Tố cáo qua mail, fax, điện thoại chưa được đưa vào Luật

Thời sựThứ Bảy, 12/11/2011 01:08:00 +07:00

(VTC News) - Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết trước khi cụ thể hóa trong Luật nhằm tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối...

(VTC News) – Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết trước khi cụ thể hóa trong Luật nhằm tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ hoặc để phát tán thông tin về việc tố cáo…

Ngày 11/11/2011, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, 86,8% ĐBQH tán thành thông qua 2 Luật này.

Nhiều Nghị quyết và Luật đã được các ĐBQH biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII - Ảnh: TTXVN. 
Khiếu nại phải có chữ ký, điểm chỉ mới giải quyết

Đối với Luật khiếu nại, theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, khi thảo luận về dự án luật này, có ĐBQH đã đề nghị bổ sung vào quy định cấm lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích Nhà nước. Theo đó, Luật khiếu nại đã bổ sung quy định này thành 1 trong 9 hành vi bị nghiêm cấm (điều 6).

Cùng với hành vi vừa nêu, Luật khiếu nại cấm các hành vi như: Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại; Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.

Cùng với đó, cấm hành vi: Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định; Bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại; Cố tình khiếu nại sai sự thật;  Kích động, xúi dục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng;

Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác; Vi phạm quy chế tiếp công dân; Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Về hình thức khiếu nại, Luật quy định việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.

Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản…

Luật cũng quy định thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính, hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Bỏ hình thức tố cáo qua mail, fax, điện thoại

Trong Luật Tố cáo vừa được Quốc hội thông qua thì quy định về các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, lời qua điện thoại chưa được đưa vào trong Luật - Ảnh: Internet

Đối với Luật Tố cáo, nội dung được nhiều người quan tâm là hình thức tố cáo, trong đó có ý kiến đề nghị cần bổ sung các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại vì các hình thức này thực tế đang tồn tại và cũng để tránh lạc hậu so với sự phát triển của công nghệ.

Tuy nhiên, trong Luật Tố cáo vừa được thông qua thì quy định về các hình thức tố cáo này chưa được đưa vào trong Luật. Theo đó, về hình thức tố cáo (điều 19) trong Luật Tố cáo quy định, việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, khi thảo luận về nội dung này, hầu hết các ý kiến đều tán thành hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo.

Ông Lý nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, các hình thức tố cáo qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử tuy đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng song hiện vẫn chưa được áp dụng phổ biến. Trên thực tế, việc quản lý các thông tin thuộc loại này còn nhiều khó khăn, bất cập.

Như vậy, Quốc hội chưa bổ sung quy định về các hình thức tố cáo này trong Luật Tố cáo mà tiếp tục duy trì hai hình thức là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn như hiện nay.

Cũng theo Luật Tố cáo, trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo để phối hợp khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo.

Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.

Một nội dung khác cũng được nhiều người quan tâm là bảo vệ người tố cáo, Luật quy định, việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Đối tượng bảo vệ gồm người tố cáo; Người thân thích của người tố cáo. Thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ.

Cũng theo Luật Tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp có trách nhiệm giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo; đồng thời phải áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin và bảo vệ cho người tố cáo.

Luật Tố cáo quy định, thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ việc tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ việc tố cáo.

Cũng trong ngày làm việc 11/11/2011, 87% ĐBQH tán thành thông qua Luật Lưu trữ và 86% ĐBQH tán thành thông qua Luật Đo lường.

Bốn luật trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2012.

Ngày 11/11/2011, 84,80% ĐBQH cũng tán thành và thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

 Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn