TP.HCM thưởng Tết: Kẻ trên trời, người dưới đất

Thời sựThứ Ba, 29/01/2013 06:17:00 +07:00

(VTC News) – Với đồng lương ít ỏi, không tiền thưởng Tết, năm nay chị Nhi mang về quê ít kẹo, mứt cho có lệ.

(VTC News) – Với đồng lương ít ỏi, không tiền thưởng Tết, năm nay chị Nhi mang về quê ít kẹo, mứt cho có lệ.

Sau một năm làm việc, ai nấy đều mong có được khoản thu nhập kha khá để chi tiêu, vui chơi ngày Tết. Tuy nhiên, niềm mong mỏi đó có lẽ quá tầm tay với các công nhân làm việc tại những cơ sở, công ty làm ăn thua lỗ, hay các ông chủ muốn chèn ép, bóc lột người lao động. 

Quà Tết là bánh kẹo hạng xoàng

Chị Phạm Minh Nhi (quê Quảng 

Nam
) tốt nghiệp Trung cấp kế toán. Ra trường, chị đầu quân cho một công ty may tư nhân trên địa bàn quận Bình Tân với vị trí...công nhân. 

Thấy công việc không đúng với chuyên môn, làm được vài năm, nghe lời giới thiệu của bạn bè, chị chuyển sang làm kế toán cho một công ty tài chính có tiếng trên thị trường. 

Tính đến thời điểm hiện tại, chị Nhi đã làm việc được gần 8 tháng của hợp đồng 1 năm. Với mức thu nhập 190.000 đồng/ngày (chưa trừ thuế), làm ngày nào lãnh tiền ngày đó. Thời gian làm việc từ 8h sáng đến 18h30 tối.

Điều chị băn khoăn, lo lắng là mặc dù có ký kết hợp đồng lao động nhưng các khoản về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... chị Nhi đều không có. Lý do công ty đưa ra, chị đang là nhân viên thử việc chưa phải là nhân viên chính thức nên không có các khoản đó.

Ngoài vấn đề lương bổng, với "mác" nhân viên thời vụ nên chị bị phân biệt chẳng khác gì người ngoài, khiến chị buồn lòng không ít. 

Giọng chị Nhi trầm buồn khi nhắc về tiền thưởng Tết: “Tất cả chế độ em đều không có thì nói chi tiền thưởng Tết. Hy vọng năm mới có gì thay đổi không!!!”. 

Dự tínhnăm nay, chị Nhi mang về quê vài hộp mứt, bánh kẹo ngọt cho có lệ chứ không có quà gì đáng giá.

 Công nhân đội mưa để làm giấy tờ bảo hiểm thất nghiệp tại Công ty Pou Yuen (Q.Bình Tân). Ảnh: Phan Cường

Trường hợp của chị Nhi không phải là cá biệt, Trần Thị Lệ Quyên (26 tuổi, quê Quảng Bình), làm công nhân cho xưởng may đóng tại con hẻm đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) đã hơn 4 năm. Thời gian làm việc từ 7h sáng cho đến 12h khuya. 

Làm việc cả tuần, chỉ được nghỉ “xả hơi” duy nhất vào chiều ngày chủ nhật. “Tụi em làm quần quật, hết sáng đến tối, không còn biết bên ngoài là như thế nào. Nhiều khi có lễ hội muốn đi xem lắm nhưng không được, bởi ông chủ quản lý chặt, thời gian lại không có nhiều” - Quyên bộc bạch.

Cống hiến cho cơ sở thì nhiều nhưng Quyên cũng như trên 10 bạn gái đồng nghiệp dường như không có bất cứ một khoản nào về phụ cấp. Không có hợp đồng lao động, chỉ lãnh lương theo tháng, nên nhiều khi chủ không thích một ai đó thì sẵn sang đuổi việc không cần biết lý do. Về lương tháng, Quyên được ứng 200.000 đồng/tuần.

Được biết, tiền thưởng Tết của nhóm công nhân nơi Quyên làm việc năm nay được chừng 1 triệu đồng/tháng.

Với số tiền ít ỏi lãnh vào cuối năm, Quyên dự tính mua vé xe hai chiều đi-về quê cũng tốn mất 4 triệu đồng, chưa kể chi mua một ít quà cáp "gọi là" cho gia đình thì số tiền còn lại chẳng là bao. "Về quê ăn Tết lí ra phải vui mừng nhưng trong lòng vẫn thấy lo lắng, không an tâm vì tài chánh quá eo hẹp" - Quyên tâm sự.

Thưởng bằng xe hơi

Trái ngược với đồng lương thưởng ít ỏi của công nhân, cũng có nhiều trường hợp cá nhân xuất sắc, hay cá biệt có thể là “sếp” mới được thưởng với mức lương "khủng" với mức hàng trăm triệu đồng.

Ngày 17/1 Sở LĐTBXH TP.Hồ Chí Minh cho biết, mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Tỵ tính đến thời điểm này, cao nhất gần 540 triệu đồng, thấp nhất 373.000 đồng. Cá biệt, có doanh nghiệp (DN)  “bật mí” thưởng tết bằng xe hơi.

Theo đó, Sở này cũng đã công bố thống kê lương, thưởng cuối năm của các thành phần kinh tế trên địa bàn TPHCM. Công bố dựa trên báo cáo của 991 DN thuộc các thành phần kinh tế.

Mức thưởng Tết Dương lịch 2013 bình quân 2,577 triệu đồng/người (đối với doanh nghiệp Nhà nước); 1,775 triệu đồng/người đối với DN cổ phần có vốn góp của Nhà nước; 767.000 đồng/người đối với DN dân doanh và 4,919 triệu đồng/người đối với DN FDI.

Mức thưởng cao vẫn rơi vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tư vấn quản lý.  Một cán bộ lãnh đạo của một DN FDI nhận được mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là hơn 539 triệu đồng.

 Nỗi lo tiền lương, thưởng hiện rõ trên gương mặt nữ công nhân có con nhỏ. Ảnh: Phan Cường

Báo cáo về tình hình lương, thưởng, chăm lo Tết năm 2013 của Ban quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TPHCM, đa số các DN thưởng Tết cho người lao động một tháng lương mà không có phụ cấp. So với năm 2012 thì năm nay, mức lương, thưởng của họ thấp hơn rất nhiều.

Theo số liệu tại hội nghị giao ban về triển khai chương trình chăm lo Tết Quý Tỵ 2013 cho NLĐ trên địa bàn TP do Liên đoàm lao động TPHCM tổ chức, LĐLĐ các quận, huyện cho biết, chỉ một số ít DN như Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn thưởng tết bình quân 4,5 triệu đồng/người, DN trong KCX Tân Thuận bình quân 1 tháng lương, các DN nước ngoài thưởng bình quân 3,7 triệu đồng/người, còn DN trong nước thưởng 2,9 triệu đồng/người.

Các doanh nghiệp cho biết, người lao động được nghỉ Tết từ ngày 6/2 đến 17/2/2013. Nghỉ Tết sớm nhất là ngày 1/2 và nghỉ Tết muộn nhất là ngày 9/2/2013.

Sở LĐTB&XH TP.Bình Dương cho biết, đã có 790 doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP công bố mức thưởng Tết. Theo đó, mức thưởng cao nhất đến thời điểm này là 350 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn