Vì sao dân gian gọi tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn?

Chuyện bốn phươngThứ Tư, 16/08/2023 06:00:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều người gọi tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn, nhất là những người làm ăn buôn bán; bạn có biết tại sao tháng 7 Âm lịch bị gọi là tháng cô hồn?

Tháng 7 Âm lịch có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt Nam. Khoảng thời gian này được gọi là mùa Vu lan báo hiếu, mùa Xá tội vong nhân. Tuy nhiên, rất nhiều người gọi tháng 7 là tháng cô hồn. Ý nghĩa "tháng cô hồn" này lại càng đậm nét trong quan niệm của những người buôn bán. Mặc dù ba chữ trên gần như trở thành câu cửa miệng của không ít người khi nhắc đến tháng 7 Âm lịch, nhiều người vẫn không rõ vì sao tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng cô hồn và cách gọi này xuất phát từ đâu.

Vì sao tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng cô hồn?

Theo tín ngưỡng của người Trung Quốc, từ ngày 2/7 âm lịch, Diêm vương bắt đầu mở quỷ môn quan cho quỷ đói được trở về dương gian và đến nửa đêm ngày 14/7, quỷ môn quan sẽ đóng lại. Trong thời gian gần nửa tháng đó, mọi người dương thường cúng cháo, gạo… để quỷ đói không quấy phá, gia đình được bình an, việc làm ăn không gặp rắc rối.

Trả lời Vietnamnet, TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết khái niệm tháng cô hồn bắt nguồn từ Đạo giáo, sau đó lan truyền mạnh mẽ trong dân gian. Dưới ảnh hưởng của niềm tin này, dân gian Trung Quốc lưu truyền quan niệm cõi âm do Địa quan Đại đế quản lý. Tháng 7 Âm lịch, đặc biệt là ngày rằm của tháng này trùng với sinh nhật của Địa quan Đại đế nên cửa địa ngục sẽ mở. Điều này đồng nghĩa với việc ma quỷ, vong hồn quay lại trần gian mang theo những tai ương, xui rủi cho mọi người.

TS Lộc cho biết: “Tại nước ta, dân gian cho rằng Tết Trung nguyên tháng 7 là Địa quan xá tội, tức những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian. Do đó, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn. Vào thời điểm này, các chùa cũng thiết lập trai đàn chẩn tế để tài pháp nhị thí cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng, đồng thời đây là dịp con cháu đến chùa cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã qua đời”.

Theo ông, phong tục trên hướng con người đến việc mở rộng tấm lòng bi mẫn, thể hiện qua sự quan tâm, chia sẻ đối với những người kém may mắn, bất hạnh, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Nhiều hoạt động thờ cúng, báo hiếu, giải hạn được người dân thực hiện trong tháng 7 âm lịch.

Nhiều hoạt động thờ cúng, báo hiếu, giải hạn được người dân thực hiện trong tháng 7 âm lịch.

Trong khi đó, cũng theo Vietnamnet, nhà nghiên cứu lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh lại có những lý giải riêng về nguồn gốc của quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn. Ông cho rằng, tháng 7 Âm lịch là tháng thứ chín, tính từ tháng Một theo Việt lịch (Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu và Bảy).

Theo chu kỳ Cửu cung, tháng này nhập trung cung Hà đồ, tương ứng với độ số 10 của Thiên can Quý thuộc Thủy. Tháng này có Thiên can là Âm thủy và thiên can Quý đang quản trung cung. Do đó, theo lý học Việt, tháng này âm khí rất vượng.

“Chính vì tính thể hiện âm khí vượng nên nó được mô tả bằng "Địa ngục" ("Địa" là đất/thổ; "ngục" là hình tượng mô tả khí chất dưới đất) và nó được dựng lên thành những truyền thuyết liên quan đến tháng cô hồn với những ma quỷ từ địa ngục chui lên, hoành hành trên thế gian”, ông lý giải thêm.

Có nhiều cách lý giải về việc vì sao tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng cô hồn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các cách lý giải ấy đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả là đề cao việc báo hiếu và làm phúc.

Nhật Thùy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn