UNDP và Thanh Hóa 'nắm tay' nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu

Tin nhanh 24hChủ Nhật, 31/07/2022 12:59:36 +07:00
(VTC News) -

Bà Wignaraja đánh giá cao cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa trong công tác thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian qua.

Ngày 30/7, Đoàn công tác của Văn phòng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam do bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế các chương trình, dự án do UNDP tài trợ tại tỉnh Thanh Hóa.

UNDP và Thanh Hóa 'nắm tay' nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu - 1

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chào mừng đoàn công tác do bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký UNDP, Trợ lý Tổng Giám đốc UNDP, Giám đốc UNDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương làm trưởng đoàn.

Cùng đi với đoàn công tác có bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; ông Đào Xuân Lai, Quyền Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cùng đại diện các Vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng…

UNDP và Thanh Hóa 'nắm tay' nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu - 2

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, sau khi nghe ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu khái quát tình hình, đặc điểm các loại hình thiên tai thường gặp trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực người dân dễ bị ảnh hưởng do thiên tai như miền núi, ven biển, bà Kanni Wignaraja, đánh giá cao cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa trong công tác thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu thông qua những sáng kiến xây dựng năng lực chống chịu.

UNDP và Thanh Hóa 'nắm tay' nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu - 3

Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký UNDP, Trợ lý Tổng Giám đốc UNDP, Giám đốc UNDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại buổi làm việc.

Bà Kanni Wignaraja khẳng định, hiệu quả từ những mô hình thực tế như nuôi ong, nuôi trồng thủy hải sản... của tỉnh Thanh Hóa là kinh nghiệm để UNDP đưa ra những quyết sách, tiếp tục đồng hành với các địa phương trong hỗ trợ nhân rộng mô hình, giảm thiểu các rủi ro thiên tai, hướng đến tăng trưởng xanh.

"Rừng ngập mặn là một trong những giải pháp dựa vào thiên nhiên hiệu quả nhất. Rừng là một nguồn sinh kế bền vững, như trong việc nuôi trồng thủy sản và nuôi ong, đồng thời góp phần hấp thụ carbon, bảo tồn đa dạng sinh học, giúp bảo vệ cuộc sống, sinh kế và cơ sở hạ tầng. Rừng tạo ra một lợi ích chung, vừa làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, vừa giúp người dân cải thiện sinh kế và thu nhập, cũng như tăng tỉ lệ che phủ rừng ở Việt Nam. Rừng ngập mặn giúp Việt Nam đạt được tham vọng về khí hậu và phát triển linh hoạt, bền vững", bà Kanni Wignaraja chia sẻ.

Cũng tại buổi làm việc, dự án do UNDP tài trợ tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam, gia đoạn 2017-2021 như trồng rừng ngập mặn, phát triển mô hình sinh kế, làm nhà tránh lũ cũng đã được ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa báo cáo những thành quả đã đạt được. 

UNDP và Thanh Hóa 'nắm tay' nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu - 4

Toàn cảnh buổi làm việc.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của UNDP trong việc xây dựng thêm nhà an toàn, phát triển sinh kế, cùng việc tái tạo rừng ngập mặn và tăng cường kiến thức quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. 

Về vấn đề này, bà Kanni Wignaraja cho biết, thêm 100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt sẽ được tiếp tục xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian gia hạn dự án. Bởi lẽ hơn 2.100 trên tổng số 25.000 ngôi nhà an toàn được yêu cầu xây dựng khẩn cấp trên khắp cả nước nằm ở các hộ ven biển tại Thanh Hóa. 

Đàm Linh - Hữu Dánh
Bình luận
vtcnews.vn