Giới trẻ hào hứng với Yosaiko

Tổng hợpThứ Tư, 27/06/2012 04:23:00 +07:00

Mới ra đời được hơn 50 năm, nhưng Yosakoi đã phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Nhật Bản mà còn mở rộng sang cả Việt Nam.

Khi đến tham dự những lễ hội Nhật Bản,  người ta vẫn nói có hai điều đặc biệt đáng mong chờ: Đầu tiên là hoa Anh Đào, và thứ hai là điệu múa Yosakoi. Mới ra đời được hơn 50 năm, nhưng Yosakoi đã phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Nhật Bản mà còn mở rộng sang cả những nước khác, trong đó có Việt Nam.

 

 

Yosakoi – vũ điệu của những nụ cười

Khởi nguồn từ thành phố Kochi (Nhật Bản) vào năm 1954, Yosakoi có thể coi là một biến thể của điệu Awa Odori – một điệu múa truyền thống vào mùa hè của Nhật Bản. Chỉ là điệu múa bình dân mô phỏng các động tác trong sinh hoạt hàng ngày của nông, ngư dân Nhật bản, nhưng với phong cách mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực, Yosakoi đã nhanh chóng phát triển rộng khắp và trở thành một loại hình nghệ thuật thực sự hấp dẫn trên xứ xở hoa Anh Đào và nhiều xứ xở văn hóa khác, trong đó có Việt Nam.

Thanh Hiếu (Thành viên của đội Hanoi Sennen Yosakoi) cho biết: “Mặc dù gọi là điệu múa nhưng thực chất Yosakoi là sự thể hiện kết hợp của những bước nhảy hiện đại trên nền nhạc truyền thống. Những động tác trong Yosakoi không chỉ có sự mềm dẻo của múa mà còn có sự khỏe mạnh của võ thuật, sự dẻo dai của Aerobic, nét quyến rũ của Dance sport… thậm chí là cả chất lửa của Hiphop… “. Chính vì vậy, những động tác vũ đạo của Yosakoi luôn linh hoạt, dứt khoát nhưng vẫn rất sôi nổi, mềm mại, rực rỡ, náo nhiệt và vô cùng đẹp mắt… Khiến cho không chỉ những nghệ sĩ múa mà ngay cả những người xem cũng đều bị cuốn hút.

Múa Yosakoi có nhiều điệu. Cơ bản nhất là điệu Torakku. Trang phục biểu diễn của Yosakoi khá phong phú và đa dạng, nhưng phổ biến nhất là Yukata và Happi – những loại trang phục được phối màu độc đáo và rực rỡ. Tuy nhiên, tại các lễ hội biểu diễn, mỗi đội múa Yosakoi cũng thường tự thiết kế trang phục biểu diễn cho riêng mình dựa trên các sự kiện lịch sử, xu thế thời trang đang thịnh hành… để tạo cho đội múa của mình thêm ấn tượng.

 

Ngoài ra, một đạo cụ không thể thiếu trong múa Yosakoi, góp phần làm cho điệu múa thêm vui nhộn là Naruko. Ngọc Anh (Thành viên đội Yosake – Đại học Ngoại thương) giải thích: “Đây là một nhạc cụ bằng gỗ, gồm một phiến gỗ chính có gắn các phiến gỗ nhỏ hơn ở trên, khi lắc tạo ra âm thanh lách cách vui tai. Không có Naruko thì không thể gọi là Yosakoi”. Naruko cũng có nhiều hình thức khác nhau. Loại Naruko truyền thống gồm các thanh gỗ màu đen và vàng gắn trên hai mặt thân gỗ. Còn loại Naruko hiện đại lại có “kết cấu” đơn giản hơn, chỉ có một mặt gắn miếng gỗ nhỏ. Thường để phù hợp với trang phục biểu diễn thì các đội múa Yosakoi đều tự thiết kế các mẫu Naruko sao cho tương xứng. “Một điều khó có thể tưởng tượng là Naruko cũng có nguồn gốc từ tỉnh Kochi và nó đã từng được dùng để … dọa lũ chim tránh xa các ruộng lúa của người nông dân”, Ngọc Anh hài hước.

Bên cạnh đó, tùy vào điệu múa mà các đội Yosakoi có thể sử dụng cờ, quạt, trống… vào làm đạo cụ cho thêm sinh động. Mỗi đội múa Yosakoi đều được dẫn đầu bởi Jikatasha (một xe chở nhạc gồm có loa, trống) được trang trí bắt mắt, ấn tượng, mang phong cách riêng. Các đội có thể sử dụng nhạc ghi sẵn, hoặc hoành tráng hơn thì có thể chở cả một ban nhạc sống trên Jikatsha.

Tính đồng đội của Yosakoi rất cao. Thật khó để tìm thấy một đội Yosakoi ít hơn 10 người. Hầu hết các đội múa đều có số lượng thành viên rất lớn, hàng vài chục, thậm chí hàng trăm người. Đặc biệt, người tham gia Yosakoi không bị giới hạn bởi một độ tuổi cố định nào, đó là sự tập hợp của tất cả nam – nữ, già – trẻ, lớn – bé…

Được mệnh danh là “vũ điệu của những nụ cười”, bởi quan trọng nhất khi tập Yosakoi chính là những nụ cười.  Cười thật tươi khi luyện tập, khi biểu diễn, cười rạng ngời xuyên suốt bài múa chứ không gượng gạo là một nguyên tắc bất di bất dịch của điệu múa này. “Có lẽ vì vậy mà những người tham gia múa Yosakoi thường rất vui tính. Họ cười thoải mái cả trong những cái lắc hông, nghiêng đầu, bước ngang, bước dọc… Cứ như thể họ đang sống trong niềm hạnh phúc vô bờ. Đây chính là cốt cách của điệu múa, là điểm hấp dẫn khiến cho ngày càng có nhiều hơn những người bị thu hút và tham gia vào Yosakoi”, Thanh Hiếu hào hứng chia sẻ.

 

 

Yosakoi - vũ điệu “Mặt trời” trên đất Việt

Theo những người đầu tiên múa Yosakoi ở Việt Nam thì điệu múa này bắt đầu du nhập vào dải đất hình chữ “S” cách đây chưa lâu, vào khoảng năm 2007, 2008. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng trở thành trào lưu văn hóa, phát triển mạnh mẽ, thu hút một lượng lớn người tham gia, đặc biệt là những người yêu mến nền văn hóa của đất nước “Mặt trời mọc”.

Không khó để có thể tìm thấy và tham gia vào buổi tập luyện của một đội Yosakoi nào đó trên đất Hà thành. Chỉ cần tìm đến CLB Yosakoi của một trường Đại học nào đó như: Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội, Học viện Ngân Hàng…. Hoặc tới công viên Lênin, công viên Dịch Vọng… vào buổi chiều muộn thứ 2, thứ 4, thứ 6 trong tuần…. Những lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn những điệu múa của các đội Yosakoi Việt Nam. Có thể liệt kê được khá nhiều đội Yasakoi mạnh ở Hà Nội như: Hanoi Sennen Yosakoi (khoảng 60 thành viên), C-YO! (35 thành viên), Yosake của Đại học Ngoại thương (30 thành viên), Núi Trúc Sakura Yosakoi (60 thành viên), Unit Yo của Đại học Ngoại ngữ (40 thành viên)…

Mặc dù múa Yosakoi không “kén chọn” lứa tuổi, nhưng hoạt động này ở Việt Nam vẫn phổ biến nhất trong giới sinh viên, học sinh. Một số đội như Hanoi Sennen Yosakoi, Núi Trúc Sakura Yosakoi… gần đây đã thu hút và tập hợp được những thành viên ở lứa tuổi “nhí”. Mong muốn của Thanh Hiếu (Hanoi Sennen Yosakoi) là sẽ thu hút được thành viên ở lứa tuổi “lão” tham gia vào đội múa của mình. “Không nhất thiết phải biết tiếng Nhật, chỉ cần yêu mến nước Nhật và thích Yosakoi, thích nụ cười và sự vui vẻ là bất cứ ai cũng có thể tham gia múa Yosakoi”, Thanh Hiếu bộc bạch.

 

Một điệu Yosakoi có nhiều phần, mỗi phần lại có những động tác múa, lắc Naruko và trang phục màu sắc khác nhau. Để thuộc và thể hiện đúng điệu múa của mình thì các “nghệ sĩ” Yosakoi Việt Nam cũng phải tập luyện trong suốt mấy tháng trời.

Đầu tiên là phải sử dụng thành thục Naruko trong khi múa: kẹp Naruko trong ngón cái và ngón trỏ, 3 ngón còn lại để giữ Naruko. Nghe thì dễ nhưng bạn phải giữ độ lỏng của tay cho phù hợp để khi lắc tạo được sự mềm mại và uyển chuyển. Tiếp đó là chọn nhạc cho bài múa, luyện động tác múa và cuối cùng là ghép đội hình. Tuấn (thành viên đội Taiyo Yosakoi) cho biết: “Sáng tác được một bản nhạc để tự nhảy và tự biên đạo các động tác múa rất đắt, cho nên phần lớn các đội Yosakoi ở Việt Nam hiện nay vẫn học điệu múa từ các đội Yosakoi Nhật Bản thông qua các clips, sau đó xin bản quyền từ biểu diễn chính thức từ các đội này”. Có những đội xin được những bài dễ nhảy, động tác đơn giản. Nhưng cũng có nhiều đội xin được clips bài múa động tác rất khó và đẹp.

Việc học các điệu múa thông qua clips thay vì được dạy trực quan cũng là một khó khăn lớn của các đội Yosakoi Việt Nam.  “Nhiều clips quay mờ. Động tác nhìn không rõ hoặc góc quay bị khuất… thực sự rất khó để học theo. Tập luyện theo clips đã khó, dạy lại các bạn trong đội lại càng khó hơn. Có bạn học nhanh, có bạn học chậm, nhưng phải làm sao để khi diễn tập thể đội hình phải đồng đều nhất, đẹp nhất. Đó là chưa kể thời gian, địa điểm tập của thành viên trong đội cũng khác nhau. Đội đông người mà không tập trung hết được thì nhiều khi khó mà kịp tiến độ cho bài múa”, Đức Việt đội trưởng C-YO! bộc bạch. Những động tác quay ngang, quay dọc, nhìn tưởng đơn giản nhưng lại không hề đơn giản, nhất là khi làm sao để quay cho đều, cho đẹp. Tuy nhiên, phần lớn những người tham gia múa Yosakoi vẫn tích cực, hào hứng tập luyện bởi sự vui nhộn và ý nghĩa tích cực của điệu múa này mang lại.

 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Hanoi Sennen Yosakoi đã cố gắng và trở thành một trong số những đội đi đầu hiếm hoi ở Việt Nam có thể tự sáng tác nhạc và biên đạo điệu múa cho riêng mình. Nhờ vào sự chăm chỉ, cần cù, các thành viên của Hanoi Sennen Yosakoi đã “tìm kiếm” được một khoản tài trợ kha khá từ công ty Petro Việt Nam, đủ để trang trải cho chi phí sáng tác nhạc và biên đạo múa. Với mong muốn tạo ra một sự biến tấu cho vũ điệu Nhật Bản với nét phong tục truyền thống của Việt Nam, năm 2009, Hanoi Sennen Yosakoi đã bắt đầu thử nghiệm bằng việc thiết kế trang phục biểu diễn là trang phục truyền thống Việt Nam có pha trộn trang phục Nhật Bản ở tay áo. Tiếp đó là đưa những dụng cụ đặc trưng của Việt Nam như: mặt nạ mo, đèn lồng… vào làm phụ kiện biểu diễn. Và cuối cùng là những giai điệu nhạc, những động tác múa hoàn toàn… “made in VietNam” ra đời. Bài múa sáng tạo gần đây nhất của Hanoi Sennen Yosakoi có tên là “Hoa Lạc” được biểu diễn ở Nhật Bản và lễ hội Genki Thành phố Hồ Chí Minh đã được cả khán giả Việt Nam và Nhật Bản đón nhận, cổ vũ rất nồng nhiệt.

Chỉ mới là thành công bước đầu, nhưng đó là động lực để các đội Yosakoi Việt Nam có thể tiếp tục sáng tạo hơn nữa, tạo ra những cầu nối văn hóa Việt – Nhật thông qua điệu múa Yosakoi. Cho đến nay, khá nhiều các đội Yosakoi Việt Nam  như: Núi Trúc Sakura Yosakoi, Hanoi Supper Yosakoi… đã đưa vào điệu múa những đặc trưng văn hóa truyền thống Việt Nam, tạo ra những ấn tượng riêng của đội mình thay vì chỉ học theo các điệu múa nguyên bản của nước bạn…

Ai cũng có thể tham gia múa Yosakoi. Một điệu múa Yosakoi hoàn hảo thì không thể thiếu đi những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt các thành viên đội múa. Nếu có cơ hội, ở bất cứ một lễ hội Yosakoi nào đó, bạn sẽ thấy các “vũ công” Yosakoi thật sự rất hạnh phúc trong điệu múa của họ. Và rất có thể, bạn cũng sẽ muốn được hòa mình vào trong niềm hạnh phúc ấy!

Khánh Toàn

Bình luận
vtcnews.vn