Cặp đôi hoàn hảo của “Xã hội thông tin”

Tổng hợpThứ Tư, 27/06/2012 02:59:00 +07:00

Đưa công nghệ thông tin vào cuộc sống làm cho cuộc sống trở nên “đích thực là cuộc sống” có chất lượng, đó là tiêu chí của chương trình.

   Đưa công nghệ thông tin vào cuộc sống làm cho cuộc sống trở nên “đích thực là cuộc sống” có chất lượng, đó là tiêu chí của chương trình “Xã hội thông tin” phát trên Kênh VTC2 đang làm, và do hai phóng viên Nguyễn Thanh Bình và Diệu Linh thay nhau lên sóng mỗi tuần một lần.

 

   Truyền hình cũng như nhiều thứ khác xem mãi cũng chán, xem nhiều cũng ngán. Thọ lắm cũng một năm là nhạt, nhạt toẹt. Kết thúc sớm thì còn để lại dư âm dư vị. Chương trình “Xã hội thông tin” đã sống hơn bốn năm mà chưa “chết”, vẫn sống khỏe. Là đắc thọ. Công bằng mà nói cũng có chương trình mòn. Nghĩ lại, cũng khó, sòn sòn mỗi tuần một số lắm khi oải.

    “Xã hội thông tin” cho ta “cuộc sống đích thực” có những gì?

     Lần ấy Diệu Linh cho tôi một bất ngờ, bằng một phóng sự chị làm, rằng ở đảo Cô Tô đã có cột phát sóng 3G của Viettel mới lắp đặt, cột to và cao ngất ngây. Trong phóng sự sự kiện ấy Diệu Linh làm vài cái trung cảnh, cận cảnh mô tả những gương mặt người dân đảo rạng rỡ cười phô hai hàm răng xỉn xám “a lô”-“a lô” điện thoại di động giọng biển oang oang và cười hô hố. Rồi mấy đứa trẻ trung học phổ thông tranh nhau truy cập internet cứ như khám phá ra điều gì lạ lùng nhất trần đời. Sướng quá. Cuộc sống nơi đảo xa trở nên một cuộc sống đích thực. Nói Diệu Linh cho tôi bất ngờ vì huyện đảo ấy tôi đã ra trong lần dự Lễ khánh thành Công trình xây dựng Bức tượng Bác Hồ cùng nhà báo Trọng Thanh báo ảnh Việt Nam nhiều năm trước. Và vài lần sau đó ra viết bài về cuộc sống nơi hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc, nơi đầu sóng ngọn gió giữa trời lộng cao và mênh mông biển, tự cung tự cấp tất thảy. Nó nằm xa lắc xa lơ nơi biển xa với thị xã Móng Cái và Cẩm Phả huyện. Hai ngày ở ngoài đó tôi đói thông tin. Nghe radio phải dùng sóng ngắn can nhiễu ào ào. Báo in từ đất liền ra chậm ba ngày. Bây giờ có sóng 3G có khác gì đảo xa và đất liền là một.

      Gần đây Diệu Linh cho tôi trải nghiệm “Sống xanh cùng công nghệ”. Cuộc sống hiện đại ngày một hiếm khát màu xanh nước và diệp lục cây cả ngoài đường lẫn trong nhà. Những người làm công nghệ đã ứng dụng nó tạo hình những khóm cây, bức tranh cùng những mô hình mang màu xanh lá dịu êm cho căn nhà đang ở, cho các khách sạn, quán ăn và văn phòng làm việc đưa con người và cuộc sống gần gũi với thiên nhiên dẫu nó là nhân tạo. Có phải từ ý nghĩa đó mà Diệu Linh khai thác nhiều đề tài “xanh” như các phóng sự  “Dự án iSave công nghệ xanh”, “Sống xanh cùng công nghệ”…

 

      Cũng với tiêu chí làm cho “Cuộc sống đích thực”, Nguyễn Thanh Bình lại khai thác những nhóm tác giả công nghệ thông tin nghiên cứu làm ra những phần mềm ứng dụng cho các thiết bị có thể kiểm soát có tầm xa và quy mô rộng, như thiết bị “Tìm kiếm phương tiện giao thông cho các hải  trình”, năm ngoái là thiết bị “Quản lý và theo dõi hành trình xe có gắn hộp đen” thuộc một Công ty Vận tải Hải Phòng. Rồi phần mềm “Giao thông 247” ứng dụng cho thiết bị cầm tay như điện thoại đi động, máy tính bảng theo dõi hoạt động giao thông để người dùng di chuyển tránh kẹt xe ùn tắc giao thông.

      Nguyễn Thanh Bình là chủ nhiệm chương trình “Xã hội thông tin” nên có “vóc dáng trượng phu” khai thác những đề tài tầm lớn công nghệ như “Thông minh và kết nối – Xu thế phát triển nhà ở đô thị”, “Thời của Tổ chức Sự kiện trực tuyến”, và anh còn vươn tới cả lĩnh vực “tam nông” với “Dự án mỗi nhà nông một website”.

      Giới tính phụ nữ lại đưa Diệu Linh nổi trội ở vai trò “nội tướng” với các dự án công nghệ thông tin ứng dụng trong quan hệ trực tuyến về đề tài gia đình, y tế, giáo dục, như “Hướng nào cho dịch vụ mua theo nhóm”, “Kích cầu du lịch bằng thanh toán online”, “Thương mại điện tử và chuyện mua bán xuyên quốc gia”, hay “Đặt chỗ khám bệnh thời @”, “Y tế điện tử”, “Game 3D cho giáo dục”…Thi thoảng Diệu Linh cũng “vươn vai” hướng ngoại bằng những đề tài vượt qua nữ tính như “An ninh cho chính phủ điện tử”, “Lừa đảo trong thế giới ảo”, “Nhân lực công nghệ thông tin: Thừa lượng thiếu chất”. Và ngược lại, Nguyễn Thanh Bình cũng mềm mại với những đề tài “Công nghệ nhận dạng bằng âm thanh”, “Thực đơn điện tử” trên iPad nhìn vào menu đã thấy ngon…mắt. Và Thanh Bình cho rằng “menu điện tử” sẽ là xu thế của tương lai ở các nhà hàng. Tôi thực sự thú vị khi xem Nguyễn Thanh Bình trực tiếp trải nghiệm trước máy ghi hình theo hình thức truyền hình thực tế với đề tài “Quảng cáo tương tác 3D”, theo đó có tiếp thị số, tương tác số, hiệu ứng đồ họa. Trên sàn tương tác, tường tương tác, cửa sổ tương tác – cho quảng cáo. Tưởng như Nguyễn Thanh Bình đang biểu diễn một khúc “van-sơ” trên nền sắc màu của nhạc nước.

 

      Thể hiện đề tài công nghệ thông tin không phải bằng văn viết, lại bằng truyền hình không dễ dàng gì. Mà lại là chương trình mang tính phổ cập phổ thông thì việc chuyển ngữ thuật ngữ công nghệ cũng rất mất công. Nhiều khi cặp đôi Thanh Bình – Diệu Linh phải vận dụng hình thức tiểu phẩm, đồ họa để biểu đạt ý tưởng. Với những gì mà hai tác giả chương trình “Xã hội thông tin” đã tìm tòi thể hiện trong suốt bốn năm qua mà không nhạt nhòa, và công nghệ thông tin đã đem lại cho “cuộc sống đích thực” là cuộc sống của thời @, cặp đôi Nguyễn Thanh Bình – Diệu Linh cần được phong tặng “Cặp đôi hoàn hảo” giống như trong làng showbiz. Tại sao không?.

      Và thật không uổng khi VNPT mỗi năm tài trợ dăm tỷ đồng để “Xã hội thông tin” làm cho “Cuộc sống đích thực” hơn trong bốn năm qua.

      Nguyễn Khiếu Bảo Châu

Bình luận
vtcnews.vn