U23 Việt Nam: Xin đừng xem thành công là điều hiển nhiên

Thể thaoThứ Năm, 21/03/2019 15:30:00 +07:00

U23 Việt Nam nói chung và HLV Park Hang Seo nói riêng đang hứng chịu áp lực khủng khiếp ở vòng loại U23 châu Á 2020.

"Chúng ta là đương kim á quân, nhưng việc đó là quá khứ rồi. Chúng ta phải tập trung cho hiện tại. Giải đấu nào cũng áp lực, dù là vòng loại. Cái khó lớn nhất là tôi thực sự không đánh giá được hết năng lực các cầu thủ một cách đồng bộ", HLV Park Hang Seo chia sẻ trong cuộc họp báo trước thềm vòng loại U23 châu Á.

Không còn nụ cười sảng khoái như thường lệ, dù trong buổi tập chiều qua, chiến lược gia người Hàn Quốc đã xắn tay áo để cùng vào tập thể lực với các cầu thủ. Theo HLV Park Hang Seo, các cầu thủ U23 Việt Nam đang rất căng thẳng. Ở vòng loại cách đây 2 năm, U23 Việt Nam xỏ giầy ra sân với không nhiều kỳ vọng, nhưng năm 2018 kỳ diệu đã thay đổi tất cả.

Video: HLV Park Hang Seo tận tâm chỉ dạy học trò

Khi phân tích về sự sa sút của Manchester United sau 2 trận thua liên tiếp, cây bút Adam Bates đã rút ra kết luận: giữ đỉnh luôn khó khăn hơn lên đỉnh, và bạn luôn khó thành công hơn khi người ta bắt đầu nghĩ đó là tiêu chuẩn bắt buộc. U23 Việt Nam hiện tại không còn nhiệm vụ chinh phục vinh quang, mà phải bảo vệ vinh quang đó.

Với một nền bóng đá vừa chớm vươn lên, việc duy trì thành công một cách liên tục là bước đi đầu tiên để tạo dựng tên tuổi. Từ mùa đông lạnh giá ở Thường Châu, Công Phượng, Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Tiến Dũng, Văn Hậu,... đã đan chặt tay nhau để tạo nên một trong những chiến tích kỳ vĩ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Với bộ khung trẻ, HLV Park Hang Seo đắp thêm những tên tuổi giàu kinh nghiệm và dày dạn hơn, từng bước xây dựng "đội tuyển hỗn hợp" (U23 + 3) ở ASIAD và sau đó là đội tuyển quốc gia ở AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019.

Đó là bước đi của lộ trình được thiết kế cẩn thận. Tất cả được tạo nên từ giải U23 châu Á 2018 thành công ngoài mong đợi. 

Nói cách khác, chiến quả của bóng đá Việt Nam dựa vào thế hệ cầu thủ tài năng và những bước đi hợp lý. Thiếu một trong hai, thành công của thầy Park khó được đảm bảo, dù người ta vẫn gán cho ông những mỹ từ như "thầy phù thuỷ" hay người tạo ra phép thuật. Thực tế là không có phép thuật nào cả. Chiến lược gia người Hàn Quốc là người phù hợp, đến đúng thời điểm và đã đánh thức những tiềm lực ngủ quên của bóng đá Việt Nam.

park hang seo (1) 3

HLV Park Hang Seo đang đứng trước không ít sóng gió. (Ảnh: Ngọc Anh)

Nhưng dù tài giỏi đến mấy, thầy Park cũng không thể đương nhiên thành công trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi trong tay ông không còn đội hình chất lượng, đồng đều với kinh nghiệm dồi dào như thời điểm cách đây 2 năm. Mà ở đây, có cảm giác chiến lược gia người Hàn Quốc đang bị phó mặc nhiều nhiệm vụ. 

"U23 Việt Nam hiện tại có thể hình tốt hơn lứa đã dự vòng chung kết năm ngoái. Tuy nhiên theo đánh giá của tôi về năng lực cá nhân và phong độ các cầu thủ có thấp hơn một chút. Lý do là các cầu thủ trước đây đa số được thi đấu thường xuyên ở V-League, các cầu thủ hiện nay ít có cơ hội. Tôi khá lo lắng về phong độ các cầu thủ, vì không được thi đấu thường xuyên nên có thể có vấn đề. Ngoài ra còn có khó khăn về thời gian chuẩn bị nên tôi thấy áp lực", HLV Park Hang Seo khẳng định lại.

Không giống như HLV ở cấp độ CLB hay đội tuyển quốc gia, nhiệm vụ thành công ở các đội tuyển trẻ, với xác suất bất ngờ cao và thế hệ cầu thủ luôn hay đổi, là canh bạc với bất cứ HLV nào. Đức còn chưa từng vô địch Olympic, Argentina thua Hàn Quốc ở U20 World Cup là những minh chứng cho sự "điên rồ" của bóng đá trẻ.

u23-vietnam-3

Không có khuôn mẫu thành công nào cho bóng đá trẻ.

Bản thân vị trí á quân U23 châu Á 2018 của U23 Việt Nam đã là một sự ngạc nhiên cực lớn, xét trên khía cạnh lịch sử và danh tiếng của nền bóng đá. Thành công ấy được xây dựng trên nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan, song không thể lấy đó là hình mẫu để tạo ra áp lực chiến thắng cho tất cả các lứa cầu thủ. Áp lực có thể tạo ra kim cương, nhưng cũng có thể tạo ra... than chì. 

Alfred Riedl từng giúp tuyển Việt Nam vào tứ kết Asian Cup, Henrique Calisto giúp bóng đá Việt Nam lên đỉnh AFF Cup, song tất cả đều "thân bại danh liệt" với bóng đá trẻ. "Hố chôn thất bại" cũng đầy ắp tên tuổi của rất nhiều HLV tài ba khác như Hoàng Văn Phúc, Toshiya Miura hay Falko Goetz.

Lứa cầu thủ hôm nay không có nhiều trải nghiệm bằng các đàn anh như Công Phượng, Xuân Trường. Ngoại trừ bộ khung với những Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh,... hầu hết các cầu thủ đều chưa thi đấu nhiều ở V-League. HLV Park Hang Seo không ngần ngại đánh giá nhiều cái tên có năng lực không tốt bằng lứa trước, nhưng áp lực cho họ thì khủng khiếp hơn nhiều.

U23 Việt Nam từng đá giao hữu với Ulsan Hyundai giữa khán đài Hàng Đẫy ít người, tổ chức họp báo vòng loại với lượng phóng viên bằng 1/3 hôm nay. Chẳng nói đâu xa, lần gần nhất cùng bảng với đội trẻ của Indonesia và Thái Lan, U22 Việt Nam của Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu không thắng được hai đối thủ này, bị loại ở vòng bảng. Vị thế cửa dưới và tâm thế không có gì để mất giúp các cầu thủ trẻ có tinh thần thoải mái, nhưng hiện tại thì không. U23 Việt Nam đang có... rất nhiều thứ để mất.

u23 viet nam

U23 Việt Nam phải vượt qua hào quang 2018. 

Vì vậy, dù U23 Việt Nam vẫn phải đặt mục tiêu cao nhất, xem áp lực là một phần của cuộc chơi, nhưng để "tái tạo" thành công với khuôn mẫu y hệt quá khứ là rất khó. Ngay như Quang Hải - ngôi sao số 1 của U23 Việt Nam ở Thường Châu năm nào, giờ đang chật vật đối diện với stress và áp lực đúng như khẳng định của HLV Park Hang Seo. 

Cái tên "U23 Việt Nam" vẫn gợi nhớ đến kỷ niệm đẹp đẽ, song đó không phải đại diện cho cả nền bóng đá nước nhà. Trách nhiệm phát triển bóng đá Việt Nam phụ thuộc vào cả một hệ thống với sự chung tay của VFF, CLB hay các ông bầu. Đè nặng áp lực lên đôi vai của các cầu thủ trẻ không bao giờ là bước đi đúng đắn. 

Hãy để đôi chân của các cầu thủ được giải phóng để chơi thứ bóng đá đẹp đẽ nhất. Lời thỉnh cầu của HLV Park Hang Seo chỉ có vậy.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn