TP.HCM sẽ xử lý trách nhiệm người phát ngôn không thực hiện nhiệm vụ

Tin nhanh 24hThứ Năm, 02/11/2023 14:11:00 +07:00
(VTC News) -

Theo GĐ Sở TTTT TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi đã chỉ đạo, nếu người phát ngôn của sở ngành, quận huyện không phát ngôn theo đúng quy định thì sẽ có hình thức xử lý.

Sáng 2/11, Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức toạ đàm "Phát huy vai trò báo chí, xuất bản thực hiện các nghị quyết về phát triển TP.HCM".

Phát biểu đề dẫn, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP.HCM cho rằng, tọa đàm nhằm tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết về phát triển TP.HCM, các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố. Đồng thời tập hợp, phát huy những giải pháp thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố.

Toàn cảnh toạ đàm. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Toàn cảnh toạ đàm. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Tọa đàm cũng tập trung chia sẻ, thảo luận các mô hình, giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm phát triển thành phố ở tất cả các lĩnh vực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý của chính quyền thành phổ, hướng đến mục tiêu xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

Trình bày tham luận, ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM cho rằng, chủ trương rất quyết liệt từ Trung ương nhằm thúc đẩy TP.HCM phát triển đúng là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương.

Việc truyền thông các chủ trương, chính sách của Trung ương và đặc biệt là các kế hoạch triển khai, hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của chính quyền TP.HCM là rất quan trọng.

Bài học cho thấy truyền thông rất cần thiết, phải đi trước và song hành cùng chính sách. Mục đích là vừa tuyên truyền, vừa vận động, vừa lắng nghe, vừa tương tác và từ đó hoàn thiện các chính sách một cách bài bản, khoa học.

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Tuy nhiên, có nhiều đơn vị chưa cung cấp đầy đủ, phản hồi thông tin chậm, ông Phước đề nghị TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn thông tin. 

Bên cạnh đó, ông đề xuất lãnh đạo Thành uỷ và UBND TP.HCM... cần xuất hiện nhiều hơn trên báo chí để người dân tin tưởng vào nội dung tuyên truyền, sức thuyết phục tăng hơn. 

Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM lấy dẫn chứng, vừa qua, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM xuất hiện trên chương trình “Dân hỏi chính quyền trả lời” đối thoại với người dân có trên 1 triệu người xem. Điều này làm tăng tính thuyết phục, uy tín. 

Phản hồi thông tin, ông Lâm Đình Thắng cho rằng, hiện TP.HCM rất quyết liệt trong việc chủ động nguồn cung cấp thông tin, tuy nhiên kết quả chưa khả quan. 

Theo ông Thắng, hiện tất cả các sở ngành, quận huyện và UBND TP Thủ Đức đã bắt buộc cử người phát ngôn. Sắp tới sẽ công bố công khai danh sách người phát ngôn đến các cơ quan báo chí. Chủ tịch Phan Văn Mãi đã chỉ đạo, nếu những người phát ngôn này không phát ngôn theo đúng quy định thì sẽ có hình thức xử lý.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Giải pháp của thành phố rất quyết liệt nhưng thực tiễn thực hiện có khoảng cách”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên đánh giá từ thực tiễn truyền thông Nghị quyết 98/2023 cho thấy khi truyền thông đi trước một bước sẽ mang lại hiệu quả, nhận được sự đồng thuận cao. Bởi các chủ trương, chính sách lớn, đột phá, tạo động lực luôn nhận được sự quan tâm của dư luận.

Điều này đặt ra yêu cầu thông tin phải có tính định hướng, xuyên suốt để tạo sự đồng thuận, không chỉ giữa cơ quan Trung ương với địa phương, các bộ ngành mà hơn hết là sự đồng thuận xã hội, kích hoạt tâm thế hành động.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn cho biết TP.HCM là địa bàn hoạt động báo chí sôi động, có thực tiễn phong phú và sự cởi mở trong trao đổi, tiếp nhận thông tin. Do vậy, lãnh đạo thành phố cần quan tâm, tạo điều kiện để báo chí phát huy vai trò của mình đóng góp vào sự phát triển chung.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Việc chủ động cung cấp thông tin giữ vai trò quyết định đến thành công của truyền thông chính sách. Do vậy, định hướng thông tin phải rõ ràng và có chiều sâu, kế hoạch dài hơi, nội dung cụ thể, thời điểm phù hợp.

Bên cạnh đó, người được cung cấp phát ngôn báo chí phải am hiểu và tâm huyết với những chính sách mà sở ngành, địa phương mình quản lý.

Việc cung cấp thông tin cần chủ động, nhất quán và xuyên suốt”, ông Nguyễn Ngọc Toàn đề xuất.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn