Tre xanh, chuyện vui buồn của người lãng du

Tổng hợpThứ Sáu, 04/03/2011 05:06:00 +07:00

Công việc của Lại Thủy khiến cô thường xuyên được tiếp xúc với những người nghệ sĩ nông dân. Họ không biểu diễn trên những sân khấu lớn...

Công việc của Lại Thủy khiến cô thường xuyên được tiếp xúc với những người nghệ sĩ nông dân. Họ không biểu diễn trên những sân khấu lớn với hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại mà chỉ trên những tấm chiếu cói, những sân đình, nơi vào mùa thu hoạch lại trở thành chỗ phơi ngô, phơi thóc. Đi hết từ làng quê này đến làng quê khác, Thủy và những người đồng nghiệp của mình cần mẫn tìm hiểu, khám phá và đưa vào Tre xanh những khuôn hình, những giai điệu và cả những trăn trở, những đau đáu, những xót xa về một nét văn hóa truyền thống nào đó sắp sửa mai một.

Lại Thủy tốt nghiệp khoa Văn, Đại học KHXH&NV. Ra trường không viết văn cũng không làm nghề giáo mà lại đi làm báo, làm truyền hình. Thế rồi loay hoay thế nào mà rút cuộc những chương trình cô được giao làm đều "dính" với văn hóa dân gian, những lễ hội, những làn điệu, câu ca - một phần gắn liền với văn học truyền miệng đã từng học, từng nghiên cứu. Thủy bảo, "tôi cảm giác mình mắc nợ với văn hóa truyền thống", và vì thế Tre xanh được lên format, mỗi số đi quay đều mang nặng trong đó những ân tình, những hoài thương.

 

Đúng như tên gọi, "Tre xanh" khiến người ta liên tưởng tới những câu chuyện văn hóa, chuyện con người gắn liền với những làng quê nông thôn Việt Nam. Đó là những lễ hội, những truyền thuyết, những làn điệu hát Dô, Tuồng, Chèo, hát Then…, những di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với lịch sử của mỗi ngôi làng, mỗi mảnh đất. Trong đó, một số di sản vẫn còn được duy trì, bảo tồn, một số trong đó đang bên bờ vực mai một, biến mất.

Giống như một chương trình truyền tình thực tế, Tre xanh đi đến nhiều làng quê khác nhau, ở nhà dân, ăn cùng dân, sinh hoạt cùng dân để phản ánh cuộc sống lao động, tinh thần của họ một cách chân thực, mộc mạc, giản dị. Mỗi một chương trình đều được tái hiện như một câu chuyện xuyên suốt, một phóng sự dài trong thời lượng 30 phút phát sóng.

Chương trình của những nghệ sĩ nông dân

Lại Thủy sinh năm 1984. Cô cho biết lứa tuổi của cô hoặc trẻ hơn đều khá mơ hồ với các loại hình văn hóa dân gian. Một phần vì có ít điều kiện tiếp xúc, phần vì không mấy người trẻ hứng thú và phần nữa vì văn hóa dân gian đang càng ngày càng mai một, ít người nghe nhắc đến. Khi mới đầu làm quen với những đề tài này, Thủy cũng cảm thấy xa lạ, xa lạ với những động tác múa khó hiểu, những câu ca khó hiểu, những lễ nghi phức tạp, khó hiểu. Đặc biệt, trước đó cô mới chỉ biết đến những loại hình văn hóa truyền thống phổ biến như Chèo, Cải lương, Tuồng, Chầu văn…, về sau làm rồi mới biết, văn hóa truyền thống không chỉ có từng ấy loại hình mà thực ra vô cùng đa dạng, phong phú. Có những làn điệu lần đầu Thủy nghe đến tên như hát Dô, hát Dậm, hát bài Chòi, những lễ hội lần đầu biết tên như Gầu tào, lễ hội Lồng tồng, lễ hội Xên bản…

Thì ra, ở mỗi một ngôi làng, mỗi miền quê đều mang trong mình một nét văn hóa đặc trưng, chứa đựng trong đó là lịch sử xã hội, con người, những biến động, thậm chí là những cuộc giao tranh pha trộn văn hóa… Ở đó, mỗi một điệu múa, một câu ca đều tượng trưng cho một phần của lịch sử. Vì vậy, nếu chỉ xem qua, nghe qua sẽ rất khó để thấy hấp dẫn bởi sự chân phương quá, mộc mạc quá, chậm rãi quá. Chỉ đến khi hiểu rằng đằng sau mỗi một ca từ, mỗi một động tác kia mang thông điệp gì người xem mới "ngộ" và thấy bị cuốn hút, giống như một người bị cuốn vào một cuốn sách hay sau khi đã vượt qua những trúc trắc của câu chữ. Lại Thủy cũng vậy.

 

Nhưng cảm động hơn chính là khi Thủy chứng kiến có những con người rất đỗi bình thường đang nỗ lực gìn giữ những nét văn hóa dân gian ấy cho quê hương của mình. Thủy còn nhớ chương trình đầu tiên làm về hát Dô. Lễ hát Dô có lời nguyền 36 năm mới được tổ chức một lần. Khi hết hội thì tuyệt nhiên không được hát nữa. Vì lời nguyền ấy, có người cả cuộc đời không hát lần nào dẫn đến mai một. Lễ hát Dô được tổ chức trong đình Khánh Xuân (Hà Tây) thờ Tản Viên tương truyền là người sinh ra làn điệu này.

Lo sợ một ngày kia hát Dô sẽ biến mất, chị Nguyễn Thị Lan, một cán bộ phụ nữ xã đã tìm cách vận động người dân bước qua lời nguyền rút ngắn con số 36 để hát Dô được gìn giữ và duy trì. Với sự giúp đỡ của Gs. Tô Ngọc Thanh, giờ đây nam thanh nữ tú đều có thể hát làn điệu này. Chị Lan chính là người được Tre xanh tôn vinh vào số đầu tiên.

Tiếp sau đó, nhiều nghệ sĩ nông dân khác như cụ Trịnh Thị Răm ở Hà Nam, 90 tuổi vẫn tham gia tập luyện hát Dậm cùng các lứa thanh niên trong làng. Hay về Bình Định xem con cháu cụ Đào Tấn, những người nghệ sĩ nông dân mang cả gia đình theo những gánh hát tuồng đi khắp nơi này đến nơi khác biểu diễn với đồng lương ít ỏi không đủ mua son phấn. Hay chạnh lòng khi nghe một người phụ nữ Bình Định chia sẻ thật lòng rằng bất cứ điều gì nhà nước làm để gìn giữ điệu hát Chòi truyền thống, chị sẽ sẵn sàng tham gia đóng góp, kể cả chi phí, công sức tự đi biểu diễn.

Tất cả những gì mà người nông dân Thủy gặp đang cố gắng làm đều vì mong muốn nét đẹp quê hương mình được lưu truyền, bảo vệ khỏi sự mai một và lãng quên.

Nỗi trăn trở sau lũy tre xanh

Cũng giống như những nghệ sĩ hát tuồng bình dân ấy, Lại Thủy và ekip Tre xanh cũng phải lang thang đến những vùng quê nghèo, thiếu thốn đủ đường với nguồn kinh phí có hạn. Với đặc thù chương trình ưu tiên đối tượng khán giả là nông dân nên để nội dung chương trình gần gụi, thiết thực với nông dân, bản thân những người thực hiện chương trình cũng phải sống, sinh hoạt ở nhà dân trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn. Nhưng cũng chính vì thế mà những phóng viên của kênh 16 lại có dịp tìm hiểu, tiếp xúc nhiều hơn với những người nghệ sĩ nông dân. Biết cảm động khi được họ nhường chiếc giường ấm để ngủ, được thết đãi rượu quê và được tặng những củ khoai, cân gạo, được đón nhận bằng tấm thịnh tình mà chỉ có những người dân quê thật thà, chất phác mới dành trọn vô điều kiện như thế.

Những người làm chương trình cũng đã nhận được những "món quà" vô giá. Thủy chia sẻ, có lần đi công tác ở Hưng Yên trong tâm trạng buồn chán vì gặp phải chuyện không vui. Khi đến nhà một nhân vật là một thanh niên sinh năm 85, nhìn lên bàn thờ nhà cậu ấy và bắt gặp di ảnh người phụ nữ trẻ. Hỏi ra mới biết, hai vợ chồng mới cưới chưa đầy năm, thì chị vợ đã mất trong khi sinh đứa con đầu lòng. Đứa trẻ cũng không cứu được. Nhìn cậu thanh niên sáng tinh mơ đã ra chợ bán chuối mưu sinh mà lòng Thủy ngưỡng mộ nghị lực của cậu. Rồi thì những cụ Răm, chị Lan… những người nông dân như bao người nông dân khác nhưng đã bỏ công sức và tâm huyết để bảo tồn và duy trì những nét văn hóa truyền thống của quê hương. Thủy bảo: "Làm người ai cũng thế, có lúc buồn chán, có lúc tuyệt vọng. Phải cảm ơn nghề báo và chương trình Tre xanh đã cho tôi có cơ hội gặp những con người dung dị nhưng nghị lực phi thường như thế. Họ đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh, niềm tin để đứng vững hơn trong cuộc sống".

Tuy nhiên, khi bắt gặp những ánh mắt và niềm hy vọng của người dân vào Tre xanh có thể giúp đỡ họ khôi phục nét văn hóa truyền thống của quê mình khiến những người làm chương trình cảm thấy áp lực và không khỏi suy nghĩ. Thủy nói, "sự kỳ vọng và mong mỏi của người dân khiến những người làm chương trình cảm thấy có một phần trách nhiệm của mình".

Hỏi Thủy, Tre xanh luôn đi về nông thôn, nhân vật thì toàn tiếp xúc với người già, trung niên, đề tài thì giới trẻ ít quan tâm, điều kiện công tác lại nghèo nàn… có lúc nào cảm thấy muốn làm chương trình khác không. Thủy cười bảo, "cho đến giờ phút này thì không". Bởi Tre xanh cũng như con người Thủy. Thủy sinh ra và lớn lên ở nông thôn, lại là người học Văn nên nhạy cảm và sâu sắc. Mà để làm về văn hóa dân gian, truyền thống cần lắm sự thẩm thấu dần dần, tinh tế của một người nhạy cảm. Và hơn thế, phải có Tâm.

Tuấn Minh

Bình luận
vtcnews.vn