TS Võ Trí Thành: Kinh tế tuần hoàn là vấn đề sống còn của nhân loại

Chuyển đổi xanhThứ Năm, 21/09/2023 18:00:00 +07:00
(VTC News) -

TS Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế tuần hoàn không chỉ là cơ hội lớn để phát triển bền vững mà còn là vấn đề sống còn của nhân loại để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 21/9, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức lễ ra mắt cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong" và tọa đàm về những giải pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

TS Võ Trí Thành. (Ảnh: Trọng Hiếu).

TS Võ Trí Thành. (Ảnh: Trọng Hiếu).

Phát biểu tại buổi lễ, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, kinh tế tuần hoàn về thực tiễn và lý luận được nảy nở và phát triển mạnh mẽ trong những năm 1980 - 1990. Tuy vậy, cho đến những năm gần đây, Việt Nam mới đề cập nhiều đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Việc này xuất phát từ 3 lý do chính.

"Thứ nhất, liên quan đến vấn đề "To be, or not to be" (tồn tại hay không tồn tại), sống chết của nhân loại với sự biến đổi khí hậu. Thứ hai, chúng ta cũng đã có sự thay đổi về quan điểm cũng như nhận thức về phát triển, không còn chỉ là tăng trưởng đơn thuần mà phải bền vững, bao trùm, sáng tạo...", ông Thành nhấn mạnh.

Lý do thứ ba mà Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đề cập đến chính là khát vọng của Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

TS Võ Trí Thành nêu rõ, kinh tế tuần hoàn là chuỗi cung ứng, gắn với chuỗi cung ứng đó lại có vấn đề rất lớn về pháp lý, tức là lựa chọn lĩnh vực đầu tư. Một lát cắt nữa của kinh tế tuần hoàn, theo ông Thành, là sức sáng tạo rất cao, công nghệ, kỹ năng, hạ tầng, đào tạo... gắn chặt với vai trò của nhà nước.

"Suy cho cùng, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thì mấu chốt vẫn là chính sách", ông Thành đánh giá.

Vị chuyên gia kinh tế nhìn nhận, chưa bao giờ chúng ta có ý chí, cam kết chính trị mạnh mẽ như hiện nay, một trong số đó là Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Để hiện thực hoá được mục tiêu này, ông Võ Chí Thành cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị những chương trình hành động, nghiên cứu các chính sách. Và chính sách quan trọng nhất theo ông Thành đánh giá là Sandbox (cơ chế) cho kinh tế tuần hoàn.

"Thủ tướng mong muốn cuối năm nay phải xong. Trong Sandbox này phân loại để có hỗ trợ tín dụng xanh, trái phiếu xanh, tài chính xanh… và các lĩnh vực ưu tiên", ông Thành nói.

Toàn cảnh lễ ra mắt sách "Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong". (Ảnh: Trọng Hiếu).

Toàn cảnh lễ ra mắt sách "Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong". (Ảnh: Trọng Hiếu).

Về phía các công ty, doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là câu chuyện làm ăn, kiếm tiền, dù muốn hay không muốn cũng phải chuyển đổi.

Lý giải về việc doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển sang kinh tế tuần hoàn, ông Thành cho biết xã hội hiện nay đòi hỏi phải có chữ "xanh" trong tiêu dùng.

"Theo điều tra, tại các thành phố lớn của việt Nam, thế hệ tiêu dùng xanh nhiều nhất là gen Y và gen Z. Các bạn trẻ hiện nay tiêu dùng rất xanh, rất văn minh và điều tích cực này đang được lan toả mạnh mẽ. Thực trạng này tạo ra áp lực cho doanh nghiệp", ông Thành nói.

Cũng theo ông Võ Trí Thành, nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng như các tổ chức thế giới cho thấy, về ngắn hạn, chuyển đổi xanh đặt ra nhiều vấn đề như chi phí chuyển đổi, đầu tư, công nghệ, đào tạo… Nhưng về trung hạn và dài hạn, những doanh nghiệp nào thực hiện trách nhiệm xã hội và chuyển đổi xanh thì bền vững.

"Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu rõ tất cả những doanh nghiệp có tinh thần chuyển đổi xanh về phương thức kinh doanh đều có sức chống chịu tốt hơn trong đại dịch COVID-19. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh rất có giá trị thực tiễn", TS Võ Trí Thành khẳng định.

Ông Võ Trí Thành đánh giá cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong" có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn, và là một tài liệu quý giá đối với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như với các cơ quan hoạch định chính sách.

Cùng quan điểm, ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, cuốn sách là tập hợp các trường hợp điển hình về kinh tế tuần hoàn nên chủ đề đa dạng, đầy đủ và ấn tượng.

Ông Phan Đức Hiếu. (Ảnh: Trọng Hiếu).

Ông Phan Đức Hiếu. (Ảnh: Trọng Hiếu).

Bên cạnh những nội dung đã được đề cập trong cuốn sách, ông Hiếu hiểu rằng không có đạo luật nào riêng về kinh tế tuần hoàn mà các cơ chế chính sách sẽ nằm nhiều ở các quy định khác, các chính sách đầu tư khác. Theo ông, cần rà soát quy định pháp luật liên quan, nếu phát hiện quy định nào không tạo thuận lợi hoặc cản trở kinh tế tuần hoàn thì bãi bỏ ngay.

"Trước khi có chính sách ưu đãi, thúc đẩy thì rà soát các quy định cản trở đã là hành động thiết thực. Điểm thứ 2 hiện nay là nhiều quy chuẩn. Vì vậy, nếu rà soát tiêu chuẩn sản phẩm, việc quá chi tiết, cứng nhắc sẽ làm doanh nghiệp khó thay đổi, sáng tạo để phù hợp kinh tế tuần hoàn. Nên rà soát để làm sao có quy định những gì có hại doanh nghiệp không được làm, còn lại doanh nghiệp có thể tự chủ", ĐBQH Phan Đức Hiếu nêu.

Ông Phan Đức Hiếu kiến nghị, sau cuốn sách này nên có thêm một nghiên cứu hướng tới tập trung nghiên cứu sâu hơn để có những thực tiễn, chính sách tốt ở quốc tế, hay từ kinh nghiệm của cả Việt Nam để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đối với doanh nghiệp, cần có nhiều trường hợp điển hình nhưng cũng nên cụ thể hơn ở các hướng dẫn để bắt đầu chuyển đổi kinh tế tuần hoàn.

Nêu ý kiến tại buổi lễ, ông David Riddle - Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát - cho rằng, để kinh tế tuần hoàn đi vào đời sống là quá trình có thể mất thời gian và đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong nhiều thế hệ. Trong đó, cần có cách tiếp cận mới, thậm chí cần động lực có tính chất kinh tế được đưa ra để khuyến khích tái chế.

Theo ông David Riddle, trên thế giới đã có nhiều công nghệ để tạo ra và sử dụng nhựa tái chế. Thách thức nằm ở việc có cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện điều này, trên quy mô lớn. Đó là lý do tại sao việc hợp tác trên quy mô chưa từng có là cần thiết và cấp thiết.

"Tân Hiệp Phát tin rằng đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải tham gia một cách thực chất. Cần phải có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn quy định trách nhiệm cụ thể cho các nhà sản xuất, nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí xử lý thải cho các sản phẩm thải bỏ", ông David Riddle kiến nghị.

Sách "Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong". (Ảnh: Trọng Hiếu).

Sách "Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong". (Ảnh: Trọng Hiếu).

Cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong" dày 540 trang khổ lớn, xuất bản song ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh. Cuốn sách đăng tải nhiều bài viết, công trình nghiên cứu của các tác giả là các nhà quản lý, các chuyên gia có uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các bài viết trong cuốn sách phân tích sâu những vấn đề cơ bản về kinh tế tuần hoàn, xu hướng và đòi hỏi bức thiết phát triển kinh tế tuần hoàn.

Sách chỉ ra thực trạng, cơ hội và thách thức phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đồng thời, cuốn sách cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn của các nước và mô hình kinh tế tuần hoàn của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Qua đó đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn