TP.HCM cần làm gì để thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN?

Tin tứcThứ Năm, 19/10/2023 16:06:50 +07:00
(VTC News) -

Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là điều cần thiết, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân.

Ngày 19/10, tại Hội thảo "Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ Khu vực ASEAN", PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế khẳng định, việc xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là điều cần thiết, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của mọi tầng lớp kể cả tư và công, không để người dân ra nước ngoài chữa bệnh.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.

Ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, TP.HCM không chỉ là một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn là một trung tâm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam của cả nước.

Theo đó, để TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; Hoàn thiện, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh và đột phá về y tế chuyên sâu; Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, TP hiện có 129 bệnh viện, trong đó có 12 bệnh viện bộ, ngành chuyên sâu tuyến cuối của cả nước.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân của TP cũng ngày càng lớn mạnh, tạo thuận lợi cho người dân có thêm nhiều lựa chọn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Ê-kip mổ u não bằng robot Modus V Synaptive đầu tiên ở châu Á tại Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM vào năm 2019. (Ảnh minh họa)

Ê-kip mổ u não bằng robot Modus V Synaptive đầu tiên ở châu Á tại Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM vào năm 2019. (Ảnh minh họa)

Trong đó, nhiều bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh, đạt được các chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện và có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là người nước ngoài có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe.

"Để phát triển hệ thống y tế tại TP.HCM, ngành y tế TP cũng chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp như nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; củng cố y tế cơ sở, phát triển y tế cộng đồng; chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện. Bên cạnh đó, ngành y tế TP cũng đang thực hiện 7 giải pháp để đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe trong khu vực ASEAN", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, cần hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; Phát triển hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện, trường; Phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; Xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa, từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở.

Cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Đưa TP trở thành điểm đến du lịch y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế.

"Sở Y tế cũng đề xuất lãnh đạo TP.HCM chấp thuận phân cụm hệ thống y tế TP thành 3 cụm y tế khi xây dựng đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ của khu vực ASEAN theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị", ông Dũng cho biết thêm.

Lâm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn