Tiền và yêu thương

Tổng hợpThứ Tư, 07/12/2011 01:59:00 +07:00

“Em bắt nó học vừa thôi, kẻo lại ngẩn ngơ thì khổ. Như anh đây này, chỉ cần học hết cấp 3 mà bây giờ vẫn kiếm tiền nuôi vợ con đấy thôi”.

“Em bắt nó học vừa thôi, kẻo lại ngẩn ngơ thì khổ. Như anh đây này, chỉ cần học hết cấp 3 mà bây giờ vẫn kiếm tiền nuôi vợ con đấy thôi”.
Chỉ chờ bố “tuyên ngôn”, Trường nhảy cẫng lên hưởng ứng, miệng hô to: “Bố muôn năm!”.
Thằng bé quăng luôn sách vở vào một góc, phụng phịu kể tội: “Ở lớp cứ phải học suốt bố ạ, tối về cô lại giao bao nhiêu là bài tập. Hay bố chuyển con sang học trường quốc tế đi bố. Bạn con bảo ở đó học ít lắm, lại còn được tham gia rất nhiều trò chơi, tối về chẳng bao giờ phải làm bài tập. “Để bố tính”, nói rồi anh rút ví dúi cho con dễ đến mấy trăm ngàn để cuối tuần mời mấy đứa bạn thân đi ăn món gà rán.
Anh chiều con hết mực. Anh có thể từ chối đưa con đi chơi hay xem phim, có thể cáo bận tiếp khách không về kịp dự sinh nhật vợ con nhưng tiền bạc anh chưa bao giờ từ chối các con. Những gì không thể làm được cho chúng, anh sẽ lấy vật chất bù đắp. Với anh, đấy là cách bày tỏ sự quan tâm và trách nhiệm của mình. Tiền bạc do anh làm ra, vợ con anh được ăn sung mặc sướng chẳng phải là anh đã nỗ lực vì gia đình của mình ư?!
 

Con gái anh mới học cấp 3 nhưng trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền, quần áo toàn những bộ cánh sành điệu, điện thoại đời mới, ngay cả xe máy nếu chán, anh sẵn sàng chi tiền đổi xe cho con. Có sao đâu, tiền bạc là thứ anh đã, đang và còn có thể kiếm ra. Anh luôn muốn con cái được tự hào về anh, ghi nhận anh là một người cha giỏi giang, thành đạt. Anh thích cảm giác các con nhảy cẫng lên vì sung sướng mỗi lần anh thưởng tiền cho chúng hay cách chúng ôm lấy cổ anh, nũng nịu thì thầm, nịnh anh để xin tiền mua thứ mà chúng thích. Anh chẳng bao giờ trách mắng các con, kể cả đứa lớn lẫn đứa bé về chuyện chúng bị điểm kém, chỉ cần chúng đến tuổi, anh sẽ cho cả hai đi du học nước ngoài.
Chị về, nằm thượt ra ghế sofa dưới phòng khách. “Em sao thế, mệt à? Lên phòng mà nằm cho thoải mái, để anh đưa em lên”.
“Sáng nay, em nhận được điện thoại của cô giáo cu Trường. Xấu hổ lắm anh ạ, không khéo con mình hư mất thôi”, chị vừa thở dài vừa nói, nước mắt nhạt nhòa.
“Thế có chuyện gì, giáo viên bây giờ hay phiền nhiễu phụ huynh lắm. Chắc lại mấy chuyện vớ vẩn của trẻ con chứ gì?”, anh vừa nói vừa xỏ giày định đi chơi golf như mọi hôm.
“Thì anh cũng phải nghe em nói xem có chuyện gì đã chứ, không lẽ anh không quan tâm đến chuyện học hành của con cái sao?”, chị nói giọng căng thẳng.
“Vậy em nói nhanh xem nào”, anh gắt.
 

Chuyện con trai chị ở lớp chẳng chịu chú tâm học hành gì cả, lúc nào cũng vẽ vời các nhân vật game trên mạng. Hôm trước, nó đánh nhau với bạn chỉ vì thằng bé kia không cho nó nhìn bài kiểm tra mặc dù đã nhận hai trăm ngàn. Thằng bé còn thỏa thuận nhờ bạn soạn và làm bài giúp, nó sẽ cho tiền, mà số tiền khá hậu hĩnh. Khi bị cô giáo và các bạn phát giác, nó đỏ mặt chỉ thẳng bạn lớp trưởng nói là: “Đồ nhà quê, đồ chân đất mắt toét”. Khi cô giáo can thiệp, nó cự lại: “Em cũng chẳng học ở cái trường làng này lâu nữa đâu. Nhà em có tiền, bố em sẽ cho em vào học trường quốc tế”.
“Anh không biết chứ, hôm trước nó còn bảo em thế này...”, chị vừa tấm tức khóc vừa kể: “Trong nhà mình, bố mới là người có quyền quyết định mọi thứ vì bố kiếm được nhiều tiền, lương của mẹ ít vậy bảo sao hỏi xin cái gì mẹ cũng tiếc. Con về hỏi bố là được ngay. Nó coi thường em, hỗn láo với em là vì anh lúc nào cũng nói chuyện tiền bạc trước mặt nó, lúc nào cũng bảo em đi làm lương có vài đồng bạc, nghỉ ở nhà cho xong nên nó mới thế chứ”.
Chị khóc tướng lên, bao nhiêu uất nghẹn trong lòng như có dịp bung ra nhưng chị vẫn kịp nhận thấy khuôn mặt anh, lúc thì lại bàng hoàng như không hiểu chuyện gì đang xảy ra, lúc lại bần thần như người đang mắc lỗi, rồi tím lại như đang giận dữ. Hy vọng rằng, sau lần này, anh biết giật mình cảnh tỉnh...
Theo TGPN
Bình luận
vtcnews.vn