Trance: Sự trở lại ấn tượng của Danny Boyle

Tổng hợpThứ Hai, 27/05/2013 02:54:00 +07:00

Bộ phim có cốt truyện đơn giản, Simon ( James McAvoy), nhân viên của một phòng bán đấu giá tranh tại London...

   Bộ não luôn luôn là cơ quan phức tạp nhất của mỗi con người. Chạm đến đấy là ta chạm vào một hệ thần kinh vô cùng tinh vi, điều khiển mọi hoạt động từ suy nghĩ đến hành động của ta trong cuộc sống. Chính vì vậy mà dường như những bộ phim liên quan đến bộ não đều luôn luôn vô cùng hấp dẫn và đáng sợ. Trance (2013) (tựa tiếng Việt là Mê Cung kí ức) của đạo diễn Danny Boyle cũng nằm trong số đó. Một bộ phim kịch tính, nghẹt thở, câu chuyện luôn thay đổi bất ngờ và đầy thông minh. Một minh chứng hoàn hảo để chứng tỏ tài năng tuyệt vời của Danny Boyle.

Sau ba năm vắng bóng trong vai trò đạo diễn (kể từ bộ phim đầy kịch tính nói về khả năng chịu đựng của con người 127 hours) để tham gia vào việc trở thành tổng đạo diễn cho thế vận hội Olympic London 2010, Danny Boyle đã tặng cho khán giả điện ảnh một bộ phim đầy mê hoặc, Trance.

 

Bộ phim có cốt truyện đơn giản, Simon ( James McAvoy), nhân viên của một phòng bán đấu giá tranh tại London, trong buổi bán đấu giá bức tranh "Witches in the Air" của danh họa người Tây Ban Nha Francisco Goya, Simon đã móc nối với tên gangster Franck (Vincent Cassel) để cùng đánh cắp bức tranh được định giá hàng chục triệu đô la. Tuy nhiên, do một sự kiện bất ngờ nằm ngoài kế hoạch bức tranh biến mất không dấu vết cùng với trí nhớ bị tổn thương nghiêm trọng của Simon. Ðể lục trí nhớ hòng mong tìm lại bức tranh, Franck đã dẫn Simon đi gặp nhà thôi miên  Elizabeth Lamb (Rosario Dawson), dựa vào thôi miên, Lamb dẫn Simon đi vào trong bộ não mình và lục tìm những mảnh ghép bị mất trong sự kiện xảy ra ngày hôm đấy.

Mạch truyện được dẫn dắt như vậy, nhưng không đơn giản vậy. Danny Boyle đưa người xem vào một sự khởi đầu vô cùng thông minh và hấp dẫn, với giọng kể chuyện của Simon (James McAvoy), bộ phim gợi nhắc lại bộ phim Trainspotting đình đám ông đã làm năm 1996. Simon ban đầu mô tả bức tranh tuyệt tác của Rembrandt "The Storm on the Sea of Galilee" (cơn bão trên biển của Galilee), bức tranh mà được cho là tác giả có vẽ chính bản thân mình trong tranh. Anh nói: "Các bạn không thể nhìn thấy ông ấy trong đó, vì nó đã bị đánh cắp. Có rất nhiều bức tranh đã bị đánh cắp".

 

Một cách dẫn chuyện vô cùng thông minh gợi cho người xem hiểu rằng đang được đưa vào một vụ trộm tranh nào đó trong những tiếng hô đấu giá đầy hấp dẫn, và qua đó người xem bắt đầu dần dần bị cuốn theo vào một mê cung trí não vô cùng phức tạp của những lớp chất chồng mà Simon chìm vào mỗi lần bị thôi miên. Thực và ảo đan xen nhau giống như một trò chơi tung hứng mà ta không thể phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Giống như cách Christopher Nolan đã dẫn dắt người xem vào bộ phim về xâm nhập những giấc mơ Inception, Danny Boyle tạo ra một thế giới bên trong kí ức nhưng không hề rối loạn, không hề để lộ sơ hở. Một tay nghề đạo diễn xuất sắc với những lớp lang được sắp đặt khéo léo.

Sự "xảo quyệt" của Danny Boyle còn thể hiện ở sự cân não của ba nhân vật chính, ta hoàn toàn lạc lối khi định danh ai là người tốt ai là người xấu trong ba nhân vật chính. Simon, Franck, và Elizabeth cả ba nhân vật đó vờn nhau, lợi dụng nhau, dối trá nhau khiến đôi khi ta tin người này, đôi khi ta thấy đau đớn thay cho người kia, để rồi cuối cùng ta lại được một cú lộn nhào đầy bất ngờ. Những cảnh quay thay đổi đột ngột, những cú máy ấn tượng và giàu biểu trưng. Danny Boyle còn làm tăng kịch tính bằng thế giới bên trong đầu Simon, một thế giới tượng tượng thú vị, đầy màu sắc, với những căn phòng đầy gương và kính tạo độ phản xạ như một sự siêu thực, một thế giới vừa siêu thực vừa thô ráp.

 

Làm sao một khuôn mặt đã mất hết một nửa đầu vì đạn bắn lại có thể nói chuyện? Simon vùng vẫy trong kí ức của mình mong tìm lại được mảnh ghép còn thiếu, Elizabeth một nhà thôi miên bậc thầy có những toan tính của mình khi tự cài đặt vào trong cái bộ não bị tổn thương kia những hình ảnh giống như "con thỏ trắng" trong Alice ở xứ sở thần tiên để Simon tin và đi theo. Franck một tay mafia sành sỏi và thông minh muốn có lại được bức tranh kia bằng mọi cách nhưng dường như vô tình bị cuốn vào một mê cung những uẩn ức kinh khủng của quá khứ người khác.

Rosario Dawson với vai diễn Elizabeth Lamb thực sự là yếu tố khiến bộ phim càng thực sự quyến rũ hơn. Như một nhà thôi miên thực sự, khuôn mặt, giọng nói và ánh mắt khi dẫn Simon vào cơn mê đột ngột và sự nhạy cảm để tiệm cận những kí ức của Simon thực sự rất thuyết phục, ta có cảm tưởng đang thực sự chứng kiến một công việc ngoài thực tế được ghi hình và truyền tải lại như một bộ phim tài liệu. Sự thông minh, cách dẫn dắt khéo léo của Elizabeth Lamb và tính cách đa chiều phức tạp của một người phụ nữ khi bị bủa vây bởi những gã đàn ông mạnh mẽ và quyền lực, Rosario như có ma thuật thực sự của khả năng điều khiển tâm trí. James McAvoy và diễn viên người Pháp Vincent Cassel cũng thực sự diễn rất đạt. Một khuôn mặt điển trai thư sinh, thông minh với ánh mắt nhìn đôi khi đầy mỉa mai, và một tay gangster từng trải, dám làm mọi điều để đạt được mục đích, nhưng đôi khi lại trở nên ngây ngô trong sự đấu trí với hai đối thủ còn lại.

 

 Câu chuyện được Danny Boyle dẫn giải đến bất ngờ, luôn luôn là những bất ngờ, những bất ngờ liên tục và đầy ngạc nhiên khiến cho câu chuyện gay cấn và hấp dẫn đến ngạt thở. Nhịp phim nhanh và tiếp diễn liên tục khiến cho ta như chìm trong một cảm giác hưng phấn và thích thú vô cùng, người xem cứ bị cuốn trôi theo mà bỏ qua hết những điều không logic, những đoạn xử lý đôi khi quá nhanh khiến nó trở nên phi lý. Nhưng dường như chúng ta không thể tỉnh táo để phân tích ngay lúc đấy điểm phi lý của phim. Chính vì nhịp phim như vậy, nên Danny Boyle chọn giải pháp an toàn là kể lại toàn bộ câu chuyện để giải thích ở đoạn sau bộ phim, việc đưa ra câu chuyện để kết nối cả mạch chuyện đầy bất ngờ nhưng lại có chút gì đó lấn cấn ở cách xử lý và nhiều tình tiết cần đến sự ngẫu nhiên hơn là một cách lý giải logic.

Nhưng điều đó hoàn toàn chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong một bản tổng phối hoàn hảo của Danny Boyle. Elizabeth thôi miên Simon, còn Danny Boyle đã thực sự thôi miên khán giả, bằng nghệ thuật thị giác với những cảnh quay ấn tượng trong âm nhạc tuyệt vời được Rick Smith thực hiện. Rick Smith đã từng hợp tác với Danny Boyle trong bộ phim đầy kịch tính Trainspotting, và nhờ âm nhạc của ông mà Trainspotting không chỉ hay mà còn thực sự gây ấn tượng vô cùng mạnh mà nếu ai đã xem thì không thể không luôn luôn nhớ đến, Trance cũng làm được điều đó. Sự hòa trộn của nhạc điện tử, và những bản nhạc nhẹ nhàng trong từng trường đoạn khác nhau, phù hợp và vô cùng tinh tế.

   Danny Boyle là một đạo diễn tài năng, một trong ít người dám thay đổi thể loại phim liên tục, phim kinh dị, phim khoa học viễn tưởng, phim bi kịch... dù lựa chọn đa dạng các thể loại nhưng phim của ông luôn để lại một dấu ấn rõ nét về phong cách, một "chữ kí" rất riêng biệt và độc đáo, cho ai thực sự mê phim của ông thì luôn luôn tìm ra cái chữ kí đấy để càng trân trọng ông hơn.

   Nguyễn Tuấn


Bình luận
vtcnews.vn