Tín hiệu vui về việc "giải cứu" lao động VN ở Libya

Thời sựThứ Tư, 02/03/2011 10:34:00 +07:00

(VTC News) - Bộ trưởng LĐTB&XH vừa cho biết thông tin và giải pháp cụ thể về giải cứu số người lao động tại Libya và những chính sách hỗ trợ họ khi họ về nước.

(VTC News) – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân vừa cho biết thông tin và giải pháp cụ thể về giải cứu số người lao động tại Libya và những chính sách hỗ trợ họ khi về nước. Chính phủ rất tích cực và nỗ lực giải cứu người lao động Việt Nam mắc kẹt ở Libya

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2011 tổ chức tại Hà Nội chiều nay (2/3), Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tổng số 10.482 lao động Việt Nam làm việc tại Libya, có 2.000 lao động làm việc ở TP Benghazi và 3.000 lao động ở Thủ đô Tripholi, số lao động còn lại nằm rải rác ở các vùng lân cận.

Bộ trưởng lao động cho biết hiện đã đưa được 2.739 lao động về nước. Tính đến đêm hôm qua (1/3), có 6.190 lao động Việt Nam được di tản đến đảo Malta, Hy Lạp, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Angieri… 

Theo Bộ trưởng Ngân, 
ngày hôm nay (2/3) có 1.123 người sẽ xuống tàu biển đến các nước thứ 3, hơn 1.400 người đang trên đường di chuyển đến biên giới Ai Cập và khoảng 1.000 người sẽ đi đường bộ đến biên giới Tuynidi. Ngay trong đêm nay (2/3) sẽ có một chuyến bay sang Tuynidi, đến ngày mai sẽ đưa được khoảng 350 lao động Việt Nam về nước. Sáng mai (3/3) sẽ tiếp tục có chuyến bay nữa sang Tuynidi để đưa người về.

“Còn hơn 200 người đang ở các nhà máy lẻ tại Libya hiện vẫn giữ được liên lạc với Đại sứ quán nước ta nên đỡ lo hơn. Chính phủ rất tích cực và nỗ lực giải cứu người lao động Việt Nam mắc kẹt ở Libya” – bà Ngân khẳng định.

Người đứng đầu Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, 5 đoàn công tác của nước ta đang cùng với các tổ chức quốc tế vào cuộc giúp người lao động Việt NamLibya thoát khỏi cái đói, rét cũng như giúp các thủ tục mua vé máy bay về nước.

“Sợ nhất là tên bay đạn lạc nhưng đến giờ phút này chưa có tin gì về thương vong cho người lao động Việt Nam” – bà Ngân vui mừng thông báo.

Về các chuyến bay từ Việt Nam đón người lao động về nước, theo bà Ngân, hạn chế số người đi theo từ trong nước để dành chỗ cho người lao động trở về. Người đứng đầu Bộ LĐTB&XH cảm động kể, khi cửa máy bay đến từ Việt Nam mở ra, người lao động Việt Nam tại Libya đã vỗ tay reo lên: “Sống rồi!, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Việt Nam chiến thắng”.

Khẳng định sự khẩn trương và quyết liệt giải cứu người lao động Việt Nam tại Libya, Bộ trưởng Kim Ngân cho biết: Chúng ta đang quyết tâm đưa số lao động còn lại về nước càng sớm càng tốt. Số lao động hiện sang các nước thứ 3 đều được an toàn về an ninh, lương thực thực phẩm. Chúng ta đang đưa chuyên cơ sang đón cũng như được các đối tác thuê máy bay đưa số lao động này về Việt Nam. "Việc này đang diễn ra hàng ngày. Chỉ có hơn 200 lao động ở Libya ta vẫn đang giữ liên lạc, động viên họ chờ có quyết định sơ tán sẽ tập hợp đưa họ về nước an toàn”, Bộ trưởng Ngân cho biết thêm.

Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động chung tay chia sẻ khó khăn

Trả lời báo chí về chính sách hỗ trợ cho người lao động ở Libya về nước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chính phủ đã trích hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ người lao động ngoài nước, các doanh nghiệp có người lao động cũng hỗ trợ 1 triệu đồng – số tiền này chủ yếu làm “lộ phí” cho người lao động về quê.

Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động cùng chung tay chia sẻ và lo cho người lao động từ Libya về nước được sớm ổn định cuốc sống (Ảnh: VTC News) 

Cùng với đó, Bộ L ĐTB&XH cũng mở một tài khoản tiếp nhận hỗ trợ của các đơn vị tổ chức dành cho người lao động ở Libya, hiện có 2 đơn vị là Ngân hàng đầu tư và phát triển cùng Cienco 5 đã hỗ trợ được 8 tỷ đồng.

Trước thực trạng hơn 10.000 lao động Việt Nam từ Libya đang có việc làm nay trở về nước sẽ thất nghiệp, chắc chắn sẽ khó khăn, Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTB&XH căn cứ các chính sách liên quan đến người lao động ngoài nước để giải quyết, xử lý thc trạng này, bà Ngân cho biết.

Theo đó, những người mới sang Libya vẫn còn “nặng gánh” với số nợ vay để đi lao động thì Bộ sẽ phân loại đối tượng, trình Chính phủ yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ, nhất là đối với những lao động nghèo để có những hỗ trợ thích ứng.

Bà Ngân cũng nhấn mạnh, những doanh nghiệp có người lao động ở Libya cũng rất có trách nhiệm trong việc giải cứu người lao động Việt Nam ra khỏi Libya. Chính phủ sẽ cùng các doanh nghiệp này mở những thị trường mới để đưa số lao động về từ Libya sang làm việc hoặc chờ Libya ổn định sẽ sang tiếp tục làm việc. “Chắc chắn các lao động từ Libya trở về sẽ thất nghiệp trong một thời gian”, bà Ngân nói.

Về câu hỏi có bồi thường cho người lao động từ Libya về nước, Bộ trưởng Kim Ngân khẳng định: “Chúng tôi không đặt vấn đề bồi thường vì doanh nghiệp họ cũng bị… lỗ! Hơn nữa, họ cũng mua bảo hiểm cho người lao động và thực hiện rất tốt. Nhưng chúng tôi vẫn đưa ra những yêu cầu ràng buộc doanh nghiệp theo quy định của pháp luật trong việc các chủ lao động này sẽ làm gì cho người lao động, số chủ lao động “bỏ chạy” chúng tôi sẽ lo cho người lao động”.

Theo bà Ngân, Luật không quy định chiến tranh xảy ra sẽ như thế nào vì đây là trường hợp bất khả kháng, không thuộc về lỗi của Chính phủ, của chủ lao động hay của người lao động. Nhưng xảy ra như hiện nay thì tất cả cùng phải chung tay chịu trách nhiệm chia sẻ khó khăn, đối với phần vượt quá trách nhiệm của chủ lao động trong nước thì Chính phủ sẽ đứng ra cùng lo cho người lao động của mình.

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ cùng với đối tác lên kế hoạch giải quyết chính sách hỗ trợ đối với người lao động trở về từ Libya. Theo đó, lao động ở Libya về nước nằm trong trường hợp bất khả kháng. Việc giải quyết quyền lợi theo nguyên tắc:

Nếu làm việc chưa đủ 1/2 thời gian hợp đồng thì được hoàn trả 50% tiền môi giới, làm trên 1/2 thời gian hợp đồng không được hoàn trả. Riêng phí dịch vụ, nếu nộp trước đủ một lần (mỗi năm một tháng lương), doanh nghiệp phải hoàn trả một khoản tương ứng với số tháng người lao động không còn làm việc theo hợp đồng.

Ngoài ra, trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động về nước với nhiều lý do khách quan khác nhau sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trường hợp. Trong trường hợp người lao động VN ở Libya mới về nước được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm, vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề trong 12 tháng kể từ ngày về nước, lãi suất vay 0%.
 
 

Quang Tùng

Kiều Minh

 

Bình luận
vtcnews.vn