Thu phí vào phố cổ Hội An: 'Là để cho dân sống được'

Thời sựThứ Ba, 29/04/2014 11:17:00 +07:00

Xung quanh việc thu phí vào phố cổ Hội An khiến du khách phản ứng, ông Nguyễn Sự - Bí thư thành phố Hội An khẳng định việc thu phí là "để dân sống được".

Xung quanh việc thu phí vào phố cổ Hội An khiến du khách phản ứng, ông Nguyễn Sự - Bí thư thành phố Hội An khẳng định việc thu phí là "để dân sống được".

Tiền để trùng tu

- Việc thu vé phố cổ Hội An những ngày qua đã tạo nên một luồng sóng dư luận phản đối khá mạnh mẽ, lãnh đạo Hội An cũng đã nói rõ nguyên nhân là vì khâu thông tin chưa tốt, nên gây ra sự hiểu lầm, nhận sai. Ở đây, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong sự việc này, thưa ông?

Ông Nguyễn Sự: - Những ngày qua tôi cảm thấy rất nặng nề. Thực ra cái gì đúng thì mình cứ làm, mình sai người ta nói thì phải tiếp thu, để sửa.

Dù đây không phải việc của tôi nhưng là người đứng mũi chịu sào, tôi sẽ chịu trách nhiệm, nhận khuyết điểm. Tôi biết phải điều chỉnh, nên không đổ thừa cho ai hết.

- Một số ý kiến cho rằng, Hội An nên bỏ bán vé theo kiểu trọn gói, thay vào đó có thể bán vé theo từng điểm di tích, du khách có thể lựa chọn đi bao nhiêu điểm và trả tiền cho những địa điểm đó hoặc ít nhất là giảm mức thu vé. Xin ông cho biết quan điểm của Hội An?

Cả khu phố cổ là một quần thể di tích, còn các địa điểm tham quan là các nơi có điều kiện để mình tổ chức tham quan. Thực sự có những di tích đặc biệt loại 1, là một trong những quần thể hơn 1000 ngôi nhà tạo nên toàn bộ quần thể di tích phố cổ Hội An.

Cụ thể, có hơn 200 ngôi nhà đặc biệt loại 1, tất cả đều tham quan được hết, nhưng chưa tổ chức được điểm tham quan cho du khách. Các điểm di tích hiện nay đều thuộc khu phố cổ cho nên du khách nếu đi vào trong phố thì đã là đi vào cụm quần thể di tích, trong đó, bao gồm khu phố cổ và khu du khách tự chọn để đi vào. Từ những vấn đề như vậy, Hội An mới lựa chọn một cái chung để quản lý du khách.
 Ông Nguyễn Sự - Bí thư thành phố Hội An (áo trắng)
Bên cạnh đó, tất cả những nhà dân trong phố cổ đều giữ gìn những căn nhà vì nhà cổ, như là giữ gìn 1 thành phố của toàn thể, quần thể di sản.

Nhà toàn làm bằng gỗ, cho nên mỗi lần xuống cấp, sửa chữa nhà gỗ rất đắt, sửa chữa nguyên gốc càng đắt hơn. Bởi gỗ thì là gỗ nhóm 1, nhóm đặc biệt, thấp hơn thì lại không dùng được.

Những người dân cũng ở trong phố cổ thì không có tiền sữa chữa, nên nếu không có 12% trích lại từ tiền tham quan thì dứt khoát là xuống cấp thì phải chịu. Bởi vì, họ phải giữ khu nhà đó, không được buôn bán mặt tiền, mà sửa ngôi nhà hàng tỷ, nhiều nhà chi 3 - 4 tỷ đồng thì nhà nước phải có nguồn kinh phí hỗ trợ.

Tóm lại, toàn bộ không gian kiến trúc Hội An là một di tích tổng thể không thể tách rời, trong đó có những điểm tham quan, lấy tiền để trùng tu lại di tích.

Hội An không giống Huế hay Angkor

- Hiện nay, Huế cũng đã thực hiện việc đi địa điểm nào thì thu tiền địa điểm đó, ngay cả các khu du lịch trên thế giới, nhiều nơi đã làm như vậy và họ rất thành công. Tại sao Hội An không học hỏi những mô hình đó?

Hội An có dân sống trong phố cổ, khác hoàn toàn kinh đô Huế, đền Mỹ Sơn, thậm chí cả Angkor của Campuchia. Đó là di tích có người sống, họ phải ra vào, người thân, người quen cũng phải qua lại. Chúng ta cũng không thể để phố chết, người dân tạo nên linh hồn cho phố, làm cho phố cổ nhưng luôn có sức sống mới.

Cho nên thành phố mới tổ chức không để xe gắn máy đi vào phố cổ, chỉ cho đi xe đạp, đi bộ, để du khách, công dân thư thái yên ả, đi vào sẽ tận hưởng được không gian êm đềm.

Khi du khách vào nhiều thì người bán hàng được hưởng lợi nhiều hơn, điều đó vì mục đích để dân sống được. Trong đó, phải tính đến việc bán vé làm sao không ảnh hưởng đến cuộc sống, hạnh phúc của người dân.

Có điều đã làm từ 1995 đến nay, tồn tại nhiều bất cập, thứ nhất, cũng có nhiều công ty lữ hành rất tốt vào trong phố mua đồ cho khách đàng hoàng, giới thiệu khách, chăm sóc chu đáo, bên cạnh đó cũng có nhiều hướng dẫn viên lấy tiền của khách nhưng thả khách đi tự do, không mua vé cho khách, dẫn đến tình trạng du khách phản ứng khi bị mất tiền 2 lần.

Thứ 2, có những du khách ở phố cổ hàng tháng đã mua vé tham quan rồi, nhưng mỗi lần đi mua đồ ăn uống, lại kiểm soát vé, điều đó là bất hợp lý. Rồi khách Việt Nam đi tham quan là vấn đề khác, nhưng vào thăm gia đình cũng thu vé, cũng chặn lại mua vé thì ai chả phản ứng, có nghĩa khi làm thì thông tin cung cấp cho du khách không kịp thời. Như vậy có nhiều nguyên nhân chứ không phải do việc bán vé.

- Có nghĩa Hội An vẫn sẽ tiếp tục triển khai công tác bán vé của mình và vẫn theo hình thức trọn gói?


Cho đến nay, tôi khẳng định Hội An vẫn tiếp tục bán vé, phương thức bán ra sao cho thuận lợi thì sẽ tính sau, điều cần làm là làm sao du khách đến Hội An thấy nhẹ nhàng, không bị quấy rầy khi mua vé.
 Phố cổ Hội An
Vẫn phải chống thất thu nhưng không vì vậy mà làm mất hình ảnh Hội An trong mắt bạn bè và làm sao không ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân phố cổ.

Mấy hôm nay tôi cũng đi quanh phố, tôi thấy, du khách đến Hội An không ai là không muốn mua vé nếu chúng ta giải thích một cách cặn kẽ để người ta góp phần vào bảo vệ trùng tu di sản này.

- Để làm cho du khách cảm thấy vui vẻ khi đến với Hội An, điều này có khó khi hiện nay, việc thu vé đang gây nhiều tranh cãi, bức xúc. Hội An đã có những giải pháp ban đầu?

Có nhiều giải pháp chúng tôi đã tính đến: Thứ nhất, các đơn vị lữ hành, các khách sạn, khu du khách đến thì sẽ hướng dẫn họ đến phố cổ thì phải mua vé, giữ lại cùi vé thì sẽ đi lại được rất nhiều lần trong phố cổ nếu họ còn ở lại đây. Không cần kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở những lần tiếp theo.

Thứ hai, nếu khách quên mua vé, thì chào mời họ tham quan, các HDV mà bỏ khách cho đi tự do, thì chỉ cần hỏi du khách ai tổ chức đi tuor chuyến này, còn lại khách không có lỗi gì, sau đó làm việc với công ty lữ hành.

Hơn nữa, cho đến nay du khách không phản ứng chuyện bán vé mà chỉ phản ứng thái độ của người bán vé. Hội An có đến 9 cửa ngõ ra vào, chứ không như Huế, Angkor chỉ có 1 cửa ngõ ra vào.

Tài chính luôn minh bạch

- Có ý kiến cho rằng, tại sao Hội An không thực hiện chính sách, chia nhỏ gói tham quan để du khách lưa chọn. Một là, gói bao gồm cả 22 điểm di tích cộng thêm phí tham quan phố cổ. Hai là, chia nhỏ gói, 1 điểm tham quan là 20.000đ, nếu du khách đi 1 điểm thì sẽ không được giảm giá, nhưng nếu đi từ 3 điểm trở lên thì sẽ được giảm giá, càng đi nhiều điểm thì càng được giảm giá nhiều. Như vậy sẽ tạo ra sự khuyến khích du khách đi tham quan, quan điểm của ông ra sao, trước đề xuất này?

Một điểm tham quan là 20.000đ, du khách mua 6 điểm là 120.000đ, hiện nay vé của chúng tôi là quy định như vậy. Vì chúng tôi thiết nghĩ phải đi qua cả 6 điểm thì mới hiểu được hết Hội An.

Còn hiện tại, Hội An không tổ chức đi hết 22 điểm vì nó có sự trùng hợp, như nhà cổ thì có 4 -5 nhà cổ, vì nhà nào cũng giống nhà nào, chỉ chọn 1 cái, hay hội quán cũng tương tự như nhau thì chỉ chọn một hội quán thôi, điểm ca nhạc cũng vậy. Còn muốn đi nữa thì du khách có thể mua nếu có nhu cầu tham quan thêm.

Đề xuất đi nhiều thì giảm, Hội An không thể làm vậy. Hiện nay chúng tôi thực hiện, đi theo đoàn 10 - 15 người thì được giảm 1 vé. Nếu trường hợp đi 3,4 điểm thì không thể giảm giá, vì khi mình phát vé ra rồi thì tất cả đều vào hệ thống danh sách, nếu như vậy sẽ tạo ra không công bằng.

Tôi mua 120.000đ đi có 3 điểm, trong khi đi 6 điểm cũng mức giá đó, nên ở đây khuyến khích đi tận cùng để hiểu về Hội An. Như Angkor chúng ta có đi hết đền đâu, nhưng vẫn phải mua vé đầy đủ.

 - Tính đến thời điểm này, lượng du khách đến Hội An ra sao?

Du khách đến Hội An vẫn tăng đều, thái độ du khách rất vui vẻ, bởi chúng tôi đã có sự điều chỉnh từ ngay sau khi phản ánh, không có gì gây phiền hà cho khách nữa.

Còn người dân không phẫn nộ về chuyện bán vé, mà chỉ là cách bán, soát vé mà thôi. Không bán vé lấy đâu tiền trùng tu? Người dân rất hiểu điều này.

Người dân, du khách có quyền phản ứng, có quyền phản đối, tất cả chúng tôi đều lắng nghe, cầu thị để từ đó điều chỉnh dần dần vấn đề bán vé, kể cả vấn đề bán vé, tổ chức tham quan cho tốt, vừa đảm bảo cuộc sống nhân dân, vừa đảm bảo sự hài lòng của du khách, một mặt hết sức tỉnh táo, nhìn nhận khách quan, thực tế. Cuộc đời này chỉ khi đi vào thực tiễn nó mới sinh ra đủ thứ, chứ lãnh đạo Hội An không dại gì làm để dân chửi.

- Thiết nghĩ, từ trước đến nay, du khách nước ngoài chưa bao giờ đặt nặng vấn đề đi du lịch mua vé đắt hay rẻ mà chỉ cần minh bạch về tài chính, Hội An cũng nên hướng tới điều này?

Tôi đảm bảo là Hội An làm tất cả mọi việc đều công khai, minh bạch, thậm chí nhân dân Hội An đều biết.

Ngoài chi phí 12% để lại cho 5 di tích, 15% dành cho bộ máy và in vé, còn lại 80% dành cho trùng tu, hỗ trợ nhà cổ, dành cho khoa học nghiên cứu về phố cổ, tổ chức hoạt động, đồng thời vệ sinh cho nhân dân, có nghĩa là phục vụ toàn bộ cho khu phố đó. Từ năm 2000 đến giờ hơn 100 tỷ dành riêng cho trùng tu.

Còn từ khi được công nhận di tích đến nay, tôi khẳng định UNESCO chỉ giúp Hội An hơn 30 triệu đồng, chứ không đến con số 1 triệu USD như nhiều báo thông tin.

Lý do vì sao lại phải tiếp tục bán vé, hiện nay, tiền bán vé tham quan, đơn cử như từ năm 2000 cho tới giờ được 250 tỷ đồng, chi trực tiếp cho các di tích là 12%, chi phí cho bộ máy hoạt động là 15%. Còn lại 160 tỷ (nghĩa là trên 70%) dành cho trùng tu phố cổ.

Từ trước đến giờ đã trùng tu hết 104 tỷ, trong đó Ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ 30 tỷ, các tổ chức trên Thế giới ủng hộ 3 tỷ, còn lại, Hội An dùng số tiền 70 tỷ để trùng tu. Tiền nghiên cứu khoa học về phố cổ là 15 tỷ, tiền làm các lễ hội trong phố cổ là 35 tỷ. Tất cả đều tạo nên diện mạo Hội An.

Theo Đất Việt


Bình luận
vtcnews.vn