Tòa án Nhân dân Tối cao ra thông tư 'gây khó' cho báo chí

Pháp luậtThứ Ba, 13/05/2014 11:00:00 +07:00

Mặc dù vấp phải phản ứng của báo giới ngay từ khi dự thảo, TANDTC vẫn giữ lại một điều vô lý, gây khó cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại tòa.

Mặc dù vấp phải phản ứng của báo giới ngay từ khi dự thảo, Thông tư số 01/2014/TT-CA của Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) vẫn giữ lại một điều vô lý, gây khó cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại tòa.

Sau khi lấy ý kiến dự thảo thông tư về Nội quy phiên tòa với nhiều quy định gây khó, gây cản trở, sai luật, cuối cùng ngày 28/4/2014, Tòa án Nhân dân Tối cao ra thông tư số 01/2014/TT-CA. Thông tư này đã ban hành kèm theo Nội quy phiên tòa. Một số điều được báo chí phản ánh lạc hậu, gây khó cho báo chí đã được thay đổi.


Tuy nhiên, khi Thông tư này ra đời lại vẫn mang theo một nội dung gây khó khăn cho báo chí. Đó là yêu cầu phóng viên tác nghiệp tại tòa phải có Thẻ nhà báo và giấy giới thiệu.
Phóng viên tác nghiệp. 
Căn cứ vào Luật báo chí, Nhà báo là người được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ. Nhà báo được bảo hộ quyền tác nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam, quốc tế. Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 1999) đã xác định Nhà báo là người được cơ quan có thẩm quyền (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp thẻ.

Ngày 12/11/2013, Nghị định 159 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản ra đời đã có một bước tiến ghi nhận sự bảo hộ của Nhà nước với những phóng viên chưa có Thẻ nhà báo.

Điều này đã phần nào công nhận quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có Thẻ nhà báo. Đồng thời, cũng cho thấy một thực tế, rất nhiều phóng viên có nghiệp vụ, lành nghề đang hàng ngày hàng giờ trực tiếp lao động báo chí nhưng vì lý do chưa đủ điều kiện 3 năm công tác liên tục tại một cơ quan báo chí nên chưa có Thẻ nhà báo.

Những phóng viên này có thể hoạt động báo chí 10 năm nhưng vì hoạt động trong môi trường báo chí nhiều biến động nhân sự nên họ chưa đủ điều kiện 3 năm liên tục. Để tác nghiệp được, trước khi có Thẻ nhà báo, các phóng viên thường phải tác nghiệp kiên trì, cống hiến bằng giấy giới thiệu.


Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí mới, chưa có thời gian ra đời đủ 3 năm có thể sẽ có rất ít phóng viên có Thẻ nhà báo làm việc.

Để có được tấm Thẻ nhà báo này, phóng viên phải phấn đấu làm việc liên tục ít nhất 3 năm liền tại một tòa soạn

Ấy vậy mà, với quy định của TANDTC đã hạn chế quyền tác nghiệp của những phóng viên này. Vậy không biết 3 năm chờ đợi có Thẻ nhà báo, những phóng viên của sẽ tác nghiệp như thế nào tại tòa?

Mặt khác, yêu cầu Nhà báo đã có thẻ lại phải có giấy giới thiệu mới được tác nghiệp là vi phạm Luật Báo chí 1989 (sửa đổi năm 1999).

Căn cứ vào Luật Báo chí 1989 (sửa đổi năm 1999) cũng như Nghị định 51 ngày 26/4/2002 của Chính phủ đều quy định nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Khoản 1 Điều 8 Nghị định 51 nhấn mạnh nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.


Có thể hiểu, cơ quan chức năng (cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp cho nhà báo Thẻ nhà báo, được coi là thẻ hành nghề để nhà báo có thể sử dụng để hành nghề. Việc yêu cầu nhà báo phải có giấy giới thiệu để dự phiên tòa đã hạn chế quyền của nhà báo được tiếp cận những phiên tòa công khai, mà người dân thường cũng được tiếp cận.

Trừ những phiên toà đặc biệt, việc có mặt của những nhà báo tại phiên tòa công khai là góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật, một hoạt động phù hợp lợi ích cộng cộng, được Nhà nước bảo hộ và khuyến khích.

Trao đổi với PV, Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư Tp HCM) cho biết: “Từ thực tiễn tham gia tranh tụng, tôi nhận thấy sự tham gia của phóng viên tại phiên tòa thường tuân thủ rất tốt các quy định của pháp luật. Sự có mặt của họ càng làm cho phiên tòa minh bạch hơn, họ cũng góp phần phổ biến tuyên truyền pháp luật.

Do đó, tôi nghĩ tòa án nên tạo điều kiện tốt nhất cho họ tác nghiệp theo đúng quy định của Luật báo chí chứ không nên tạo ra những điều kiện rào cản để hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí, trừ phiên tòa đặc biệt”.


Cao hơn hết, những quy định dưới luật phải tuân thủ quy định của luật và phải hướng tới minh bạch công khai tư pháp, đồng thời góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật ngày càng rộng rãi hơn. Để đạt mục tiêu này, thiết nghĩ không nên có quy định “gây khó” cho phóng viên tác nghiệp tại tòa.

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn