Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn

Tin tức xanhThứ Năm, 21/12/2023 15:00:00 +07:00
(VTC News) -

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn, là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường.

Chiều 20/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, Công ty DO Green tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Các đại biểu tham dự hội thảo Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn.

Các đại biểu tham dự hội thảo Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 60.000 tấn/ngày.

Trong đó, khu vực đô thị 3 chiếm 60%, chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Nhiều địa phương khác trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày cũng khá lớn, nhưng đáng chú ý hơn cả là tỷ lệ thu gom và tỷ lệ xử lý loại chất thải này vẫn chưa đạt 100%.

“Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 - 16%/năm. Về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh”, ông Thao nói.

PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam.

PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Theo vị chuyên gia, vấn đề xử lý nước rỉ rác là việc phức tạp và tốn kém, đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí metan - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính.

Trước những khó khăn, thách thức trên, các giải pháp như phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải... cần được tăng cường áp dụng.

TS Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho hay, hiện trên cả nước có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost (phân hữu cơ) tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân hữu cơ, và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.

TS. Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam.

TS. Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam.

Ông Lương cho rằng, một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải là phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.

Đồng thời, chúng ta cần xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hoá quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, biến chất thải thành năng lượng.

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn hiệu quả, TS Lê Công Lương đề xuất cần hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Đồng thời cơ quan quản lý cần kịp thời ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn liền với các dự án đầu tư, nghiên cứu nhiệm vụ khoa học công nghệ có quy mô lớn.

Nguyễn Ngoan
Bình luận
vtcnews.vn