Tới 2027, ngành công nghiệp sáng tạo nội dung sẽ tăng trưởng gấp đôi

Sản phẩmThứ Sáu, 12/04/2024 06:41:19 +07:00
(VTC News) -

Dư địa tăng trưởng của ngành công nghiệp sáng tạo hoạt hình nói riêng và nội dung nói chung còn rất lớn nhờ sự phát triển bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới.

Điều quan trọng là các nhà sản xuất nội dung phải lựa chọn cho mình những sản phẩm tốt, có tính phát triển bền vững, có khả năng phát triển một hệ sinh thái xoay quanh sản phẩm sáng tạo của mình.

Ông Tạ Mạnh Hoàng, Nhà sáng lập - Tổng Giám đốc điều hành của Sconnect Việt Nam

Ông Tạ Mạnh Hoàng, Nhà sáng lập - Tổng Giám đốc điều hành của Sconnect Việt Nam

Đánh thức tiềm năng của ngành công nghiệp hoạt hình

Ngành công nghiệp sáng tạo (CNST) đang được ví như con gà đẻ trứng vàng khi doanh thu toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD (thống kê của UNESCO vào năm 2015), thu hút lực lượng lao động nhiều hơn cả ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại.

Công nghiệp sáng tạo đã và đang phát triển bùng nổ ở các nước có chiến lược xuất khẩu văn hóa, sáng tạo toàn cầu như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Singapore, Thái Lan… Tại các quốc gia nêu trên, CNST chiếm từ 5 tới 8% GPD (báo cáo của UNCTAD). Tại Việt Nam, ước tính công nghiệp sáng tạo chiếm khoảng 3% GDP quốc gia (Tổng cục thống kê, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch).

Công nghiệp nội dung là một nhóm ngành nằm trong 11-15 ngành công nghiệp sáng tạo (tuỳ theo cách phân loại của mỗi quốc gia). Theo báo cáo đầu năm 2023 của Goldman Sachs, nền công nghiệp nội dung trên thế giới đạt 250 tỷ USD và được dự đoán tăng gấp đôi đạt 480 tỷ USD vào năm 2027.

Ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam dù đang trên đà hội nhập với thế giới nhưng Việt Nam đã có những bước phát triển rất nhanh trong thời gian qua, với doanh thu năm 2023 ước đạt khoảng 876 triệu USD (theo báo cáo của VIRAC).

Ngành công nghiệp mới nổi này cũng được đánh giá là còn có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa khi mà số lượng người sử dụng các loại hình nội dung số sẽ tiếp tục tăng cao và nó không bị phụ thuộc vào các tài nguyên thiên nhiên có giới hạn như các ngành công nghiệp khác.

Khoảng 5 năm trở lại đây, không ít những doanh nghiệp sáng tạo của Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người” đã đạt được thành tựu khi xuất khẩu sản phẩm nội dung số phục vụ thị trường nước ngoài.

Trong đó có thể kể đến Sconnect là một trong những doanh nghiệp có nhiều thành tựu trong  lĩnh vực sáng tạo nội dung số tại Việt Nam. Sau 10 năm phát triển, Sconnect đang sở hữu 18 IP hoạt hình (tài sản sở hữu trí tuệ), cùng với kho nội dung hơn 30.000 video hoạt hình chất lượng cao, mang về 3 nút kim cương cùng hơn 500 trăm nút vàng, nút bạc YouTube.

Có được thành tựu này là do Sconnect đã sớm định hướng và xây dựng một hệ sinh thái đa dạng loại hình kinh doanh tài sản sở hữu trí tuệ của các bộ nhân vật hoạt hình nổi tiếng (IP). Những thành tựu đạt được trên thị trường quốc tế đã nhanh chóng đưa Sconnect vươn lên trở thành doanh nghiệp đi đầu trong phát triển công nghiệp hóa sản phẩm sáng tạo trong nước.

Stop Motion là một trong những công nghệ làm phim hoạt hình được Sconnect nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng thành công trên nhiều IP như Luka hay Tiny Series.

Stop Motion là một trong những công nghệ làm phim hoạt hình được Sconnect nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng thành công trên nhiều IP như Luka hay Tiny Series.

Từ zero chinh phục “Giấc mơ Mỹ”

Chia sẻ về giai đoạn khởi nghiệp, ông Tạ Mạnh Hoàng, Nhà sáng lập - Tổng giám đốc Sconnect Việt Nam cho biết: “Lúc đấy tôi chả có gì trong tay cả, không có vốn, không có nhân sự, chưa có am hiểu gì về thị trường do lĩnh vực hoạt hình còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ngay cả các cộng sự của tôi lúc đó cũng không ai có nhiều kiến thức về ngành hoạt hình. Và chúng tôi đã khởi đầu từ con số 0, Công ty đã dành 2 năm đầu tiên để nghiên cứu và định hình con đường phát triển bền vững của Sconnect sau này”.

Lúc đó thị trường Việt Nam có nhiều doanh nghiệp sản xuất nội dung chọn những sản phẩm theo trend (xu hướng), kiếm tiền nhanh nhưng vòng đời sản phẩm ngắn, sản phẩm ít có giá trị tích cực.

Nhưng Sconnect lựa chọn ngược lại là “đi chậm nhưng bền vững”. Sconnect đã dành 2 năm đầu để nghiên cứu và thu thập kiến thức về thị trường, làm nền tảng để định hướng trở thành doanh nghiệp sáng tạo nội dung, đặc biệt là nội dung hoạt hình.

Dù nhà sáng lập Sconnect khiêm tốn chia sẻ “chúng tôi đi chậm nhưng mà chắc chắn”, song quy mô của Sconnect đã tăng từ 64 nhân sự lên hơn 1.000 nhân sự trong 10 năm. Lượt xem trên YouTube tăng từ 300 triệu view/tháng vào năm 2016, lên hơn 5 tỷ view/tháng vào năm 2024. Những con số này cho thấy, ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.

Nhà sáng lập Sconnect đã có những lựa chọn táo bạo khi ngay từ đầu đã quyết tâm đạt được giấc mơ lớn, khát vọng lớn là chinh phục thị trường toàn cầu, đầu tiên là thị trường Mỹ - một thị trường khó tính bậc nhất, với nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho các sản phẩm nội dung dành cho trẻ em.

“Giấc mơ Mỹ” chính là động lực mà cũng là áp lực để đội ngũ Sconnect kề vai, sát cánh xây dựng nguồn lực và xây dựng được hệ thống sản xuất, kinh doanh bài bản, chỉn chu ngay từ đầu nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất. Sau khi đạt được giấc mơ Mỹ, Sconnect tiếp tục mở rộng ra thị trường châu Âu và các quốc gia đông dân ở châu Á.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Tạ Mạnh Hoàng cho biết, ở thời điểm 10 năm trước, mô hình doanh nghiệp sáng tạo còn là một khái niệm quá mới mẻ tại Việt Nam.

Đội ngũ lãnh đạo, quản lý của Sconnect còn non trẻ cũng không đủ am hiểu về nhu cầu của khách hàng quốc tế, cùng với sự thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề cao là những khó khăn đầu tiên mà Sconnect đã gặp phải trong chuỗi ngày đầu chật vật tìm tòi, nghiên cứu để có được những sản phẩm đầu tiên.

Để chinh phục những thử thách này, Sconnect đã phải tự nghiên cứu các công nghệ sản xuất hoạt hình, tham vấn các chuyên gia để xây dựng các bộ tiêu chuẩn, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng.

Để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực, Sconnect đã thành lập Học viện đào tạo hoạt hình đạt chuẩn quốc tế để có thể đào tạo nhân lực ngành hoạt hình và game đáp ứng nhu cầu của chính doanh nghiệp, đồng thời cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường.

Cùng với đó là xây dựng đội ngũ pháp lý để chuẩn hóa và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Từ đó, hệ sinh thái đa ngành đã được hình thành để khai thác tối đa giá trị của các sản phẩm sáng tạo.

Những thành tựu đầu tiên cùng sự mở rộng quy mô nhanh chóng đã chứng minh lựa chọn nội dung hoạt hình là quyết định đúng đắn của Sconnect

Những thành tựu đầu tiên cùng sự mở rộng quy mô nhanh chóng đã chứng minh lựa chọn nội dung hoạt hình là quyết định đúng đắn của Sconnect

Còn nhiều dư địa để tăng trưởng

Nhiều chuyên gia cho rằng, dư địa tăng trưởng của ngành công nghiệp sáng tạo hoạt hình còn rất lớn. Sự phát triển bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới đã tạo cơ hội cho công nghiệp sáng tạo phát triển, cung ứng cho thị trường toàn cầu.

Điều quan trọng là các đơn vị sản xuất nội dung phải lựa chọn cho mình những sản phẩm tốt, có tính phát triển bền vững, có khả năng phát triển một hệ sinh thái xoay quanh các sản phẩm của mình.

Công nghiệp hóa sản phẩm sáng tạo mang lại nhiều lợi ích như khả năng tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí, thúc đẩy khả năng cạnh tranh nhờ những sản phẩm mới và đột phá.

Dù nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan nhà nước cùng sự phát triển của lĩnh vực công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) hay Trò chơi điện tử (Game) nhưng nhìn chung, công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam còn khá non trẻ, và còn gặp một số rào cản về mặt thể chế và chưa thật sự phát triển thành một ngành công nghiệp quy mô lớn.  

Nguyên nhân của vấn đề này có thể đến từ việc để công nghiệp hóa sản phẩm cần các doanh nghiệp có sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và công nghệ, bên cạnh đó là sự thiếu hụt của mô hình quản lý chặt chẽ cho toàn bộ các khâu sản xuất và khai thác kinh doanh.

Một thách thức lớn khác là công tác bảo vệ bản quyền, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ  đối với những sản phẩm “chinh chiến” trên thị trường quốc tế.

Hoàng Hà
Bình luận
vtcnews.vn