Thực hư tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc

Thế giớiThứ Tư, 05/01/2011 07:20:00 +07:00

(VTC News) – Để có thể tự nghiên cứu, chế tạo ra động cơ cho dòng máy bay tiêm kích hiện đại thế hệ thứ 5 đối với Trung Quốc là không thể.

(VTC News) – Đa phần các dự án chế tạo máy bay chiến đấu của Trung Quốc đều phải nhập khẩu động cơ từ nước ngoài. Do vậy, để có thể tự nghiên cứu, chế tạo ra động cơ cho dòng máy bay tiêm kích hiện đại thế hệ thứ 5 đối với Trung Quốc là không thể...


Tại một vài diễn đàn quốc phòng, Trung Quốc đã tiết lộ các bức ảnh mới nhất về dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên do nước này sản xuất.

 

Trong các bức ảnh công bố, Trung Quốc đã giới thiệu toàn thân máy bay mà nhìn các thành tố kết cấu khiến người xem liên tưởng ngay tới máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-22 Raptor của Mỹ hay PAK FA T-50 của Nga.

 

Trong quá trình thiết kế và chế tạo dòng máy bay chiến đấu hiện đại này, Trung Quốc có sử dụng công nghệ tàng hình và trang bị thêm cánh đuôi nằm ngang hướng về phía trước.

 

 

Tuy nhiên, hiện nay cũng không ít các chuyên gia phân tích và bình luận quân sự tỏ ra hoài nghi về độ xác thực của những bức ảnh mà Trung Quốc mới công bố về dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của mình.

 

Họ cho rằng, không loại trừ khả năng đây chỉ là những bức ảnh đồ họa chứ không phải là ảnh thực hoặc nếu đó là ảnh thật thì công tác nghiên cứu, chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Trung Quốc đã diễn ra trong trạng thái tuyệt mật với dự án mang mật danh J-20, J-14 hoặc J-XX.

 

Bên cạnh đó, một số chuyên gia phân tích còn cho rằng, những bức ảnh về máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 mà Trung Quốc mới cho công bố là sự “rò rỉ thông tin có chủ ý” theo sáng kiến của cơ quan Tình báo Trung Quốc bởi vì Trung Quốc là một trong số các quốc gia có các quy định rất nghiêm ngặt về chế độ bảo mật thông tin.

 

Một số nhận định, đánh giá khác thì lại cho rằng, nếu những bức ảnh đó đúng là ảnh nguyên bản thì việc chế tạo thành công mẫu máy bay tiêm kích thử nghiệm đầu tiên thế hệ thứ 5 hay thậm chí là Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống lái trên máy bay này thì cũng không phải là điều quá đáng bận tâm.

 

Bởi vì ngay cả Nga và Mỹ khi thực hiện các chương trình nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 cũng cần một khoảng thời gian khá dài mới thành công.

 

Ví dụ như Mỹ, chỉ tính riêng từ khi bắt đầu thử nghiệm chuyến bay đầu tiên máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-22 Raptor vào năm 1990 cho tới khi Mỹ chính thức đưa vào biên chế trang bị cũng đã mất tới 15 năm và hiện nay Nga cũng phải mất khoảng thời gian tương tự.

 

Hiện nay đa phần động cơ dành cho máy bay chiến đấu của Trung Quốc đều phải nhập khẩu từ nước ngoài về. 

Do vậy, để có thể đi vào sản xuất hàng loạt và biên chế máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên cho quân đội của mình, Trung Quốc cũng còn phải mất ít nhất là hơn chục năm nữa nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp.

 

Cũng cần phải nói thêm rằng, một trong các vấn đề khó khăn, phức tạp đối với các chương trình, dự án không quân của Trung Quốc hiện nay chính là vấn đề động cơ cho máy bay chiến đấu.

 

Đa phần các dự án chế tạo máy bay chiến đấu của Trung Quốc đều phải nhập khẩu động cơ từ nước ngoài. Do vậy, để có thể tự nghiên cứu, chế tạo ra động cơ cho dòng máy bay tiêm kích hiện đại thế hệ thứ 5 đối với Trung Quốc là không thể.

 

Hiện nay Trung Quốc đang rất nỗ lực để khắc phục những hạn chế trên lĩnh vực này. Hãng Thẩm Dương Engin Groups đã bắt đầu sản xuất hàng loạt động cơ WS-10A có lực đẩy 12-13 tấn.

 

Bên cạnh đó, Hãng Thành Đô Engin Groups cũng đang tiến hành nghiên cứu, chế tạo động cơ WS-15 có lực đẩy 15 tấn. Cuối năm 2009 có thông tin cho rằng, Trung Quốc đã triển khai dự án chế tạo động cơ cho máy bay chiến đấu có lực đẩy 18 tấn tương đương với động cơ F135 trang bị cho máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ.

 

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo Armstrade)

 

 

Bình luận
vtcnews.vn