Ấn tượng Kon Plong (Kỳ 2)

Tổng hợpThứ Tư, 27/06/2012 12:14:00 +07:00

Đó là một thanh niên cao to, nhanh nhẹn và còn rất trẻ. Ban đầu thầy còn e dè, tôi hỏi gì thì trả lời nấy...

(Tiếp theo kỳ trước)

Người chở tôi đi Măng Buk hôm ấy là thầy Linh, giáo viên trường cấp 2 Măng Buk. Đó là một thanh niên cao to, nhanh nhẹn và còn rất trẻ. Ban đầu thầy còn e dè, tôi hỏi gì thì trả lời nấy, sau thấy chị hỏi nhiều quá, thôi em tự kể hết luôn cho nó… nhanh.

 

Lớp của Linh ở trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng có 12 bạn từ Kon Tum ra theo học. Đến nay (cách ngày ra trường 1 năm) chỉ còn mỗi em theo nghề. Linh là giáo viên hợp đồng, lương khoảng 2.5 triệu mỗi tháng. Tiền xăng xe đi lại và sửa xe hàng tháng hết hơn 1 triệu, ăn uống tùng tiệm hết khoảng 8 trăm ngàn, chỗ ít ỏi còn lại không đủ mua nhu yếu phẩm, chưa nói đến quần áo, giải trí hay các khoản lặt vặt khác. Lần nào về nhà ở Kon Tum cũng phải xin viện trợ của cha mẹ. Em là con út trong một gia đình đông con, chị cả em bằng tuổi tôi, các anh chị khác cũng ổn định hết rồi. Cha mẹ cũng muốn em làm một việc gì đó khác đủ sống và ở gần gia đình. Nhưng ở Kon Tum thì không thể xin được chỗ dạy học, chỉ có thể làm những công việc khác, buồn ở chỗ những công việc lao động giản đơn thôi cũng cao gấp đôi lương giáo viên hợp đồng ở đây chị ạ. Em nghĩ bỏ thì tiếc công học, tiếc cái nghề mà mình yêu thích, và lòng tự hào về nghề giáo không cho phép em bỏ đi làm thợ xây hay làm cà phê chị ơi.

Tính hay bẻ ngược bẻ xuôi vấn đề nên tôi không tin chỉ những lý do ấy có thể đưa một người con trai sáng sủa, đĩnh ngộ như Linh vào nơi thâm sơn cùng cốc này, nhất là để giữ nghề với cái thu nhập không đủ sống ấy. Tôi đoán mò một câu mà trúng ngay lập tức: “Bạn gái em làm việc ở đây đúng không?” Linh bẽn lẽn trả lời: “Vâng ạ. Cô ấy là giáo viên dạy cấp 1, đã được vào biên chế rồi chị ạ.”

Linh quen cô gái ấy khi đang học ở Đà Nẵng, ra trường cô may mắn được nhận vào biên chế ở trường Tiểu học Măng Buk, thế là anh chàng khăn gói quả mướp theo chân người yêu về đây, ký hợp đồng làm giáo viên Thể dục ở trường cấp 2 Măng Buk, kiêm thêm công tác chủ nhiệm một lớp. Linh nói học sinh ở đây rất nhạy cảm và nồng nhiệt, ai yêu quý chúng và hết lòng với chúng, chúng cảm nhận được ngay và cũng hết lòng yêu quý lại. Linh thường đi thăm nhà của đám học sinh để biết hoàn cảnh từng đứa, ngoài giờ học còn gần gũi nói chuyện hướng dẫn thêm cho bọn trẻ cái này cái kia nên chúng thích thầy lắm. Thầy cô ở đây hầu hết đều phải sống chết với học sinh như vậy.

 

Đi qua quãng đường vòng vèo hiểm trở, Linh bảo đoạn đường này trước đây còn nguy hiểm hơn nhiều, nhưng nó thuộc thôn kết nghĩa với trường cấp 2, cho nên có những cuối tuần các thầy vào tận nơi, hướng dẫn người dân cách mở vòng cua đường rộng ra như thế nào cho an toàn, và giúp luôn sức với người dân ở đấy sửa đường. Có đồng cam cộng khổ với dân mới có thể thuyết phục người dân cho con đến trường chị ạ.

Tôi tò mò: “Thế những người yêu nhau làm gì ở đây vào thời gian rỗi?” Linh cười hiền lành: “Cũng chẳng có gì nhiều để làm. Chủ yếu là bọn em chở nhau đi thăm bạn bè ở các phân hiệu khác. Thỉnh thoảng trời nắng đẹp thì đi chơi thác, chơi suối. Rồi sắp xếp về thăm gia đình hai bên…” Biết Linh và bạn gái sẽ kết hôn trong vòng vài ba tháng nữa, tôi lại băn khoăn: “Vậy hai em sẽ sống như thế nào? Có phòng ở cho gia đình trong khu tập thể không?” Linh buồn buồn: “Giáo viên hợp đồng thì không có tiêu chuẩn. Cô ấy là giáo viên trong biên chế của trường Tiểu học thì phải xem lúc ấy trường Tiểu học có còn phòng để cho mượn không. Trường hợp không có phòng thì đành phải chịu mỗi đứa cứ ở riêng đến lúc nào sắp xếp được thôi chị ạ.” “Thế bọn em có định ở đây lâu dài không? Khi có con nhỏ thì sẽ làm sao?” “Chắc là ở lâu dài chị ạ, cô ấy là người vùng này, gia đình ở gần đây, đã có chỗ làm ổn định, bọn em còn đi đâu nữa. Có con thì lúc còn nhỏ sẽ ở chung với cha mẹ, lớn lên một chút đến tuổi đi học thì gửi về ông bà nuôi hộ cho đi học…” (Gửi con cho ông bà là giải pháp chung tôi gặp ở tất cả các trường miền núi hay vùng sâu như thế này).

Khi mới ngồi lên xe, Linh thỏa thuận trước với tôi: “Có những chỗ xe máy không lên nổi, chị chịu khó leo bộ được không chị?” Tất nhiên là tôi gật đầu đánh phắt, tôi biết thừa sẽ có những chỗ tôi thà đi bộ còn hơn ngồi xe máy mà run cầm cập. Leo lên cái cầu treo đầu tiên, Linh còn khoe với tôi: “Em mới học kiểu đi xe máy ở đây chưa tròn năm đâu, nhưng chị yên tâm, em chưa ngã xe hay lao xuống suối lần nào.” Một lát sau thì tôi yên tâm thật, chiều cao hơn 1.8m của Linh thực sự phát huy tác dụng. Tay lái vững đã đành, hai chân Linh như cái động cơ phụ giúp chiếc xe thồ cái cối đá lỗ là tôi ở đằng sau lên dốc xuống ghềnh băng băng. Chỉ có 2-3 lần chiếc xe đang đà lao xuống phải phanh dúi dụi, bánh trước chìa hẳn ra mép vực, dưới xa là con suối đầy đá cuội ngạo nghễ mời chào. Linh quay lại hỏi tôi: “Sợ không chị?” Tôi chỉ biết ra vẻ cứng cỏi lắc đầu, chứ hai hàm răng còn đang nghiến chặt lại vì khiếp hãi Linh kể có thầy giáo ngã xe bị xe đè lên gãy giập cả tay, cái tay ấy vẫn giữ lại được nhưng yếu không còn sử dụng được nữa.

 

Những câu chuyện không đầu không cuối khiến chị em tôi từ hai người xa lạ đã trở thành thân thiết chỉ trong một buổi chiều phơi nắng dầm mưa. Chỉ thương Linh cứ áy náy mãi vì đã dặn đi dặn lại tôi: “Chị ngồi yên, kệ em chứ đừng thò chân xuống chống mà bẩn giày nhé!” thế mà lúc lội qua một quãng bùn sâu hút trong cơn mưa, chiếc xe nghiêng hẳn trượt đi trong bùn, tôi phải chống chân xuống vì sợ Linh trụ không nổi, cả ống chân tôi ngập trong bùn đặc. Lời chia tay buổi chiều ấy của chị em tôi là câu xuýt xoa: “Chị đi tắm thay đồ ngay không ốm, em đã cố giữ cho chị khỏi bẩn giày rồi mà chị còn chống chân.” Nước mắt của tôi may mà được nước mưa che giấu giúp: “Em ơi, chị mà sợ bẩn giày thì chị đến đây làm gì?”

Tôi thật lòng ngưỡng mộ người yêu của Linh, tối hôm ấy giao lưu với giáo viên của hai trường, tôi có ý tìm xem mặt cô gái may mắn ấy, nhưng cô đang đi tập huấn nên hôm ấy vắng mặt ở trường. Có người con gái nào không mơ ước có một tình yêu như thế, một tình yêu có thể bứt một người con trai từ nơi phồn hoa đô hội theo mình về tận một nơi thiếu thốn đủ đường.

Buổi sáng cả đoàn quay ra, tôi may còn có dịp gặp thầy Linh đang dạy một lớp ở ngay sân trường. Tôi biết điều Linh mong nhất là một tấm thảm nhảy cao để giữ cho học sinh được an toàn khi học môn Thể dục, và tôi cũng biết ở nơi này các em bé đam mê các hoạt động thể chất đến mức nào. Tôi nhất định sẽ tặng các em niềm vui ấy vào năm học tới.

Chuyến đi này tôi đóng vai trò bình vôi, theo để phụ giúp nên không tham gia phần liên lạc trước với các trường, chẳng biết ai vào với ai. Buổi trưa lúc ăn cơm chỉ thấy được giới thiệu thầy T., hiệu phó phụ trách mảng Tiểu học. Trên đường đi qua mấy điểm trường Tiểu học và Mầm non, nghe thầy L. nói với cô giáo nhận đồ: “Anh chỉ đưa các chị ấy đi nên không biết, có gì em cứ điện thoại cho anh Th. mà hỏi.” Cái câu “có gì hỏi anh Th.” tôi phải được nghe đến mấy lần trong buổi chiều ấy. Lúc đó ghé tai Chủ nhiệm Tâm hỏi: “Thầy này là thầy nào?”, Chủ nhiệm vùng vằng: “Thầy Th., hiệu trưởng đấy.” Tôi suýt té ngửa

Mấy chị em đang đếm thử với nhau xem mỗi đứa bị bao nhiêu nốt ruồi vàng cắn, thầy Th. thản nhiên đưa chân ra cho chúng tôi xem rồi nói: “Không gãi thì chẳng làm sao, bọn em bị cắn mãi cũng quen đi, các chị xem này.” Ối giời, xung quanh mắt cá chân của thầy chi chít những nốt đen đen nhỏ tí, chắc là ruồi vàng châm vào bị gãy vòi bỏ của chạy lấy người.

 

Chiều còn sớm, thầy bảo tôi: “Chị có muốn đi thăm Văng Loa chiều nay luôn không? Sáng mai mà đi thì sợ quay ra muộn, lại bị mắc mưa giữa đường đấy!” Tất nhiên là tôi gật ngay rồi, phần vì tôi muốn công việc gọn gàng, phần vì tôi muốn tìm hiểu thêm cái thầy hiệu trưởng độc đáo này.

Ngồi sau xe thầy Linh cảm giác an tâm vì người lái xe khỏe mạnh vững vàng, đi với thầy Th. thì lại an tâm vì biết ngay đó là một tay lái lão luyện và có chiếc xe tốt không chê vào đâu được. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu nổ như bắp rang từ lúc ấy.

Thầy Th. là người Lạng Sơn, có mười mấy năm thâm niên dạy học và làm hiệu phó ở trường Đăk Ring, mới chuyển về đây làm hiệu trưởng trong năm học này. Vì thầy kiêm nhiệm vai trò thanh tra giáo dục của huyện nên một năm mất mấy tháng lượn vòng quanh các trường ở khắp các xã, cứ khoảng tuần lễ như thế lại về trường làm việc đôi ngày. Ở một huyện địa bàn lớn như thế này, cớ gì lại lấy một thầy hiệu trưởng đi làm thanh tra, suốt dọc đường đi Văng Loa tôi cứ băn khoăn mãi như thế. Nhưng đến chiều tối hôm đó, rồi sáng hôm sau, khi thầy bỏ cả buổi sáng chở tôi sang khảo sát Đăk Ring bằng xe máy, tôi đã hiểu và nghĩ nếu mình ở địa vị Trưởng phòng Giáo dục huyện, mình cũng sẽ cử con người này làm thanh tra giáo dục.

Đến Văng Loa, tôi đi bàn giao xong, quay sang lớp học thì thấy thầy đang đứng chỉ tay vào sách giáo khoa, bắt học trò đọc cho nghe. Được vài dòng, gật gù rồi lại bảo thôi, chuyển qua kiểm tra đứa khác. Đến đứa thứ ba, ông mãnh có vẻ không thuộc mặt chữ lắm, đọc theo trí nhớ những gì hóng hớt được khi bạn bên cạnh bị kiểm tra, thầy cười cười bảo: “Này, cấm học thuộc lòng! Đọc đoạn dưới xem nào!” Y như rằng học trò ngậm hạt thị. Thầy giải thích với tôi trên đường về: “Khi em nhận bàn giao trường này, mới phát hiện ra có rất nhiều học sinh lớp 2 còn chưa biết đọc chị ạ. Cho nên lúc nào ghé qua cũng phải tranh thủ kiểm tra chúng nó thì tình hình mới khá lên được.” Cô giáo vừa bước vào lớp bị thầy vẫy ra hành lang, chỉ về phía cổng: “Em đóng cái bảng kia bị sai rồi, đóng thế thì lúc cần làm sao gỡ xuống được, phải đóng như thế này này…” Tôi chịu chết, không hiểu làm sao lái xe máy chở tôi chạy vèo qua cổng mà có thể biết cái bảng đóng sai đóng đúng như thế nào. Tôi vốn bị coi là con cú vọ, có gì liếc qua thấy ngay vấn đề mà phen này cũng xin ngã mũ bái phục đại sư phụ.

Tối ấy khi ăn tối giao lưu với giáo viên, chúng tôi tranh thủ giải thích về chương trình Cơm thịt cho các em thầy Th. nói: “Bọn em cũng bị mắc như ở Tây Bắc chị ạ, muốn nấu cơm cho Mẫu giáo ăn để giữ chân các cháu ở trường nhưng đứa thì có chế độ, đứa thì không, nên không thể làm được.” Hỏi ra thì toàn trường có độ hơn 50 cháu ở độ tuổi từ 3 đến 5, nghĩa là cần một bàn tay nào đó chìa ra mới có thể có được bát cơm trưa ở trường. Tôi hỏi thầy có muốn tôi xin với bác chủ nhiệm cho trường được hưởng chương trình cơm thịt không (bạn đừng nghĩ rằng tôi hỏi vô lý nhé, vì tôi đã gặp trường trả lời không rồi, đơn giản là trường ấy không muốn vẽ thêm việc ra để lo), câu trả lời như đinh đóng cột: “Có chứ chị.” Rồi thầy tính ngay ra là chỉ xin một nửa số điểm trường thôi, để chạy thử xem hiệu quả có tốt không rồi mới dám xin cho toàn trường. Nhìn người đàn ông ngồi khoanh chân trên chiếu, đôi mắt sắc lẻm luôn nhìn thẳng như muốn đọc rõ tâm can người đối diện, tính toán mọi thứ rành rẽ trong chớp mắt, tôi vẫn có cảm giác mình ngồi nói chuyện với một chủ doanh nghiệp hơn là một hiệu trưởng.

Sáng hôm sau, trên đường chở tôi đi Đăk Ring, tôi mới có dịp nghe và biết thêm nhiều điều. Tôi biết trường Măng Buk mua được gạo rẻ hơn các trường khác trong huyện vì mua được trực tiếp từ dân, đỡ tiền vận chuyển, mà xã lại có sản lượng thóc cao nhất nên không lo thiếu gạo… Tôi biết nếu hàng hóa chúng tôi gửi trước lên đến Măng Đen có thể gửi dần từng kiện theo xe công trình vào tới các trường, không mất tiền chuyên chở chặng ấy… Tôi biết có lần trường được nhận tài trợ 3 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng, nhưng nhà tài trợ đòi trường phải đưa học sinh ra huyện để dự lễ trao trực tiếp, thế là 2 thầy giáo phải dùng xe máy chở 3 học sinh đó ra huyện, ngủ trọ lại để sáng hôm sau nhận, nhận xong phải cho học sinh ăn gì chứ chẳng lẽ để chúng nhịn đói đi về, thế là trường phải nghiến răng cắt từ cái ngân sách còm ra 500 ngàn đồng để chi cho cái việc đi nhận ấy – “việc cần làm thì phải làm để các cháu thấy vui và tự hào, nhưng em thấy nó làm sao ấy chị ạ.”… Tôi biết học trò ở các điểm lẻ vì thiếu phòng học nên chỉ được học có 1 buổi, thầy cô đánh vật với học sinh thế nào cũng không nhồi nhét nổi hết những yêu cầu của chương trình… Tôi biết học trò ở đây đa số học hết cấp 2 rồi nghỉ ở nhà làm ruộng hoặc đi rừng. Lớn lên một chút thì kết hôn với người cùng dân tộc… Tôi biết trường Măng Buk 2 ít nhất xe máy còn vào được tới nơi, chứ Đăk Ring có những điểm trường ở trên đỉnh núi chỉ có thể leo bộ lên, nếu là dân sở tại, mùa khô cũng phải leo vài tiếng đồng hồ mới tới nơi… Tôi biết thầy Th. có vợ cũng làm giáo viên, mới được chuyển về Đăk Tăng (một trường gần trung tâm huyện hơn), hai vợ chồng có 1 con trai nhưng không dám sinh thêm lần nữa vì sợ sau này không lo nổi cho con thì tội…

Lại cũng vẫn là những mẩu chuyện không đầu không cuối, nhưng đủ để gieo vào tôi niềm tin là nếu “Gánh hàng xén” của chúng tôi tha lôi được bất cứ thứ gì lên đây, giao vào tay những con người như thế này, thì các cổ đông của Gánh có thể yên tâm hoàn toàn.

Trên đường về lại Sài Gòn, tôi cười rúc rích bảo Minh Tâm: “Này, nói xin lỗi chứ lúc biết ai là thầy Th. hiệu trưởng tớ suýt ngất, cứ tưởng đấy là một lão… lái trâu.” Tâm cười khinh khích với tôi: “Sống Chậm nói thế còn nhẹ, tớ thì nghĩ thầy giáo gì mà y hệt lão… buôn lợn.” Túm lại, giống thứ gì thì giống, cái chúng tôi cần là một người biết việc, nói được thì làm được, và chúng tôi nhất trí rằng ở đây chúng tôi đã may mắn vớ được một người như thế.

Tác giả: Sống Thật Chậm

Bình luận
vtcnews.vn