Chuyện tình của tướng Phạm Tuân

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 02:51:00 +07:00

Cả đời ông gắn bó với binh nghiệp, nay nghỉ hưu với ông được chăm sóc gia đình là một hạnh phúc vô bờ...

Một chiều cuối hạ nắng nóng oi ả, bước chân vào nhà Trung tướng Anh hùng Phạm Tuân mùi hoa lan tinh khiết ngát thơm lan tỏa khắp không gian xen lẫn tiếng hót thánh thót của những chú chim nhỏ trong lồng. Vị tướng già đang chăm chút từng giò lan, từng gốc cây cười đôn hậu nói: “Một lúc nữa thôi mọi người sẽ đến chơi bóng bàn, đông vui lắm. Bây giờ được sống cùng vợ con là sướng lắm rồi". Cả đời ông gắn bó với binh nghiệp, nay nghỉ hưu với ông được chăm sóc gia đình là một hạnh phúc vô bờ...

 

Cưới “chui”
Căn phòng khách, nơi đặt ba tấm huân chương anh hùng, những mô hình máy bay các loại, vài bức ảnh chụp cùng người bạn Liên Xô và những huy hiệu gắn trên ngực áo khi bay vào  vũ trụ trung tướng Phạm Tuân kể về những kỷ vật đó một cách hào hứng. Khi hỏi đến gia đình, trung tướng nói: “Gia đình người lính đơn giản lắm. Đi lính, lấy vợ, chiến đấu biền biệt, sinh con, tiếp tục đi chiến đấu rồi về hưu”. Vị tướng mở đầu câu chuyện rất khiêm nhường. Những tưởng là… gặp khó, nhưng rồi ông vẫn chia sẻ một cách mộc mạc chân chất.
Năm 1965, Phạm Tuân cũng như bao thanh niên khác ở huyện Kiến Xương, Thái Bình náo nức lên đường nhập ngũ. Trong lúc các bạn cùng trang lứa được các xe binh chủng đón đi hết lúc này đồng chí huyện đội trưởng nói với Phạm Tuân: “Cậu sức khỏe tốt, đợi tuyển phi công”. Nhưng 2 lần thi tuyển phi công thì đều trượt, chàng thanh niên đành sang thành phố Krasnodar của Nga học thợ máy, được phân vào bộ phận sửa chữa rađa. 
Đất nước Nga lúc này đang là mùa thu, nhìn những chiếc phi cơ cất cánh xé tan bầu trời bọc phủ trong tầng lá vàng xào xạc, Phạm Tuân thầm mơ ước được một lần ngồi trên chiếc phi cơ đó để được hưởng cảm giác đi trong lá vàng và thả mình trong những chiếc dù tròn xoe rơi cùng lá. Thế rồi niềm mơ ước cũng mỉm cười với chàng thanh niên quê lúa Thái Bình. Sau đó, Nga thi tuyển phi công từ nguồn thợ máy nên anh chàng Phạm Tuân đã trúng tuyển. Vậy là thỏa mãn ước mơ thỏa khao khát được bay bổng trên bầu trời vô cùng vô tận trong cậu bé quanh năm chỉ quanh quẩn ở cái làng Quốc Tuấn chiêm trũng của huyện Kiến Xương.
Đến năm 1969 Phạm Tuân về đóng đô ở làng Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội. Ông kể: “Lúc đó con gái trong làng có ai ngó ngàng đến lính không quân đâu nên chúng tôi cứ… phòng không mãi. Thế là một hôm anh bạn cùng phòng có vợ và cô em vợ lên thăm, chúng tôi hồ hởi đón tiếp. Vài lần đi cùng chị gái lên thăm anh rể thế là chúng tôi quen nhau và vợ tôi bây giờ chính là cô em vợ của anh bạn thân”.
Nhưng khi mối tình vừa “bén” thì cô bạn của Phạm Tuân nhận nhiệm vụ sang Lào làm y sỹ cho cánh đồng Chum. Hai người lại chia tay nhau. Lúc này thời chiến nên thanh niên chỉ biết nhiệm vụ và xung phong đi chiến đấu vì đất nước. 

 

Cho đến năm 1974 hai người mới gặp lại nhau ở Quân Chủng Phòng Quân, cô y sỹ đã trở về nước làm ở Tổng Công ty bay của Quân chủng Phòng Không. Chàng phi công hào hứng phấn chấn gặp lại người yêu đang “trên đường tìm hiểu” thì nhận được mệnh lệnh giữa năm sau sang Nga học tiếp. “Lúc này băn khoăn bối rối nếu để 4 năm du học bên Nga về rồi lấy vợ thì tuổi đã cao mà không biết cô ấy có đợi được không, nếu lấy vợ bây giờ làm thủ tục xin phép cơ quan có kịp không. Lính không quân để được phép lấy vợ đâu có dễ. Đầu tiên phải viết đơn trình cấp trên, nêu lý do, nguyện vọng, sau đó cơ quan còn phải cho người đi xác minh nhân thân người yêu. Khi mọi thủ tục hoàn tất, cấp trên duyệt lý lịch thì mới được phép cưới vợ như vậy thì không kịp thời gian. Sau vài ngày băn khoăn, anh em bạn bè vun vào. Tôi đành đánh liều lên đặt vấn đề với bà mẹ vợ tương lai. Nghe xong, mẹ vợ phán luôn: “Thôi con ạ! Con chị nó lấy chồng làm phi công khổ đủ rồi. Con em chắc thôi”. Nhạc mẫu tương lai nói vậy, tưởng chừng xôi hỏng, bỏng không. Ấy nhưng lát sau cụ lại bảo: Thôi, đó là chuyện của các anh chị. Anh chị cứ tìm hiểu đi rồi tính tiếp. Thế là qua được cửa ải”-  Trung tướng Phạm Tuân vui vẻ kể.
Qua được cửa ải gia đình ông về nói với cấp chỉ huy lúc đầu các đồng chí ấy bảo cưới “chui” là phức tạp lắm, băn khoăn một hồi các đồng chí ấy mới nhất chí thế là đám cưới được tổ chức. 
Bắt đầu lo chuyện cưới hỏi thì Phạm Tuân bị đau mắt đỏ. Lúc đó không còn cách nào khác anh đành phải cử… lính lên thưa chuyện cưới hỏi với các cụ. Đến ngày làm đám cưới cũng nhờ chú vợ đứng ra tổ chức, lo hậu cần. Một đám cưới “đặc biệt” được diễn ra. Đám cưới không rước dâu, không có rạp, không ảnh, không dạm ngõ, không ăn hỏi và đến ngày cưới hai bên gia đình mới gặp mặt nhau. Tướng Tuân bảo, giờ ngồi nghĩ mới thấy thương vợ, ngày cưới mà chồng chẳng lo được gì, chú vợ lo hết!
“Sau này tôi mới biết đám cưới của tôi không phạm Luật nhà binh vì trường hợp của tôi được đặc cách vì vợ sắp cưới là Đảng viên, cùng công tác trong quân đội, ảnh rể vợ cũng là phi công nên được miễn lý lịch đơn từ...”, ông tâm sự.

 

“Vợ mới là anh hùng”
Trung tướng anh hùng Phạm Tuân khi nói về người vợ đảm đang của mình ông cười vui vẻ nói như đinh đóng cột: “Vợ tôi mới là người anh hùng”. Giọng điệu trầm ấm ông kể về những bước đường gian truân của người vợ lính: “Năm 1976, khi đó ông cùng ba người bạn từ Đa Phúc về Hà Nội để chụp ảnh hồ sơ. Chụp xong cả ba rủ nhau ghé qua thăm nhà tôi. Về tới nhà thì cửa khóa, vội sang hỏi hàng xóm thì được biết “vợ đã khăn gói lên xích lô đi từ sáng”. Đoán chắc là vợ đi sinh, tôi cùng hai người bạn ghé qua chợ Đồng Xuân mua một bó hoa to xông thẳng vào viện. Vui mừng hăm hở khi thấy vợ đã sinh bé Hằng”. Nhưng người bố trẻ chỉ được ngắm con đầu lòng trong chốc lát rồi lại tiếp tục cùng anh em lên đường...
“Ngày tôi lên đường sang Nga học, bé Hằng bị thủy đậu, mụn nhọt mọc khắp người, hai mẹ con ôm nhau khóc tiễn tôi. Lúc đó trong lòng nặng trĩu ưu tư lo lắng, cũng may là có ông chú vợ nên tôi cất bước đi được”, ông bồi hồi nhớ lại.
Trong thời gian nuôi con nhỏ một mình, vợ ông đều phải tự thân bươn chải. Học xong văn hóa, năm 1978, vợ ông lại phải gửi con cho dì để vào Sài Gòn học tiếp. Năm 1979, xảy ra chiến tranh biên giới, dì lại gửi con gái ông lên tàu vào Nam với mẹ. Cũng trong năm đó, phía Liên Xô đề nghị ông đưa vợ con sang ít ngày, thế là cả nhà có dịp đoàn tụ. Đó cũng là lần đầu tiên con gái ông sinh nhật có đủ mặt bố mẹ.
“Một mình nuôi con, bôn ba trong Nam, ngoài Bắc, ra tận nước ngoài, có lẽ không gì diễn tả nổi sự cố gắng mà hai mẹ con đã cùng nhau vượt qua trong những tháng năm đó. Giờ đây được nghỉ hưu tôi chỉ muốn tự nấu những món ăn đồng quê chăm sóc gia đình vợ con để bù đắp lại những tháng năm vợ con vất vả vì mình”, ông xúc động nói. 

Hải Anh
Bình luận
vtcnews.vn