Trao quyền cho phụ nữ là chìa khóa để phát triển bền vững ở nơi làm việc

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Ba, 21/11/2023 10:37:21 +07:00
(VTC News) -

Chị Trần Hạnh Trang cam kết tạo ra một môi trường làm việc hòa nhập cho các tài năng trẻ dựa trên những kinh nghiệm sau nhiều năm học tập và làm việc tại Australia.

Rút khoảng cách trước tình trạng bất bình đẳng giới

Nhân Tháng hành động về bình đẳng giới, các dữ liệu thống kê cho thấy, sự thiếu bình đẳng giới trong ngành công nghệ là vấn đề khá phổ biến, với tỷ lệ phụ nữ tham gia vào ngành công nghệ thấp hơn so với nam giới. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu đại diện và quan điểm đa dạng trong quá trình phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ trong thực tế. 

Một trong những nguyên nhân gây ra sự thiếu bình đẳng giới trong ngành công nghệ bao gồm sự phân biệt giới tính, thiên vị trong tuyển dụng và bổ nhiệm, đề bạt, cũng như vấn đề về cơ hội và môi trường làm việc không thuận lợi đối với phụ nữ.

Theo số liệu thống kê cho thấy, tính đến năm 2022, phụ nữ chỉ chiếm 28% lực lượng lao động ngành công nghệ, đồng thời, phụ nữ làm quản lý chỉ chiếm con số tương đối khiêm tốn là hơn 15%.

Tỷ lệ phụ nữ trong tất cả các ngành nghề liên quan đến công nghệ giảm trong những năm qua. Mặc dù có quyền tiếp cận bình đẳng, tỷ lệ phụ nữ theo đuổi các môn học liên quan đến khoa học tự nhiên trong giáo dục đại học đang giảm.

Riêng mảng phần mềm, lao động nữ chỉ được trả mức lương và thu nhập tương đương 93% so với lao động nam cùng vị trí công việc. 

Điều đó cho thấy trong lĩnh vực công nghệ, tình trạng bất bình đẳng về giới vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các công ty có sự đa dạng về lực lượng lao động sẽ hoạt động sáng tạo và hiệu quả hơn. 

Hiện tại, Việt Nam vẫn đang đối diện với bất bình đẳng giới trong lĩnh vực công nghệ. Tỷ lệ nam giới chiếm đa số trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là ở các vị trí quản lý và lãnh đạo. Theo một báo cáo của Tổ chức Phụ nữ và Phát triển (WED), chỉ có khoảng 20% số lượng nhân viên công nghệ là nữ.

Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết rằng mức lương của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thường thấp hơn so với nam giới, và khoảng cách này còn mở rộng hơn ở các vị trí quản lý.

Phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiến xa trong sự nghiệp công nghệ. Họ thường gặp phải sự kỳ thị và định kiến từ đồng nghiệp nam giới, cũng như thiếu sự hỗ trợ từ hệ thống giáo dục và đào tạo.

Số lượng phụ nữ tham gia vào các sự kiện, hội thảo và diễn đàn công nghệ vẫn còn ít ỏi. Điều này góp phần làm tăng sự cô lập và bất bình đẳng giới trong ngành công nghệ.

Trao quyền cho phụ nữ là chìa khóa để phát triển bền vững ở nơi làm việc - 1

Biến ước mơ thành hiện thực

Khi doanh nhân công nghệ Trần Hạnh Trang, cựu sinh viên Đại học Monash đến từ Đà Nẵng thành lập công ty công nghệ của mình cách đây 10 năm, mong muốn của chị là hỗ trợ các kỹ sư công nghệ trẻ ở quê nhà bằng cách chia sẻ những kỹ năng và kinh nghiệm thực tế mà chị tích lũy được tại Australia cũng như chia sẻ về sự nghiệp của mình với tư cách là một chuyên gia công nghệ thông tin. 

Trao quyền cho phụ nữ là chìa khóa để phát triển bền vững ở nơi làm việc - 2

Mười năm sau, công ty của chị đã phát triển từ ba nhân viên lên hơn 270 nhân viên với khách hàng trên khắp thế giới. Và sứ mệnh của công ty cũng đã mở rộng, vượt ra ngoài các giải pháp công nghệ để có thể trao quyền cho phụ nữ và phát triển các dự án cộng đồng.

Chị Trang học ngành Tài chính ngân hàng và Khoa học máy tính tại Đại học Monash, Australia, nhưng niềm đam mê công nghệ đã đưa chị đến với một số dự án phát triển trang web. 

Chị đã từng làm chuyên viên phân tích và lập trình tại Đại học RMIT ở Australia trong sáu năm cho đến khi gặp một bước ngoặt: chị quyết định rời Melbourne để trở về quê nhà Đà Nẵng. 

Chị Trang tự đặt cho mình sứ mệnh tạo ra một con đường sự nghiệp mang lại nhiều giá trị hơn và giúp các tài năng trẻ tại Việt Nam tiếp cận các cơ hội đào tạo và phát triển. 

Bắt đầu từ quy mô nhỏ, chị đã thành lập nên thương hiệu ENOUVO, một công ty sản phẩm công nghệ có trụ sở tại Đà Nẵng và đặt mục tiêu tạo ra một môi trường làm việc hòa nhập, tương tự như trải nghiệm của chị ở Australia.

Chị Trang chia sẻ: “Khoảng 70% nhân viên của chúng tôi là sinh viên mới tốt nghiệp và chúng tôi sẽ là bệ phóng của họ. Chúng tôi đảm bảo rằng họ biết chắc chắn mình sẽ được đào tạo và phát triển tại ENOUVO. 

Ban đầu, công ty gặp rất nhiều khó khăn nhưng việc có được đội ngũ 270 người như hiện nay được coi là một thành tựu đối với chúng tôi. Chúng tôi có thể không phải là một công ty lớn nhưng chúng tôi đang đóng góp sức mình cho sự phát triển tại thành phố Đà Nẵng quê hương mình”.

Chị Trang cam kết đảm bảo một môi trường làm việc đa dạng - hơn 40% nhân viên trong công ty của chị là phụ nữ. Chị tin rằng đa dạng là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của công ty, đặc biệt là sự đa dạng về giới tính trong một lĩnh vực thường do nam giới thống trị như lập trình web. 

Dù luôn có khoảng cách về lương và công việc giữa hai giới đang còn là vấn đề tồn tại trong ngành, chị vẫn cố gắng thúc đẩy sự bình đẳng giới ngay từ đầu trong quy trình tuyển dụng của công ty.

Tôi muốn giúp phụ nữ cảm thấy tự tin hơn. Ở công ty của mình, tôi luôn khuyến khích nhân viên nam hỗ trợ chị em phụ nữ nhiều hơn và tìm hiểu những khó khăn trong công việc của họ. 

Tôi cần hiểu rõ hơn về các đồng nghiệp nữ của mình trước khi có thể khuyên người khác làm như vậy. Khi các nhân viên nữ phát triển, công ty của chúng tôi cũng sẽ phát triển theo hướng bền vững”.

Phần lớn trải nghiệm về sự đa dạng của chị Trang bắt đầu ở Melbourne, một thành phố đa chủng tộc và đa văn hóa, nơi chị học hỏi từ bạn bè ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Chị Trang chia sẻ: “Học tập tại Australia đã cho tôi một góc nhìn mới mẻ về cách thế giới vận hành và những cơ hội sẵn có”. Nhưng chị không muốn giữ những trải nghiệm đó cho riêng mình, đặc biệt là sau khi nhìn thấy những lợi ích cho công ty, nhân viên và cộng đồng. 

Điều này đã thôi thúc tôi thay đổi bản thân. Tôi phải trở về quê hương và làm gì đó để giúp Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn thế giới”.

Tại Việt Nam, chị Trang đã hợp tác với các cựu sinh viên Australia khác để củng cố các dự án và chia sẻ tầm nhìn kinh doanh của mình với cộng đồng. Điều này cũng giúp chị Trang thu hút được nhiều nhân tài hơn về với ENOUVO.

Chị Trang khích lệ các cựu sinh viên trẻ đang bắt đầu hành trình khởi nghiệp: “Tìm được đúng người theo đuổi những giá trị giống mình là yếu tố quan trọng nhất. Các thành viên trong nhóm của bạn cần bổ sung cho nhau về mặt kỹ năng. Bạn phải kiên cường để vượt qua thử thách, và ngay cả khi không làm được, bạn cũng sẽ học được nhiều điều từ những thử thách đó”.

Chị Trần Hạnh Trang và nhân viên của ENOUVO gặp gỡ với đại diện của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Chương trình Aus4Skills.

Chị Trần Hạnh Trang và nhân viên của ENOUVO gặp gỡ với đại diện của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Chương trình Aus4Skills.

ENOUVO là công ty tư vấn thiết kế, phát triển và ra mắt sản phẩm công nghệ hoạt động tại Việt Nam, Australia và Singapore.

Sau 10 năm phát triển, công ty đã mở rộng chuyên môn sang chiến lược kỹ thuật số và xây dựng thương hiệu, đồng thời mở ra không gian làm việc chung cho các tài năng trẻ về công nghệ tại Việt Nam.

Đồng sáng lập công ty, chị  Trần Hạnh Trang, cựu sinh viên Đại học Monash, đã giành Giải Triển vọng tại Cuộc thi Khởi nghiệp Phụ nữ 2021 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức dành cho hệ thống vận hành nơi làm việc Smartos của ENOUVO.

Bảo Châu
Bình luận
vtcnews.vn