Vì sao đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ?

Tin nhanh 24hThứ Năm, 10/03/2022 17:05:00 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ và đề xuất cần 10.770 tỷ đồng để đầu tư thông toàn tuyến.

Chiều 10/3, tiếp tục phiên họp thứ 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tiến độ tuyến đường Hồ Chí Minh thực hiện chậm, nguyên nhân chính trong đó vẫn là nguồn vốn. Trong đó, trước năm 2016, chúng ta đã thực hiện rất tốt nhưng sau đó do khủng hoảng kinh tế, chúng ta ban hành nghị quyết để kiềm chế lạm phát. Do đó, một số dự án phải dừng lại, đầu tư ít hơn vì kinh tế khó khăn chung của đất nước khiến các dự án giao thông bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Thể khẳng định, Chính phủ hết sức quan tâm tới tuyến đường Hồ Chí Minh. Bộ đã xác định 2 tuyến đường quan trọng nhất đất nước gồm tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh với ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh.

"Những tuyến đường này không chỉ là đầu tư, đơn vị còn bố trí nguồn kinh phí để duy tu sửa chữa để đảm bảo tốt nhất, làm sao cho đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là con đường tốt nhất", ông Thể nói.

Vì sao đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ? - 1

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Trình bày báo cáo của Chính phủ trước đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết dự án được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị quyết số 66 ngày 29/11/2013, đến năm 2020, hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km.

Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Đường Hồ Chí Minh là tuyến huyết mạch song hành với Quốc lộ 1, có lưu lượng xe lớn nên được ưu tiên nguồn lực bố trí cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên. Tổng số kinh phí duy tu bảo dưỡng đường Hồ Chí Minh từ năm 2010 đến năm 2021 đã bố trí khoảng 4.235 tỷ đồng để thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, cải tạo điểm đen, khắc phục bão lũ của đường Hồ Chí Minh góp phần đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình.

Tổng nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng: Các dự án đã và đang đầu tư có tổng nhu cầu vốn là 88.400 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước là 66.330 tỷ đồng; vốn huy động theo hình thức BOT là 10.585 tỷ đồng; vốn huy động theo hình thức BT là 11.485 tỷ đồng).

Nhu cầu vốn cần tiếp tục bố trí để đầu tư nối thông toàn tuyến theo quy mô tối thiểu 2 làn xe khoảng 10.770 tỷ đồng cho 3 dự án thành phần: đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; trong đó, ưu tiên đầu tư trước 02 dự án đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Nhiệm vụ quan trọng trước mắt trong giai đoạn đến 2025 cần đầu tư nối thông toàn tuyến theo quy mô 2 làn xe. Việc tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng là mục tiêu hết sức quan trọng để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo khu vực phía Tây.

Để đến năm 2025 hoàn thành đầu tư các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận nhằm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025  để đầu tư 2 dự án này (83,5 km/tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng).

Chính phủ cũng kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến sang hình thức đầu tư công. Quốc hội giao Chính phủ triển khai cụ thể các dự án trong giai đoạn sau năm 2020 theo quy hoạch, phù hợp nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực và hiệu quả đầu tư.

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, cho đến nay, theo Báo cáo của Chính phủ, dự án vẫn chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến theo yêu cầu của Nghị quyết.

Vì sao đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ? - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Theo ông Lê Quang Huy, cho đến nay tiến độ triển khai dự án đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc.

Ngoài ra, Báo cáo của Chính phủ chưa nêu bật được: cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến, trong khi Nghị quyết của Quốc hội không quy định tổng mức đầu tư của toàn bộ Dự án; việc tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội.

Về nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, dự án Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn: dài 28,5km (tổng mức đầu tư 1.774 tỷ đồng). Việc hoàn thành tuyến đường này sẽ rút ngắn được khoảng cách đường bộ từ Chợ Mới - Chợ Chu (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), đến Ngã ba Trung Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh và xây dựng nông thôn mới khu vực này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là tuyến đường có ý nghĩa lịch sử to lớn, liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Việc cơ bản hoàn thành dự án góp phần quan trọng vào yêu cầu phát triển đất nước, nhất là khu vực miền núi Phía Bắc, miền Trung Tây Nguyên và Đồng bằng Nam Bộ.

Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội đề nghị rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện dự án không đáp ứng tiến độ và yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, đến nay chưa đạt mục tiêu thông toàn tuyết với quy mô tối thiểu 2 làn xe.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải xem xét tổng thể các nguyên nhân, chủ quan, khách quan và trách nhiệm của trung ương và địa phương để đánh giá toàn diện và tổng thể.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét thảo luận, quyết định báo cáo tổng thể NQ 66 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV dự kiến diễn ra tháng 5/2022.

Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra, ý kiến tham gia của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh báo cáo theo hướng chỉ thực hiện tiếp các đoạn tuyến đang dở dang còn tổng kết, kết thúc dự án, thực hiện quyết toán dự án theo quy định. Các đoạn tuyến còn lại Chính phủ rà soát nhu cầu, hiệu quả đầu tư trong điều kiện có nhiều tuyến đường đã và đang triển khai.

Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chú ý công tác bảo dưỡng, chống xuống cấp ở một số đoạn, các tồn tại vướng mắc tại các dự án PPP của các dự án, các tuyến đã được đầu tư.

Bên cạnh đó, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn thiện hồ sơ báo cáo gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn