Tổng Bí thư: Người làm Tuyên giáo phải không cực đoan, giáo điều, khô cứng

Thời sựThứ Tư, 01/08/2018 19:30:00 +07:00

Tổng Bí thư: Đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo cần phải có phương pháp tư duy biện chứng, xem xét sự vật nhiều chiều, nhiều góc độ, không cực đoan, giáo điều, khô cứng.

Đúng dịp kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt của Ban Tuyên giáo Trung ương, nghe báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác tuyên giáo, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XII đến nay và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tong bi thu lam viec voi Ban Tuyen giao Trung uong hinh anh 1

Tổng Bí thư làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo một số kết quả nổi bật của ngành tuyên giáo từ Đại hội XII của Đảng đến nay, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, hơn 2 năm qua, cùng với kết quả của các ngành, các cấp trong cả nước, ngành tuyên giáo tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả quan trọng.

Nổi bật là đã đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt, tuyên truyền góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. 

Hệ thống tuyên giáo đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW với nhiều cách làm hay, sáng tạo; gắn việc học tập và làm theo gương Bác với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua ở địa phương, cơ quan, đơn vị, qua đó đã giải quyết nhiều vấn đề bức xúc nổi cộm, hình thành và phát triển hàng nghìn mô hình, cách làm hay, tấm gương điển hình tiên tiến, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng.

Ban Tuyên giáo tiếp tục nâng cao chất lượng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các loại tài liệu, văn bản hướng dẫn công tác tuyên giáo, thẩm định văn bản của các ban, bộ, ngành, địa phương.

Ngành tuyên giáo chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận chính trị; tăng cường đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; công tác biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng của ngành, địa phương được tiếp tục quan tâm.

Toàn ngành chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng chính trị, dư luận xã hội; đổi mới công tác tuyên truyền, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận xã hội, cổ vũ các tầng lớp nhân dân thi đua yêu nước, từng bước hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp; chỉ đạo sâu sát, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ và thông tin đối ngoại.

Công tác chỉ đạo, định hướng chính trị các hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ có nhiều nét đổi mới đem đến chuyển biến tích cực, góp phần đắc lực vào việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, phản ánh khá đa dạng tình hình đất nước, địa phương.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; quan tâm tổ chức bồi dưỡng chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho những người làm công tác báo chí, xuất bản, văn hóa; đồng thời chủ động phối hợp trong việc xử lý những tổ chức, cá nhân có sai phạm về tính định hướng chính trị, tư tưởng... 

Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ra bên ngoài, giúp cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ hơn về Việt Nam; phối hợp với các bộ, ngành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, môi trường, y tế, dân số, an sinh xã hội. Ngành đã đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ đội ngũ làm công tác tuyên giáo.

Công tác tuyên giáo từ Trung ương đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề "nóng", nổi cộm và bức xúc trong xã hội; đấu tranh uốn nắn các nhận thức lệch lạc, phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ đường lối của Đảng và các chủ trương lớn của Nhà nước. 

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người làm công tác tuyên giáo trong cả nước qua các thời kỳ những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Là một Ban tham mưu của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng, là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn nghệ, khoa giáo; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Đảng.

Trong suốt 88 năm qua, ngành tuyên giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Hơn 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, ngành tuyên giáo đã có bước phát triển mới, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Đảng, của đất nước ta.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và cảm ơn Ban Tuyên giáo Trung ương, ban tuyên giáo các cấp, các đồng chí, các cơ quan làm công tác tuyên giáo từ Trung ương đến cơ sở về những kết quả, thành tích đã đạt được trong thời gian qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, khái quát 7 thành tựu, kết quả đạt được, chỉ rõ 7 hạn chế, tồn tại và xác định 9 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Các ý kiến cũng nêu nhiều kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu lên những mong muốn, gửi gắm những tình cảm, đòi hỏi của xã hội đối với công tác tuyên giáo.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình đất nước ta, Đảng ta về tổng thể là tốt, không khí trong xã hội phấn khởi tin tưởng, nhiều phong trào trở thành tự giác, tự nguyện, nhân dân đồng tình ủng hộ. Nêu bật những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao... 

Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhắc nhở, không được bằng lòng thỏa mãn, chủ quan, vì trước mắt còn nhiều thử thách.

Đồng ý với 9 nhiệm vụ mà Ban Tuyên giáo Trung ương đề ra trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm: Tình hình sắp tới bên cạnh thuận lợi cơ bản, còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những tác động mặt trái của nó rất ghê gớm, xâm nhập ngay vào trong tư tưởng, tình cảm, làm hư hỏng con người, thoái hóa, biến chất, mất cán bộ...

Chúng ta không đổ tại kinh tế thị trường, nhưng trong bối cảnh và môi trường ấy rất dễ nảy sinh hư hỏng. Bối cảnh ngày nay, chúng ta không thể không hội nhập quốc tế, nhưng càng hội nhập sâu rộng, bên cạnh sự du nhập của những mặt tốt, thì mặt trái cũng không ít.

Mỗi nước có đặc điểm riêng, phong cách riêng, truyền thống dân tộc riêng, vậy học cái gì, tránh cái gì, cứ du nhập vào mà không có chọn lọc thì cũng sai, cuối cùng mất bản sắc văn hóa dân tộc, không còn là người Việt Nam. Những vấn đề đó liên quan đến công tác tuyên giáo.

Rồi các thế lực thù địch chống phá chúng ta quyết liệt, kích động, chia rẽ, cô lập chúng ta. Đó là chưa kể những tác động ghê gớm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển mạnh của kỹ thuật và mạng internet, nếu không quản lý được thì chúng ta dễ trở thành nô lệ cho nó.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, ngành tuyên giáo phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Đấy chính là nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đã đi, tuyệt đối không dao động, mơ hồ. 

Cho nên, ở đây, ngay phương pháp tư tưởng đã phải biện chứng rồi. Không bao giờ được lệch lạc về phía nào cả. Bây giờ đang có một căn bệnh khá phổ biến là cực đoan, không biện chứng, không khách quan, nói chỉ một chiều là hỏng. Bao giờ cũng phải nghĩ 2 mặt của một vấn đề.

Phương pháp tư tưởng này đòi hỏi cho mọi cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác tuyên giáo. Phải có phương pháp tư tưởng đúng thì nói mới thuyết phục.

Đồng thời, phải làm tốt công tác thông tin, xây dựng sự đoàn kết trong Đảng, và sự đồng thuận trong dân, đây là trách nhiệm rất lớn của công tác tư tưởng. 

Tổng Bí thư nhắc nhở, phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực xấu, thù địch, bảo vệ vững chắc đường lối, quan điểm, bản chất cách mạng của Đảng ta. Các thế lực xấu, thù địch dùng đủ mọi phương thức, mọi thủ đoạn, tung ra các chiêu bài để chống phá ta.

Vừa qua, ngành tuyên giáo đã có nhiều cố gắng, thành lập mấy ban chỉ đạo, anh em dốc sức làm. Nói làm sao cho có sức thuyết phục, đây là vấn đề vô cùng khó, nhưng không thể không làm. Cho nên, phải kết hợp giữa xây và chống, chống và xây, vì mục tiêu, lý tưởng đã đề ra.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, chúng ta tiếp xúc với nhiều đối tượng, chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, chịu tác động nhiều chiều của nhiều trào lưu tư tưởng, chống phá rất bài bản, đánh đúng tâm lý của dân, nên ta cần nắm được tâm tư, tình cảm, tâm trạng của dân, biết dân đang cần cái gì.

Vũ Minh
Bình luận
vtcnews.vn