Vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường

Thời sựThứ Sáu, 05/08/2022 10:59:00 +07:00
(VTC News) -

Nhà báo Trần Bá Dung chia sẻ tham luận trong buổi tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Tham gia chương trình Tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”, ngoài các thành viên của Ban tổ chức gồm đại diện Báo điện tử VTC News, Ban Quản lý Dự án về “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại Việt Nam - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) còn có đông đảo các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trên mọi miền tổ quốc tham gia trực tiếp và trực tuyến.

Buổi tập huấn có nhiều thông tin bổ ích, thú vị, những kinh nghiệm làm báo về lĩnh vực môi trường được nhiều chuyên gia chia sẻ được học viên rất tâm đắc, đánh giá cao.

Vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường - 1

Nhà báo Trần Bá Dung.

Trong khuôn khổ chương trình, Tiến sĩ, Nhà báo Trần Bá Dung, Nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tham luận về Công tác truyền thông trong việc thực thi luật bảo vệ môi trường, đặc biệt tuyên truyền về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Mời quý vị theo dõi video:

Nội dung chính của tham luận nhấn mạnh các vấn đề như: Vai trò của truyền thông trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường; Truyền thông về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR); Báo chí làm gì để truyền thông về môi trường.

Những vấn đề về luật bảo vệ môi trường

Thông thường, người viết báo sẽ cần phải hiểu thêm về Luật Tiếp cận thông tin, quy định Quyền tiếp cận thông tin của công dân; Trách nhiệm của cơ quan nhà nước…

Cụ thể, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định cung cấp, công khai thông tin về môi trường: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân công khai thông tin về môi trường theo quy định trên cổng thông tin của Cơ quan, tổ chức, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin.

Luật Báo chí 2016 nói về Trách nhiệm xã hội của báo chí. Vai trò của truyền thông trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Tiếp cận từ Vai trò của báo chí – truyền thông trong truyền thông chính sách. Thể hiện trong tuyên truyền về Luật bảo vệ môi trường 2020; Về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).

Tiếp cận từ vai trò của báo chí truyền thông trong truyền thông chính sách. Vai trò báo chí trong xây dựng, hoạch định chính sách bảo vệ môi trường: Tham gia lấy ý kiến của người dân, chuyên gia, tổ chức, của các cơ quan báo chí, đóng góp vào những dự thảo hoạch định chính sách, chính sách cụ thể.

Những vấn đề dư luận quan tâm được thể hiện trên báo chí, đã tạo ra áp lực đến quá trình xây dựng chính sách. Những ý kiến của công chúng lại là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách.

Vai trò trong thực thi và đánh giá chính sách bảo vệ môi trường như: Tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến chính sách (Luật BVMT) tới người dân. Giám sát việc thực thi chính sách, phát hiện những bất cập, việc lợi dụng chính sách. Đánh giá hiệu quả chính sách thông qua dư luận công chúng xã hội và thông qua chính sự thăm dò, khảo sát, đánh giá của cơ quan báo chí.

Truyền thông về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) được thể hiện trong Nghị định 09/NĐ-CP ngày 9/2/2017 Điều 38. Cung cấp thông tin cho báo chí. Cụ thể:

1. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây:

a) Thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

b) Thông tin về vụ án đang được Điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

c) Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố;

d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.

3. Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

4. Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên bảo vệ người cung cấp thông tin.

5. Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường.

Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Điều 39. Trả lời trên báo chí, cụ thể:

1. Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.

Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.

3. Trong thời hạn 10 ngày đối với báo in ra hằng ngày và báo nói, báo hình, báo điện tử, 15 ngày đối với báo tuần, trên số ra gần nhất đối với tạp chí in kể từ khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc văn bản trả lời kiến nghị, phê bình của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với vấn đề mà báo chí nêu hoặc tiếp nhận, cơ quan báo chí phải thông báo cho cơ quan, tổ chức, công dân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc đăng, phát trên báo chí của mình.

4. Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan, tổ chức, công dân.

Điều 40. Trả lời phỏng vấn trên báo chí, cụ thể:

1. Người phỏng vấn phải thông báo trước cho người được phỏng vấn biết mục đích, yêu cầu và câu hỏi phỏng vấn; trường hợp cần phỏng vấn trực tiếp, không có sự thông báo trước thì phải được người trả lời phỏng vấn đồng ý.

2. Sau khi phỏng vấn, trên cơ sở thông tin, tài liệu của người trả lời cung cấp, người phỏng vấn có quyền thể hiện bằng các hình thức phù hợp. Người phỏng vấn phải thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng vấn.

Người được phỏng vấn có quyền yêu cầu xem lại nội dung trả lời trước khi đăng, phát. Cơ quan báo chí và người phỏng vấn phải thực hiện yêu cầu đó.

3. Nhà báo không được dùng những ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện có nhà báo tham dự để chuyển thành bài phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu.

4. Cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức, công dân về việc họp báo trong thời gian quy định tại Khoản 3 Điều này; trường hợp không có văn bản trả lời, tổ chức, công dân được tiến hành họp báo.

Nội dung họp báo phải đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận, trường hợp không có văn bản trả lời thì phải đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

6. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền đình chỉ cuộc họp báo nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nội dung họp báo có thông tin quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 9 của Luật này.

Báo chí làm gì để truyền thông về môi trường có hiệu quả?

Báo chí môi trường thông tin về những sự kiện, xu hướng và vấn đề liên quan đến môi trường. Đối tượng của báo chí môi trường là những hệ tự nhiên của hành tinh (cây trồng, động vật, con người, hệ sinh thái, bầu khí quyển, đất, nước, khí hậu…) và những cách thức con người tác động, ảnh hưởng và lệ thuộc vào những hệ thống này.

Nhà báo môi trường được trông đợi ủng hộ những thay đổi cải thiện chất lượng sống trên hành tinh. Công việc của nhà báo môi trường là cung cấp thông tin chính xác về những câu chuyện môi trường ảnh hưởng lên cộng đồng ngày nay và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên hành tinh trong tương lai có thể dự đoán được.

Viết về bảo vệ môi trường như thế nào?

8 chữ: Tuyên truyền (chính sách), Phản ánh (phát hiện), Phản biện (xã hội), Nêu gương (điển hình).

Viết về bảo vệ môi trường thì viết gì?

Thực trạng bảo vệ môi trường/Giảm ô nhiễm nhựa đại dương.

Các thông tin theo quy định tại Luật BVMT/Các điều tại Luật BVMT 2020 và NĐ 08/2022. Những thách thức.

Tuyên truyền theo hướng truyền thông chính sách về BVMT/ Giảm ô nhiễm nhựa đại dương.

Truyền thông nêu gương/Các hành vi, hoạt động, mô hình tốt về Giảm ô nhiễm nhựa đại dương.

Các vấn đề môi trường toàn cầu quan tâm:

Lỗ thủng tầng ô zôn, hiệu ứng nhà kính

BĐKH toàn cầu, mực nước biển dâng

Bùng nổ dân số, nghèo đói

Sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên

Gia tăng chất thải, ô nhiễm môi trường sống

Sự suy giảm tài nguyên rừng

Ô nhiễm biển và các đại dương

Suy giảm tài nguyên nước ngọt

Ô nhiễm đất và hiện tượng sa mạc hóa

Suy giảm đa dạng sinh học.

6 vấn đề môi trường Việt Nam quan tâm:

Biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai

Quản lý, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên

Ô nhiễm môi trường Đô thị, Nông thôn, Làng nghề, Khu công nghiệp

Ô nhiễm môi trường lưu vực sông và ven biển

Bảo vệ đa dạng sinh học

Gia tăng dân số, nghèo đói.

Thách thức cho nhà báo môi trường:

- Áp lực thương mại của báo chí

Những bản tin nghiêm túc về các vấn đề môi trường bị thu hẹp hoặc phải nhường chỗ cho những thông tin “có giá trị bán báo”.

- Áp lực kinh tế của người viết

Những bài viết có chiều sâu, phóng sự điều tra nhiều kỳ phải nhường chỗ cho những bản tin thời sự chớp nhoáng (breaking news)

- Nhận thức và hiểu biết của độc giả do những câu chuyện về môi trường ít hấp dẫn, ít nhận được sự quan tâm của công chúng.

- Sự phức tạp của vấn đề môi trường, nhà báo môi trường phải có hiểu biết nhất định nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau.

3 tiêu chí/yêu cầu đối với nhà báo môi trường

Tự đào tạo, học hỏi kiến thức về môi trường, nhiều kiến thức chuyên ngành, khó viết, khó hấp dẫn, nhiều tranh cãi.

Là nhà giáo dục công chúng về môi trường: giáo dục nhận thức, ý thức, thái độ để thay đổi hành vi của công chúng. Giáo dục pháp luật.

Là nhà cảnh báo về môi trường: Tác hại, nguyên nhân, ai liên quan, diễn biến, làm gì để ngăn chặn,…

7 câu hỏi cần trả lời trước khi thực hiện một đề tài báo chí liên quan đến vấn đề môi trường:

Câu chuyện có góc nhìn tranh cãi không?

Tranh cãi có đáng theo đuổi?

Đâu là quan điểm khác nhau về vấn đề tranh cãi? Ai có quan điểm đối lập?

Bạn có bóp méo tranh cãi?

Bạn có giật gân câu chuyện?

Bạn có đang phóng đại?

Bạn có tạo được sự cân bằng trong câu chuyện?

Mời quý độc giả quan tâm theo dõi toàn bộ nội dung buổi tập huấn với các diễn giả khác tại đây.

Thảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn