"Tre già măng mọc"

Tổng hợpThứ Hai, 01/07/2013 11:22:00 +07:00

Khoảng một năm trở lại đây, sau những phản hồi tiêu cực từ dư luận dành cho hàng loạt bộ phim mới, vốn đều là sản phẩm...

           Khoảng một năm trở lại đây, sau những phản hồi tiêu cực từ dư luận dành cho hàng loạt bộ phim mới, vốn đều là sản phẩm của những đạo diễn điện ảnh nổi tiếng, một tờ báo đã thốt ra tiếng thở dài đầy nuối tiếc: “Một thế hệ đạo diễn đã xong”. Nhưng ở chiều ngược lại, gam màu tươi mát, mới mẻ ngập tràn tác phẩm của hàng loạt gương mặt trẻ trong một vài năm trở lại đây đã giúp công chúng có được niềm tin: “tre già, măng mọc”, như quy luật muôn đời vẫn thế.

Chuyển giao thế hệ

Đêm trao giải Cánh diều 2012 cách đây vài tháng dường như được dành riêng cho đạo diễn trẻ Victor Vũ, khi hai bộ phim truyện nhựa của anh lần lượt được xướng tên ở những hạng mục quan trọng nhất. Thiên mệnh anh hùng, sau khi giành Giải thưởng BGK tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF 2012) đã kịp có thêm Cánh diều Vàng cho phim truyện nhựa và đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim từng “gây bão doanh thu” nơi phòng vé, Scandal – Bí mật thảm đỏ đã nhận về Giải báo chí phê bình điện ảnh. Tiền lệ phim tư nhân không thể đoạt diều vàng, sau nhiều kỳ trao giải, đã chấm dứt.

 Đạo diễn Victor Vũ

Trong khi đó, tác phẩm của những tên tuổi đình đám trong làng điện ảnh như Phạm Nhuệ Giang (phim Lạc lối), Lê Hoàng (phim Cát nóng), Lưu Huỳnh (phim Lấy chồng người ta) Phi Tiến Sơn (phim Đam mê) đều ngậm ngùi chấp nhận “chiếu dưới”, khi chỉ giành được Cánh diều Bạc hoặc Bằng khen của BGK. Người yêu điện ảnh thở dài, “một thế hệ vàng đã kết thúc, và họ đã hoàn thành sứ mệnh của chính mình”. Bức tranh toàn cảnh của nền điện ảnh cách mạng vừa tròn tuổi 60 đã được phản chiếu khá chính xác, qua giải thưởng thường niên của Hội nghề nghiệp. Khi lớp đạo diễn trẻ dần chiếm thế thượng phong và vì thế, đang mang lại một làn gió mới lạ, trong trẻo cho nghệ thuật thứ bảy nước nhà.

            Những tên tuổi đạo diễn nổi tiếng kể trên (và cả những đồng nghiệp nổi tiếng cùng thời như Lưu Trọng Ninh, Vương Đức, Nguyễn Thanh Vân, Tất Bình, Vũ Xuân Hưng…) từng có bước khởi nghiệp thường khá thuận lợi (khi đều thuộc biên chế một đơn vị làm phim quốc doanh, được sản xuất phim bằng nguồn kinh phí do Nhà nước tài trợ hoặc đặt hàng). Hai thập kỷ qua, họ đã cống hiến hết tâm lực của mình cho nghệ thuật thứ bảy. Bằng những tác phẩm chất lượng, bằng những giải thưởng trong và ngoài nước, cho dù sức lan tỏa và phạm vi ảnh hưởng ngoài biên giới mới chủ yếu dừng lại ở tầm khu vực.

So với họ, các nghệ sĩ trẻ hôm nay phải trải qua hành trình gian nan hơn nhiều. Đều có nền tảng kiến thức vững vàng, có hiểu biết rất sâu về dòng chảy chung của điện ảnh thế giới, họ có một bệ phóng bài bản, chuyên nghiệp hơn rất nhiều bậc đàn anh. Nhưng vì thế thời đã khác, phim ảnh không còn trợ giá, đặt hàng. Đồng tiền mua vé mà khán giả bỏ ra quyết định sự thành – bại, khả năng tiến xa hay dừng lại vĩnh viễn của họ trên con đường sự nghiệp.

 Poster phim Ngoi nha trong hem

Điều đó khiến áp lực đè nặng lên đôi vai mỗi người trẻ, áp lực thành công cả về sức hút nghệ thuật lẫn doanh thu, áp lực phim sau phải kiếm được nhiều tiền hơn phim trước, áp lực của sự cạnh tranh trực tiếp đến từ ngay chính những đồng nghiệp trẻ đang hối hả trong cuộc đua cán đích. Và những áp lực ấy đẩy họ vào một cuộc ganh đua tích cực nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt, không bao giờ chấp nhận được dừng chân, ngơi nghỉ. Họ đều phải khởi đầu như một nhà làm phim độc lập, phải thuyết phục rất nhiều quỹ hỗ trợ điện ảnh đồng ý đầu tư. Và khi đã công chiếu được bộ phim đầu tay, như tấm giấy thông hành tiếp thị bản thân để bước vào nghề, họ vẫn luôn phải nỗ lực từng ngày, phải kiên trì tạo dựng thương hiệu để có thể lọt vào mắt xanh của những nhà sản xuất phim khó tính.  

            Tre già, măng mọc   

          Để có được chiến thắng giòn giã kể trên, Victor Vũ đã phải trải qua cả chục năm tự khẳng định mình. Từ phim đầu tay Oan hồn (2004) đến Chuyện tình xa xứ (2009), vấp nghi án đạo phim với Giao lộ định mệnh (2010) để rồi trở thành cái tên ăn khách với Cô dâu đại chiến, Scan dal – Bí mật thảm đỏ, Thiên mệnh anh hùng… Giờ thì Vũ đã trở thành ngôi sao, tên anh trở thành con dấu bảo chứng doanh thu khiến nhà đầu tư an tâm tuyệt đối.

            Năm 2005, Nguyễn Hoàng Điệp đã từng khiến giới làm phim ngỡ ngàng, khi Mùa thứ năm – bộ phim tốt nghiệp khoa đạo diễn đã vượt qua 2100 “thí sinh” trên toàn thế giới để có mặt tại LHP ngắn Rio De Janeiro (Brazil). Sau Chít và Pi cùng Bộ tứ 10A8 -  hai hiện tượng phim truyền hình  dành cho tuổi teen, vượt qua 95 dự án đến từ nhiều quốc gia,  Nguyễn Hoàng Điệp đã thuyết phục được Quỹ điện ảnh thế giới của LHPQT Berlin đồng ý tài trợ cho kịch bản Đập cánh giữa không trung do chính chị chấp bút ở mức cao nhất -  50 nghìn euro (khoảng 1,3 tỷ đồng).  

 Poster phim Chạm Touch

Chạm (Touch), bộ phim thuộc dòng phim độc lập, kinh phí thấpcủa đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh đã thu hút sự chú ý khi đoạt giải Khán giả bình chọn tại Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) Việt Nam 2011. Sau đó, Chạm đã ngao du qua nhiều ngày hội điện ảnh uy tín và giành hàng loạt giải thưởng quan trọng. Phim, quay phim và nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHPQT Boston. Phim đầu tay xuất sắc tại LHPQT Santa Rosa…. Với câu chuyện pha trộn giữa hai yếu tố văn hoá, giữa truyền thống văn hoá Việt và ảnh hưởng của môi trường phương tây với những người Việt ly hương, Đức Minh đã đưa người xem “chạm” tới những cung bậc cảm xúc ngọt ngào pha lẫn đắng cay, trần trụi nhất trong bản thể mỗi con người.  

Trong sáng, tinh nghịch và đầy chất thơ như chính tuổi học trò, Dành cho tháng sáu  của nhà làm phim “độc lập đến mức đơn độc” Nguyễn Hữu Tuấn đã gây được cơn sốt nho nhỏ trong giới trẻ, ngay lần đầu ra mắt. Tự bỏ tiền, tự viết kịch bản, đạo diễn trẻ này còn kiêm nhiệm viết lời ca khúc và đôn đáo tìm đầu ra như một nhân viên phát hành tận tuỵ và năng nổ.  Không đạt doanh thu thật cao nhưng bộ phim chính là sản phẩm ấn tượng của một đạo diễn tự học và giàu tiềm năng. “Lâu lắm rồi mới có một bộ phim dành cho tuổi học trò hồn nhiên, chân thực và đáng yêu đến thế” – đó là nhận xét của không ít nhà báo, khi Dành cho tháng sáu chính thức đến với khán giả. Không kịch tính với những nút thắt – mở đúng công thức, câu chuyện thuyết phục khán giả trẻ nhờ cách kể chuyện hóm hỉnh, tự nhiên.

Cuối năm 2012 vừa rồi, Nguyễn Khắc Huy - một cái tên mới mẻ đã được nhà sản xuất Hồng Ánh cùng Blue Productions giới thiệu trong dự án mới mang tên Đường đua. Đây cũng là gương mặt tạo dựng được những ấn tượng tốt đẹp ban đầu từ phim ngắn mang cái tên khá trúc trắc… 89600km+…

 

Poster phim Thiên Mệnh Anh Hùng

Nhắc đến lớp đạo diễn trẻ, không thể quên cái tên Lương Đình Dũng. Sau khi thu nhận những lời đánh giá rất cao từ công luận cho phim tài liệu Xẩm đỏ về nghệ nhân Hà Thị Cầu, kịch bản Cha cõng con của anh đã thuyết phục được cảPilar Alessandra – người từng được đạo diễn danh tiếng Steven Spielberg chọn làm trưởng bộ phận phân tích kịch bản khi thành lập hãng Dream Works và nhờ đó, đã được cô đích thân chỉnh sửa. Bởi lịch của cô luôn kín, nếu muốn cô gật đầu ưng thuận thường phải chờ khoảng 6 tháng nên Dũng đã coi đây là một may mắn nằm ngoài sức tưởng tượng. Tuy vậy, hiện tại Lương Đình Dũng vẫn chưa thể bắt tay ngay vào sản xuất mà phải tìm kiếm nhà đầu tư, nhà tài trợ vì kinh phí làm phim ước tính hơn chục tỷ đồng. Nếu không có gì thay đổi, phim dự kiến sẽ phát hành vào cuối tháng 4/2014 và hiện đã có tổ chức đồng ý hỗ trợ giới thiệu tại hai thị trường Mỹ và Canada với tên Father and Son

Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 2 (HANIFF 2012), Trại sáng tác dành cho tài năng trẻ là một hoạt động thu hút sự chú ý rất lớn của giới truyền thông. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm, Trại sáng tác HANIFF quy tụ hầu hết những gương mặt trẻ đầy triển vọng trong dòng phim độc lập như Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn Việt kiều Lâm Vissay, ba gương mặt từng giành giải ở cuộc thi Làm phim 48 giờ gồm Đỗ Quốc Trung, Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Thanh Bình… Chỉ qua thời gian rất ngắn ngủi, các học viên của chương trình đã có cơ hội thể hiện bản thân và triển khai những dự án khả thi của riêng mình trong tương lai gần.

Đầu tháng 5/2013, LHPQT Cannes – ngày hội điện ảnh uy tín hàng đầu thế giới đã diễn ra, với sự góp mặt chính thức duy nhất của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy, bằng bộ phim 16:30 được trình chiếu trong chương trình Góc phim ngắn. Trước đó ít năm, cũng đã có một đạo diễn trẻ Việt Nam – Bùi Thạc Chuyên từng vinh dự sải bước trên thảm đỏ Cannes, khi nhận giải ba trong chương trình Cine Foundation cho phim ngắn Cuốc xe đêm. Tuy không nằm trong hệ thống giải thưởng chính thức của LHPQT danh giá này nhưng sự xuất hiện đĩnh đạc của những đạo diễn trẻ Việt Nam tại sân chơi đẳng cấp này cũng là một tín hiệu vui giúp giới điện ảnh nước nhà nức lòng. Chặng đường phía trước còn dài nhưng sự trỗi dậy và khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp mạnh mẽ của những người trẻ đang giúp khán giả yêu nghệ thuật thứ bảy có thêm niềm tin. Tre già thì măng sẽ mọc. Và mọc rất thẳng, rất khỏe. Như quy luật muôn đời vẫn thế. 

Huyền Ng

Bình luận
vtcnews.vn