Trò chơi nguy hiểm 'Cá voi xanh' là gì? Vì sao gọi là 'Cá voi xanh'?

Thế giớiThứ Năm, 10/05/2018 08:19:00 +07:00

Thử thách kết thúc bằng việc người chơi tự kết liễu cuộc sống của mình, vì sao lại có tên gọi là "Cá voi xanh"?

Thử thách này thực chất là một trò chơi trên mạng xã hội, lần đầu tiên được phát hiện ở Nga. Lý do trò chơi có tên là "Cá voi xanh" có thể là vì việc người tham gia tự sát khi trò chơi kết thúc cũng giống như cách cá voi xanh lao mình lên bờ biển mắc cạn và chết vậy. Cho đến nay hiện tượng cá voi xanh mắc cạn rồi chết các nhà khoa học cũng chưa thể lý giải được. 

Để được tham gia trò chơi này, người chơi mới sẽ phải đi tìm "cá voi xanh" - tên gọi tự xưng của những kẻ đứng đầu trò chơi, sau 'một nghi thức ra mắt" sẽ được kết nạp vào cộng đồng những "cá voi xanh" là người chơi khác. 

Trào lưu nguy hiểm này được cho là bắt nguồn từ mạng xã hội Vkontakte của Nga từ cách đây 3 năm và đạt được độ lan tỏa khá lớn trên cộng đồng mạng thế giới như Facebook, Instagram, Twitter. Thử thách "cá voi xanh" đã xuất hiện và được cảnh báo ở một số nước như Anh, Ấn Độ.  Tuy nhiên, giới chức trách và truyền thông thế giới đã luôn phải phát đi thông điệp về sự nguy hiểm của trò chơi này, sau khi nó cướp đi sinh mạng của hàng trăm thanh thiếu niên.

ca-voi-xanh-1

Chụp màn hình 'Thử thách Cá voi xanh'. (Ảnh: Business World)

Luật của trò chơi được phổ biến như thế nào? 

Người chơi "Cá voi xanh" sẽ phải thực hiện một chuỗi yêu cầu trong vòng 50 ngày. Khởi đầu là những nhiệm vụ dễ như nghe một loại nhạc, xem một bộ phim hay đi dạo ở những nơi được chỉ định, hay làm những việc "kỳ lạ" trong mắt phụ huynh, bạn bè.

Nhưng dần dần, các yêu cầu sẽ khó dần, đòi hỏi người chơi tự gây tổn thương với những nhiệm vụ như rạch tay, khắc hình cá voi lên tay. Và cuối cùng đến ngày thứ 50, người chơi sẽ được yêu cầu phải tự sát để được công nhận là người chiến thắng thử thách. 

Nếu từ chối hoàn thành các nhiệm vụ, nạn nhân bị quản trị viên đe dọa tiết lộ và phát tán những thông tin cá nhân đặc biệt hoặc nhạy cảm lên mạng từ tài khoản của họ, hoặc ít nhất họ bị thuyết phục tin vào điều này.

Theo Times of India, thử thách chết người này không được công bố rộng rãi. Quản trị viên kiểm soát một cách nghiêm ngặt những người có thể tiếp cận Cá voi xanh. Một số báo cáo cho biết các quản trị xác định những các nạn nhân dễ bị tổn thương và gửi đường dẫn qua điện thoại, một khi bấm vào và đồng ý tham gia mọi dữ liệu trong quá trình đó đều sẽ được thu thập.

Đối tượng những kẻ cầm đầu thử thách này nhắm tới thường là những đứa trẻ mới lớn còn trong độ tuổi vị thành niên - độ tuổi vẫn chưa có được sự phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý.

Video: Trò chơi nguy hiểm "Cá voi xanh" xuất hiện tại Tiền Giang

Trào lưu "Cá voi xanh" đã gieo rắc những nỗi đau khôn nguôi cho biết bao gia đình và ngôi trường trên thế giới. 

Theo The Sun, Cá voi xanh được cho là có liên quan đến cái chết của ít nhất 130 thiếu niên tại Nga, chỉ tính từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016. Dù lúc đó chưa có bằng chứng trực tiếp về sự liên quan của Cá voi xanh, phần lớn các nạn nhân đều là thành viên của một nhóm kín trên mạng xã hội giống nhau và sống trong những gia đình bình thường.

Năm 2016, Yulua Konstantinova 15 tuổi và Veronika Volkova 16 tuổi tại Nga nhảy xuống từ tầng 14 của một tòa nhà. Yulia để lại ghi chú “Kết thúc” trên mạng xã hội sau khi đăng tải ảnh một con cá voi xanh lớn.

Một cô bé 17 tuổi ở Ấn Độ, được cho là tham gia “trò chơi” nguy hiểm này đã cố gắng tự tử hai lần chỉ trong hai ngày.

Một cô bé 15 tuổi khác ở Siberia,Nga bị thương nghiêm trọng sau khi ngã xuống nền tuyết từ căn hộ tầng 5. Hai ngày sau, một cô bé 14 tuổi ở Chita lao mình vào đoàn tàu đang chạy.

Chính quyền Nga đề xuất dự luật quy trách nhiệm pháp lý cho các nhóm kích động tự tử trên mạng xã hội, trong đó những người xúi giục người khác tự tử có thể bị tù đến 4 năm.

Theo truyền thông Nga đưa tin, người được cho là sáng lập ra thử thách "Cá voi xanh" là Philip Budeikin - một sinh viên sống khép kín, không có bạn và hiếm khi tiếp xúc ngay cả với người thân trong gia đình mình. Hắn thường xuyên theo dõi các video lệch lạc trên mạng và coi đó là nguồn cảm hứng tạo nên "Thử thách cá voi xanh". 

Năm 2017, nghi phạm 17 tuổi người Nga bị bắt cùng cáo buộc đứng đằng sau các thử thách chết người. Theo First Post, cô gái này thay vì hoàn thành thử thách Cá voi xanh thì trở thành quản trị viên và chịu trách nhiệm tạo ra 50 thử thách hướng dẫn và ép buộc người tham gia tự hủy hoại bản thân, và cuối cùng là tự tử. Những thành viên trong nhóm này bị đe dọa nặc danh rằng họ hoặc người thân sẽ chết nếu không hoàn thành các nhiệm vụ.

ca-voi-xanh-2

 Một cô gái 15 tuổi tại Nga đăng ảnh cá voi xanh trước khi tự sát.

Theo chuyên gia tâm lý tại Delhi, lứa tuổi thiếu niên dễ bị nhắm đến trở thành mục tiêu cho "Cá voi xanh", những đối tượng này luôn muốn thể hiện cái tôi và dễ bị lôi kéo. Tham gia những thử thách như Cá voi xanh được cho là mang đến cảm giác kích thích khiến họ quên rằng phải mất mạng.

Không chỉ có thiếu niên, người trưởng thành cũng có thể “nghiện” cảm giác nguy hiểm của trào lưu này. Một phụ nữ đã kết hôn 35 tuổi, một sinh viên 20 tuổi tại Ấn Độ phải tìm đến sự trợ giúp khẩn cấp của bác sỹ sau khi thú nhận tham gia trò chơi. Người phụ nữ nói mình gặp trầm uất vì nhiều vấn đề gia đình, trong khi đó sinh viên 20 tuổi cảm thấy áp lực vì bố nghiện rượu và chị gái ly hôn.

NSPCC (một chiến dịch từ thiện bảo vệ trẻ em tại Anh) cảnh báo trẻ em không nghe theo sự xúi giục hoặc làm bất cứ điều gì khiến bản thân cảm thấy không an toàn.

Người phát ngôn NSPCC cho rằng trẻ em có thể cảm thấy khó chống lại áp lực để đi ngược số đông trong các trào lưu, nhưng cha mẹ cần nói chuyện với con, em mình và nhấn mạnh rằng các em có quyền đưa ra lựa chọn riêng của mình. Lắng nghe, tôn trọng cảm xúc của trẻ vị thành niên và giúp các em học cách nói “không” cũng như tìm đến sự giúp đỡ khi cần, là thông điệp được NSPCC khuyến cáo để phụ huynh cùng con, em mình chia sẻ áp lực.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn