadinejad thì tỏ ra mong muốn cấp bách giải quyết vấn đề hạt nhân, muốn đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân với 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và Đức.

Có thông tin tiết lộ cho biết, Ahmadinejad và Mottaki đã tranh cãi rất nhiều về vấn đề này, hơn nữa Tổng thống Ahmadinejad còn liên tục làm giảm vai trò của Bộ Ngoại giao nước này.

Giới chuyên gia cho rằng, Mottaki bị sa thải là kết quả tác động của một số nghị sĩ Iran. Trong thời gian Mottaki làm Ngoại trưởng, Liên Hợp Quốc đã 4 lần tiến hành trừng phạt kinh tế đối với Iran, vì vậy có nghị sĩ đã không hài lòng với năng lực làm việc của Mottaki, cho rằng ông không đủ cứng rắn, không đủ khả năng thuyết phục bảo vệ Iran trên trường quốc tế.

Tháng 6/2010, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 1929 về vấn đề hạt nhân Iran, với 12 phiếu tán thành, 1 phiếu trắng, 2 phiếu chống. Tính từ tháng 12/2006 đến nay, thì đây là nghị quyết thứ tư của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có nội dung trừng phạt Iran.

Ngoài ra, ở Bộ Ngoại giao Iran xuất hiện thông tin cho biết, có cán bộ ngoại giao nước này sau khi hết nhiệm vụ đã không trở về, thậm chí trốn chạy, điều này làm cho Bộ Ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Mottaki bị lên án mạnh mẽ, được cho là một trong những nguyên nhân Mottaki bị sa thải.

Theo luật pháp Iran, nếu Tổng thống Ahmadinejad chính thức đề cử Salehi làm Ngoại trưởng, thì còn phải được Quốc hội Iran bỏ phiếu biểu quyết thông qua.      

Cùng ngày, một nghị sĩ đã cho biết, ứng cử viên Bộ trưởng nội các phải được Quốc hội bỏ phiếu biểu quyết thông qua. Vì vậy, khi thay đổi nhân sự, chính phủ cũng cần trao đổi đầy đủ với Quốc hội.

Đàm phán hạt nhân có bị ảnh hưởng?

Phải thấy rằng, việc thay đổi nhân sự Ngoại trưởng Iran lần này sẽ không gây ảnh hưởng trực tiếp đến đàm phán hạt nhân giữa Iran và 6 nước, bởi vì Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Thư ký Hội đồng An ninh tối cao Saeed Jalili, chứ không phải là Ngoại trưởng Iran.

Chính sách ngoại giao của Iran, đặc biệt là quyền quyết sách trong vấn đề hạt nhân nằm trong tay lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Saeed Jalili vừa là Thư ký An ninh Quốc gia, vừa là đại diện của lãnh tụ tối cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia, ông truyền đạt tiếng nói của tầng lớp quyết sách Iran trên bàn đàm phán hạt nhân.

Phải nói rằng, trong vấn đề hạt nhân Iran, vai trò và ảnh hưởng của Ngoại trưởng Iran là tương đối hạn chế.

Được biết, hiện nay Iran đã sản xuất được 35 kg urani có độ tinh khiết 20%, đồng thời có khả năng trước tháng 9.2010, Iran sẽ tự cung cấp thanh nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân Bushehr.

Hiện nay, thanh nhiên liệu hạt nhân của nhà máy này đang do Nga cung cấp. Iran cho hay, họ không có ý định thay đổi thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ và Braxin.

Iran tuyên bố, họ sẽ không từ bỏ “quyền lợi hạt nhân” của mình, càng không nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân.

Khánh Hưng(Theo Liên hợp Buổi sáng, Tân Hoa Xã)

Bình luận
vtcnews.vn