TS Hồ Đức Việt: VPF "sạch", V-League sẽ ổn

Thể thaoThứ Hai, 03/10/2011 08:05:00 +07:00

(VTC News)- Nhận lời về làm chủ tịch danh dự CLB bóng đá Hà Nội, cựu chủ tịch VFF, TS Hồ Đức Việt, mang theo rất nhiều trăn trở về bóng đá Việt Nam và VPF.

(VTC News)- Nhận lời về làm chủ tịch danh dự CLB bóng đá Hà Nội, cựu chủ tịch VFF, TS Hồ Đức Việt, mang theo rất nhiều trăn trở về bóng đá Việt Nam và VPF.

*LTS: Tiến sỹ Hồ Đức Việt- nguyên Chủ tịch VFF khóa 3- mặc dù rất bận với nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn tìm hiểu và quan tâm tới bóng đá nước nhà. Mới đây, Tiến sỹ Hồ Đức Việt đã được Chủ tịch CLB. HN.ACB mời về làm Chủ tịch danh dự CLB bóng đá Hà Nội (sát nhập HN.ACB và Hòa Phát Hà Nội).

Thể thao 24h đã có cuộc đối thoại với Tiến sỹ Hồ Đức Việt- nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng- xung quanh những vấn đề nóng hổi của bóng đá nước nhà.


@Chưa có bóng đá chuyên nghiệp theo đúng nghĩa

*Thể thao 24h: Thưa tiến sỹ Hồ Đức Việt, trở lại thời điểm 2001 khi ông được mời làm Chủ tịch VFF, mặc dù bận rất nhiều việc, điều gì khiến ông nhận lời. Khi đó, ông trăn trở nhất điều gì?

-TS Hồ Đức Việt: Vào thời điểm 2001, việc tiến hành Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) gặp khó khăn, lúng túng trong việc tìm người thích hợp để đứng đầu Liên đoàn nên phải hoãn đi hoãn lại mấy lần. Người có khả năng làm được, làm tốt công việc của Chủ tịch VFF thì không nhận lời, người muốn làm thì không nhận được sự đồng thuận cần thiết.

Có lẽ do thấy tôi là người ham thích bóng đá, đã tham gia lãnh đạo một tổ chức chính trị- xã hội, cùng một số cơ quan báo chí thuộc Trung ương đoàn TNCSHCM đứng ta chủ trì, tổ chức có nền nếp một số giải bóng đá trẻ …nên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có gợi ý, một số anh em có tâm huyết với bóng đá vận động nên tôi nhận lời làm Chủ tịch VFF, đương nhiên là nếu được tín nhiệm.

Khi đó tôi công tác thường xuyên ở Thái Nguyên (thời điểm đó ông Hồ Đức Việt là Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên- PV), đang bận việc và chỉ còn một vài ngày nữa là tổ chức Đại hội VFF nên không kịp suy nghĩ gì nhiều, chỉ thấy mình vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, nên cùng gỡ khó, “chia lửa” với VFF. Quan điểm của tôi là có làm thì cũng làm ngắn thôi, khoảng 1 năm, để góp sức củng cố tổ chức, hoàn thiện các điều lệ, quy chế, quy định, đổi mới cách thức hoạt động của Liên đoàn, cải tiến lề lối làm việc của Văn phòng Liên đoàn, làm chi Liên đoàn mạnh hơn lên, hoạt động đúng với vai trò, tính chất, quyền và nghĩa vụ của một tổ chức xã hội- nghề nghiệp về bóng đá…

*Thể thao 24h: Khi nhậm chức chủ tịch VFF khóa 3, trả lời phỏng vấn báo chí, ông nói: “Cần phải khẳng định là ở nước ta chưa có bóng đá chuyên nghiệp. Không thể gọi là chuyên nghiệp nếu không có hoạt động độc lập của LĐBĐ và các CLB bóng đá”. Sau 10 năm, ông đánh giá sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam thế nào? Được và chưa được ở những mảng nào?

-TS Hồ Đức Việt: Tôi thấy rằng cho đến nay ở nước ta vẫn chưa có bóng đá chuyên nghiệp theo đúng nghĩa của nó. Khoảng 10 năm trước, VFF ban hành Quy chế bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên, từ đó đến nay mới chỉ là thời kỳ tạo dựng bóng đá chuyên nghiệp.

Nói đến bóng đá chuyên nghiệp thì trước hết phải nói tới HLV chuyên nghiệp, cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, họ phải coi đó là nghề với đạo đức nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định. Nói nôm na cho gọn: trong cơ quan tổ chức và nhiệm vụ của VFF có 3 cơ quan với ba mảng công việc trọng yếu là : lập pháp (Đại hội VFF), hành pháp (là BCH VFF) và tư pháp (Ban kỷ luật, ban Giải quyết khiếu nại) thì mô hình tổ chức, nội dung và cách thức hoạt động của 3 cơ quan, 3 mảng việc trọng yếu này đều chưa thực sự chuyên nghiệp. Điều lệ Liên đoàn, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp thực tiễn bóng đá nước nhà và xu hướng phát triển của bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới. Thậm chí có điểm, có việc chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như quy định của FIFA, AFC.
Có những quy định đúng rồi nhưng trong thực tế lại không làm đúng như vậy. Từ việc quản lý giải bóng đá chuyên nghiệp cho đến quản lý cầu thủ, HLV, trọng tài, chuyển nhượng cầu thủ…đều chưa chuyên nghiệp. Không thể nói là chuyên nghiệp khi cơ quan tư pháp chưa hoạt động độc lập theo điều lệ, quy chế VFF và lãnh đạo của cơ quan này chưa có bằng cấp về luật, thành lập doanh nghiệp một cách hình thức để trở thành CLB chuyên nghiệp. Báo chí đã nêu nhiều ví dụ đúng về sự chưa chuyên nghiệp, tôi không nói lại.

Tôi nói vậy không có ý phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của VFF trong quá trình tạo dựng bóng đá chuyên nghiệp mà còn đánh giá cao những việc VFF đã làm được. Tuy vậy phải thấy rằng, để có bóng đá chuyên nghiệp ở nước ta thì cần rất nhiều việc phải làm, phải đồng tâm hiệp lực để đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ, tích cực.

@Vai trò của các “ông chủ” rất quan trọng trong việc phát triển bóng đá

*Thể thao 24h: Vào tháng 1/2003, ông xin từ chức Chủ tịch VFF với lý do “không thể làm tốt công việc ở Liên đoàn, trong tình hình ông kiêm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng khác”, dư luận đánh giá không phải là ông sợ trách nhiệm, ngược lại là một động thái tích cực khi phá vỡ một tình hình tồn tại và phổ biến và diễn ra lâu dài trong các LĐTT, đặc biệt là LĐBĐ. Cụ thể trước khi từ nhiệm, ông đề xuất một ý tưởng mới khi đó: “Chủ tịch là một doanh nghiệp lớn, một nhà kinh tế - đích thực là thực hiện chủ trương xã hội hoá của Đảng và Nhà nước, đồng thời mở rộng sự đóng  góp  của xã hội cho sự nghiệp phát triển bóng đá nước nhà”. Thưa ông, nhận định nào đưa đến đề xuất trên?

-TS Hồ Đức Việt: Tôi không đề xuất mà chỉ nếu lên như một ý kiến. Tôi không nói là Chủ tịch VFF nên hay phải là lãnh đạo một doanh nghiệp lớn. Ý kiến này xuất phát từ một thực tế trước đó là ta thường chuyển một đồng chí lãnh đạo ở Tổng cục TDTT sang làm Chủ tịch VFF. Rất cần phải xã hội hóa những hoạt động thể thao chung và bóng đá nói riêng. Chủ doanh nghiệp lớn  làm chủ tịch Liên đoàn bóng đá Quốc gia cũng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới.

Trong thực tế thì Chủ tịch LĐBĐ QG có thể là người trưởng thành từ môi trường bóng đá, có thể là doanh nhân, chính khách…Nhưng để làm làm tốt nhiệm vụ của Chủ tịch thì ngoài yêu cầu chung về đạo đức về năng lực thì nên hoặc phải là người yêu bóng đá, có hiểu biết nhất định về bóng đá, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm, công tâm vì sự phát triển của bóng đá của đất nước, biết cách huy động các nguồn lực, cách thức tố chức và vận hành bộ máy của một tổ chức xã hội- nghề nghiệp, có tầm ảnh hưởng càng sâu rộng càng tốt đối với các thành viên củ Liên đoàn, đối với xã hội…


*Thể thao 24h:Trở lại câu chuyện Chủ tịch HN. ACB mời ông làm Chủ tịch danh dự CLB bóng đá Hà Nội. Trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông nói: “Tôi nhận lời như vậy là để khích lệ tinh thần bóng đá, yêu bóng đá và làm bóng đá của anh Kiên, không muốn để mất đi CLB Hòa Phát Hà Nội khi Tập đoàn Hòa Phát tuyên bố từ bỏ bóng đá”. Ông đánh giá thế nào về vai trò của các ông chủ CLB  đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam?

-TS Hồ Đức Việt: Các “ông chủ” CLB bóng đá, ở đây các “ông chủ” bao gồm cả tổ chức, cá nhân, yêu thích bóng đá, làm bóng đá chuyên nghiệp không chỉ vì lợi ích riêng mà còn vì sự phát triển của nền bóng đá, họ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của bóng đá nói chung và bóng đá chuyên nghiệp ở nước ta nói riêng. Bởi lẽ các CLB bóng đá chuyên nghiệp là doanh nghiệp, là thành viên của VFF. Họ có tiền lực để đào tạo, huấn luyện cầu thủ, xây dựng cơ sở vật chất, tham gia tổ chức thi đấu bóng đá chuyên nghiệp, phát triển quan hệ quốc tế về bóng đá, phát triển kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá, thể thao, tài trợ đúng luật cho các hoạt động bóng đá.

*Thể thao 24h: Theo ông, cần phải làm gì để bóng đá ở hai trung tâm lớn là HN và TPHCM phát triển xứng tầm, với những CLB thật sự chuyên nghiệp?

- TS Hồ Đức Việt: Việc cần phải làm thì nhiều, nhưng theo tôi trước hết là 3 việc cần: cần sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo thành phố; cần tạo ra nhiều khoản trống, sân chơi cho bóng đá thanh niên; cần coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bóng đá.

@Tôi tin giải đấu sẽ công khai, minh bạch hơn

*Thể thao 24h:Theo quan điểm của ông, việc đổi mới cách thức tổ chức, làm việc của Liên đoàn đến cách thức tổ chức giải phải bắt đầu từ đâu? Phải chăng là từ nhân sự của VFF?

-TS Hồ Đức Việt: Để đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VFF thì cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp với những chương trình kế hoạch cụ thể, khả thi. Các Liên đoàn thể thao quốc gia nói chung, Liên đoàn bóng đá Việt Nam nói riêng có 11 quyền và nghĩa vụ đã được Luật thể dục, thể thao quy định. VFF cần đổi mới, có các giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.

Có thể nêu ra một số giải pháp sau: Chỉnh sửa Điều lệ, các quy chế, quy định; đề xuất việc đổi mới cơ chế, chính sách để phát triển bóng đá trong đó có bóng đá phong trào, bóng đá trong trường học, trong các ngành, địa phương, bóng đá đỉnh cao nam và nữ, bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá bãi biển…; huy động nguồn lực để phát triển bóng đá; quản lý giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cầu thủ, HLV, trọng tài bóng đá; nâng cao chất lượng đội tuyển QG; phát triển bóng đá trẻ, mở rộng hợp tác quốc tế; phòng chống tiêu cực trong bóng đá, đặc biệt là là nạn móc ngoặc, gian lận, lợi dụng chức quyền làm sai lệch kết quả thi đấu, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ chuyên nghiệp…

Trong các giải pháp lớn đó cần chọn ra một số giải pháp để đột phá. Nên chăng, đó là: phát triển bóng đá trẻ; đổi mới mô hình cách thức giải bóng đá chuyên nghiệp; phòng chống tiêu cực trong bóng đá.

*Thể thao 24h: Ông có ý kiến thế nào về đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) để điều hành, tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp mà 6 Chủ tịch CLB bóng đá đề xuất với lãnh đạo VFF?

-TS Hồ Đức Việt: Với tinh thần tôi đã nói ở trên, tôi hoan nghênh chủ trương thành lập Công ty cổ phần VPF để tổ chức điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp.

Thực ra mô hình này không mới, các nước có nền bóng đá chuyên nghiệp phát triển đã sử dụng mô hình này từ lâu, FIFA cũng đã kiến nghị. Ở trong nước cũng đã có một số công ty chuyên tổ chức một số loại sự kiện. Trong bóng đá, ta bây giờ mới làm là chậm, mới đối với ta nhưng là chậm và cũ so với xu hướng chung.

Áp dụng mô hình này không sợ sai lệch định hướng, làm mất đi vai trò, quyền và lợi ích của Liên đoàn vì công ty VPF là thành viên của Liên đoàn; chức năng, nhiệm vụ và nhân sự chủ chốt của VPF được BCH VFF thông qua. VFF giữ vai trò “cổ phần chi phối” trong công ty đã thể hiện qua phần góp vốn, qua số thành viên VFF trong Hội đồng quản trị và một số quy định hợp lý được nêu rõ trong điều lệ công ty.

Có VPF, VFF có điều kiện tập trung hơn cho những công việc quan trọng khác. Nếu công ty hoạt động tốt, có hiệu quả thì hy vọng giải đấu sẽ công khai, minh bạch và sạch hơn.

Vấn đề cần làm lúc này là trên cơ sở Luật doanh nghiệp và thực tiễn đất nước, tham khảo kinh nghiệm hay của một số nước nhưng không rập khuôn, máy móc mà khẩn trương cụ thể hóa Đề án, tiến hành công việc triển khai đề án, có quy định để giải quyết những vướng mắc có thể nảy sinh, làm rõ mối quan hệ giữa công ty VPF và các cơ quan, các ban chức năng của VFF.

Xin nói thêm đôi điều về phòng chống tiêu cực trong bóng đá. Không loại trừ khả năng có những tiêu cực, tệ nạn ngoài xã hội tác động vào trọng tài, cầu thủ, vào các giải đấu bóng đá. Cần huy động sức mạnh tổng hợp của VFF, của các đội bóng, chủ tịch các CLB, các cơ quan nhà nước có liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí, các CĐV yêu bóng đá sạch, bóng đá đẹp… vào mặt trận phòng chống tiêu cực trong bóng đá. Cần xử lý khen chê kịp thời, công minh, có chế tài mạnh để răn đe.

Về nhân sự của VFF, đó là nhân tố có tính chất quyết định đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của VFF. Bác Hồ đã nói rằng: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Xây dựng nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức, lề lối làm việc luôn có mới quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Vì vậy VFF cần phải chăm lo tốt hơn công tác nhân sự, cho đội ngũ cán bộ của mình. Nhân sự nào thấy cần thay thế thì thay, còn nói chung cần có biện pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, đổi mới lề lối làm việc, tác phong công tác của cán bộ. Đồng thời sớm chuẩn bị nguồn nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo của Liên đoàn.

*Thể thao 24h: Vậy, ông tin tưởng điều gì vào tương lai bóng đá Việt Nam?

TS Hồ Đức Việt: Tôi tin bóng đá Việt Nam sẽ phát triển tốt. Kiên quyết đổi mới, năng động sáng tạo, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, đoàn kết đồng lòng vì mục tiêu chung, nhất định bóng đá Việt Nam sẽ tiến lên.

Thể thao 24h: Xin cảm ơn ông.

Hoàng Lâm- TKTS (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn