Búp bê giấy không chỉ là giấy

Tổng hợpThứ Ba, 10/07/2012 11:24:00 +07:00

Có lẽ Vân và Dương cũng không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày tự tay mình làm nên những em búp bê như trong giấc mơ cổ tích...

Ký ức thơ bé của bất cứ cô gái nào cũng có một thời thích ôm vào lòng những em búp bê xinh đẹp, rực rỡ váy áo. Với Hà Vân và Thùy Dương cũng thế. Yêu búp bê từ những ngày mới chập chững biết đi nhưng có lẽ Vân và Dương cũng không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày tự tay mình làm nên những em búp bê như trong giấc mơ cổ tích.

 

 

Mang cổ tích đến thời hiện đại…

Trên vỉa hè ở phố Hàng Gà, Hoàn Kiếm, Hà Nội, mỗi buổi tối có một góc nhỏ trưng bày những món đồ chơi cũng nhỏ như hạt cườm làm móc chìa khóa, tô tượng và đặc biệt là những con búp bê bằng giấy. Những con búp bê giấy đẹp “long lanh” tới từng chi tiết đã thu hút khá nhiều người xem, trong đó có cả người nước ngoài. Ở đấy cũng có hai cô chủ nhỏ xinh xắn lúc nào cũng mỉm cười chuyện trò với khách, đặc biệt là khi nói về những em búp bê của mình.

Năm năm trước, vì trót mê mẩn một cô búp bê giấy của chị bạn, hai cô gái Hà Vân và Thùy Dương đã quyết tâm học lỏm cách làm bằng được.  Đã quyết định là bắt tay vào làm ngay. Thành quả sau chuỗi ngày mày mò tìm hiểu, lùng sục nguyên vật liệu rồi tỉ mẩn tạo khung, cắt dán là một em búp bê váy hồng dài, xòe rộng với mái tóc nâu được buộc hai bên.

Quá thích thú với sản phẩm đầu tay của mình, lại nhận được sự khen ngợi và khích lệ của bạn bè, những em búp bê tiếp theo của Vân và Dương đã lần lượt ra đời.

Nghĩ rằng búp bê bằng giấy thì chắc cũng đơn giản, nhưng thực ra để  làm được một “em” hoàn chỉnh thì không hề dễ tẹo nào. Chất liệu hoàn toàn bằng giấy, hơn nữa phụ kiện đi kèm có kích thước khá nhỏ nên đòi hỏi sự cẩn thận và khéo léo rất cao. Mọi chi tiết của búp bê đều được làm bằng giấy, từ “khung” đến váy, từ những lọn tóc được quấn tỉ mỉ đến những bông hoa bé xinh gài lên áo, váy… Để hoàn thành hết những công đoạn này, người sáng tạo mất khoảng 4-5 tiếng.

 

Điều đặc biệt về những em búp bê là không hề có chuyện “đụng hàng”. Mỗi em một dáng vẻ riêng từ gương mặt, trang phục, kiểu tóc đến cả phụ kiện. Bên cạnh những búp bê dịu dàng, điệu đà trong bộ váy dài bồng bềnh xòe rộng thì những em khoác váy ngắn sặc sỡ lại nổi bật vẻ trẻ trung, hiện đại và đầy cá tính.

Kiểu tóc cũng đa dạng không kém: em thì tóc ngắn nhí nhảnh, em thì tóc dài đầy nữ tính. Để có thể tạo ra sự khác biệt này, Dương và Hải Vân phải vắt óc suy nghĩ và tranh luận khá nhiều để tạo ra những mẫu ưng ý nhất. Nhiều khi chỉ là tìm phụ kiện đính kèm, hai cô nàng cũng phải trằn trọc suy nghĩ mất mấy ngày. Còn điều thú vị nữa là mỗi em đều có một bộ khung dây thép chắc chắn bên trong nên có thể vô tư tạo dáng ở mọi tư thế.

Không chỉ dừng lại ở những em búp bê mang linh hồn cổ tích, những nàng công chúa rực rỡ váy hoa, hai cô chủ còn mày mò, cặm cụi làm ra những cô nàng búp bê duyên dáng trong tà áo dài và áo tứ thân với các họa tiết rất tinh tế, thổi hồn dân tộc vào các tác phẩm của mình.

Vân cho biết: “Làm búp bê giấy áo dài sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn so với những búp bê dạng công chúa mà trước đây chúng em thường thực hiện. Bởi trước hết người làm phải chọn những chất liệu giấy, thêm một ít vải lụa mềm mại thì tà áo dài mới duyên dáng, ngoài ra còn phải ngồi tỷ mẩn đính từng hạt cườm, kết từng bông hoa trên áo...”.

Theo Thùy Dương thì cầu kỳ nhất vẫn là những búp bê cặp đôi yêu nhau, xích đu, cô dâu chú rể, búp bê ông già, bà già Noel… Cô bạn kể: “Có khá nhiều khách hàng đặt bọn em làm búp bê cô dâu chú rể, nhưng làm rất chi tiết, như có thảm đỏ cho cả hai đi vào, có cổng chào bằng hoa, có bánh kem…, tóc thì phải màu gì, váy ra sao… Những yêu cầu như thế thì mình phải đầu tư công sức hơn, nhưng cũng hạnh phúc vì được sáng tạo và mang đến niềm vui cho người khác”.

Không chỉ thế, Dương cho biết có khách hàng còn mang ảnh của mẹ đến và nhờ hai bạn làm một con búp bê y hệt như gương mặt người trong ảnh. Hay dịp 8/3, có những nam sinh cấp 3 đến đặt búp bê để làm quà tặng cho các bạn gái trong lớp, ngoài dáng truyền thống ra thì mỗi nàng búp bê này còn cầm một tấm thiệp hình trái tim rất dễ thương.

 

 

… Và ước mơ mở cơ sở dạy nghề búp bê giấy

Vân và Dương vẫn nhớ mãi sản phẩm đầu tay mang đi bán hồi năm lớp 11. Sau một ngày mày mò, lọ mọ với đống giấy nhiều màu sắc, cả hai đều hớn hở mang em búp bê định bụng ra gửi cửa hàng lưu niệm đầu ngõ nhờ bán hộ. Tuy nhiên, vừa ra khỏi cửa thì gặp ngay bác hàng xóm, thấy con búp bê xinh quá, thế là mua luôn về làm quà cho con gái.

“Có lẽ, nhờ mở hàng nhanh nhẹn như thế nên những em búp bê sau đều bán rất chạy, thậm chí làm không kịp đơn đặt hàng”- Vân cười toe kể lại. Nâng niu những em búp bê như những “đứa con cưng”, Vân và Dương vẫn còn nhớ  những hôm trời mưa phải mang hàng đi giao, hai cô nàng nhất quyết dùng áo mưa để che chắn cho búp bê giấy còn mình thì sẵn sàng chịu ướt.

Thông thường mỗi bạn sẽ tự thiết kế từ A - Z các khâu để cho ra đời một em búp bê. Nhưng khi nào có đơn đặt hàng số lượng lớn, Thùy Dương sẽ phụ trách mảng tạo khung thân, quần áo, còn Hải Vân sẽ chuyên môn về kiểu tóc và trang trí khuôn mặt cho búp bê.

Năm năm qua, hơn 5.000 búp bê giấy đã lần lượt ra đời. Hiện có 4 mẫu để khách lựa chọn: búp bê váy ngắn bằng giấy, búp bê váy dài hoàn toàn bằng giấy, búp bê váy dài kết hợp chất liệu giấy và vải, búp bê đôi. Giá từ 50.000-150.000đ. Hai cô chủ cũng sẵn sàng thiết kế búp bê theo yêu cầu riêng.

 

Hiện tại, ngoài việc tham gia lễ hội văn hóa ở các trường THPT, ĐH, một tuần vào các tối thứ 2,4 hai cô sẽ bày bán búp bê tại vỉa hè nhà Dương (21 Hàng Gà). Dương chia sẻ: “Vui nhất là những dịp Trung thu, tết, chúng em huy động hết cả bố mẹ, anh em, bạn bè để cùng làm búp bê. Sau đó thì cả hai sẽ bán ở phố Hàng Mã, đợt Trung thu năm ngoái chúng em bán được khoảng 100 con, hy vọng Trung thu năm nay sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn nữa để chúng em có thể thỏa sức sáng tạo với những em búp bê”.

Khách hàng của Dương-Vân không chỉ có các bạn trẻ mà khá nhiều du khách nước ngoài và những người trung tuổi. Từ việc khách hàng mua về trưng bày, dần dần có những người mua để làm quà tặng, rồi gửi đi xa, từ TP HCM cho đến nước ngoài. Chính vì thế nên 2 cô chủ thường tìm những chất liệu tốt hơn để khi vận chuyển thì sản phẩm nhỏ, gọn và không bị nhàu.

Không chỉ thu hút sự quan tâm trong nước, hai cô nàng cũng nhận được các đơn đặt hàng từ Ý, Pháp... Năm 2010, hai cô chủ trẻ cũng đã trình làng một bộ búp bê áo dài nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Dương và Vân đang nỗ lực để xây dựng một thương hiệu đồ thủ công riêng. Cái “tổ” nơi Vân và Dương dành để “sản xuất” những em búp bê ngộ nghĩnh nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Lý Nam Đế, Hà Nội giờ đây đã thành địa chỉ quen của khá nhiều khách hàng teen. Chuyện làm ra sản phẩm không còn sợ bị ế hay lỗ nữa mà bù lại là hai bạn đã tự trang trải được cuộc sống, rồi học phí và nhiều lúc phụ giúp thêm cho gia đình. Dương và Vân chia sẻ, mong muốn lớn nhất của mình là mở một cơ sở dạy nghề làm búp bê giấy để cho những em búp bê không còn là những món quà tuổi thơ xa xỉ.

 

Y Bình

Bình luận
vtcnews.vn