Thư Nam Phi: Châu Phi sợ hãi!

Tổng hợpThứ Ba, 22/06/2010 01:55:00 +07:00

(VTC News) – “Châu Phi sẽ sạch bóng sau vòng bảng”. Lời dự đoán ấy đã vượt qua Ấn Độ Dương, “hạ cánh” xuống Nam Phi, đẩy cả lục địa này vào cơn sợ hãi...

(VTC News) –  Ở Việt Nam, một chuyên gia được mệnh danh là “Mourinho Việt” – HLV Lê Thụy Hải - đã dự đoán: “Châu Phi sẽ sạch bóng sau vòng bảng”. Lời dự đoán ấy đã vượt qua Ấn Độ Dương, “hạ cánh” xuống Nam Phi và hiện dần sự thật, đẩy cả lục địa này vào cơn sợ hãi.



                      Hữu Nam - đặc phái viên VTC News từ Johannesburg

1. Loftus Versfeld đêm 16/6, từ đường Park, đường Kirkness hay đường Jorissent, đến các bãi cỏ rộng thênh thang bên ngoài sân đấu này, hàng nghìn người Nam Phi đã tụ hội nhảy múa, hò hét, thổi Vuvuzela inh ỏi, lấn át tất cả. Họ có cớ để ăn mừng, để hy vọng, để đốt lửa trong lòng trước trận đấu thứ hai của đội bóng chủ nhà sau khi đã có ngày ra quân không đến nỗi.

Xen lẫn trong đám đông là hai dòng nhiệt huyết, nửa hoang dại đến trần tục theo kiểu thổ dân, nửa văn minh hiện đại theo dòng người Nam Phi có màu da trắng. Nhưng tựu chung là dòng dân tộc hợp nhất Nam Phi. Bóng đá xóa tan mọi ngăn cách.

Nhưng rồi mọi thứ đã đảo ngược đến không thể tin nổi chỉ sau 90 phút trái Jabulani lăn trên mặt cỏ của cái sân có sức chứa ngót ngét 50 nghìn chỗ ngồi ấy. Cả Pretoria im lặng, dòng người mang Vuvuzela, khoác áo Bafana bafana rời Loftus Versfeld trong im lặng. Họ như không thể tin nổi khi đoàn quân của Calos Parreira thua trắng 0-3 trước Uruguay cùng chiếc thẻ đỏ rời sân của thủ thành Khune. Bóng đá bỗng dưng thành nỗi khổ đau, sợ hãi. Pretoria đêm 16/6 biến Nam Phi thành ngọn đèn đặt trước giông gió ở mũi Hảo Vọng.

Hàng nghìn người Nam Phi đã đến nhà thờ để cầu nguyện cho các Bafana bafana hôm Chủ Nhật vừa qua (Ảnh: AP)


2.
Tôi trở về Johannesburg để đắm mình vào giấc ngủ sau một đêm rã rời và thất vọng tại Pretoria. Lúc choàng tỉnh cũng là lúc trận đấu Nigeria và Hy Lạp ở Mangaung chuẩn bị khởi tranh. Những thanh âm Phi châu lại kéo tôi ra khỏi nhà để đến Fan Fest ở khu Sandton.

Và đến để gặp cảnh Elimi gục xuống bàn nhậu khi cốc bia cuối cùng chưa uống hết. Anh gục xuống không phải vì say, mà vì đội bóng của anh vừa để thua Hy Lạp. Cơ hội cho Nigeria sau trận đấu đó cũng không hơn không kém Nam Phi.

“Không thể tin nổi, chúng tôi đã thua Hy Lạp, cơ hội để chúng tôi đi tiếp giờ chỉ là 1%. Đáng ra chúng tôi có thể tự quyết định lấy tấm vé thứ 2 của bảng đấu nếu giành được chiến thắng. Nhưng rất tiếc…”- Elimi vò đầu giãi bày trong ánh mắt rớm lệ.

3. Chiều 19/6, Royal Bafokeng ở Rustenburg thành một cơn ác mộng nữa với một đội bóng châu Phi. Đó là Ghana. Họ lại không tự định đoạt được chính mình khi để Australia cầm hòa 1-1 sau khi đã có được chiến thắng 1-0 trước Serbia trong ngày ra quân. Cơ hội nào cho thầy trò HLV Milovan Rajevac khi trước đó không lâu, Serbia đã làm nên cơn địa chấn bằng việc bẻ cong nòng pháo của xe tăng Đức. Trận đấu cuối cùng của Ghana sẽ là trận chiến sinh tử với người Đức. Ghana sẽ chiến đấu ra sao khi mà ông lớn Đức cần chiến thắng để có mặt vòng 2. Thêm một nỗi sợ hãi nữa giáng xuống châu Phi.

Nỗi thất vọng thành sợ hãi của một CĐV Ghana (Ảnh: Getty Images)

4.
Chiều 20/6, Loftus Versfeld ở Pretoria tiếp tục thành “tử địa” của một đội bóng châu Phi. 24h giờ sau nỗi thất vọng của người Ghana, đội bóng Cameroon đã “tiên phong” cho tấm vé khứ hồi rời Nam Phi sớm nhất khi để Đan Mạch thắng ngược 2-1. Những chú sư tử bất khuất đã phải cúi đầu ngay trên lục địa của mình. Những Samuel Eto’o, Alexandre Song, Stephane M’bia… bất khuất thành bất lực ở cuộc chơi chỉ sau hai lượt đấu.

“Tôi không rời nơi đây dù chúng tôi đã không còn cơ hội đi tiếp. Tình yêu này dù bị tổn thương, bị tan vỡ nhưng vẫn phải trọn vẹn cùng họ” – Mdzana, môt CĐV Cameroon đi vào câu chuyện châu Phi sợ hãi của tôi lúc tan trận bên ngoài Loftus Versfeld.

Trong giọng nói của Mdzana có một nỗi đau sâu thẳm khiến nước mắt anh chảy ngược vào trong. Sư tử Cameroon vừa làm Mdzana tổn thương nhưng Mdzana không muốn họ bỏ cuộc. Anh ở lại để chờ một lần gầm vang của chúa tể rừng già châu Phi hoang dã trước cơn lốc da cam.

5. Chỉ trong chưa đầy một tuần lễ, cung đường Pretoria – Johannesburg thành cung đường buồn vời vợi với một người đã có 5 năm gắn bó cùng nắng, gió, cát châu Phi như tôi. Những niềm tin, hy vọng cũng theo cung đường này rụng rơi khi lần lượt Nam Phi, Ghana, Cameroon, người thì bị loại, kẻ mong manh số phận.

Tất cả niềm hy vọng của lục địa đen đổ dồn về Soccer City đêm 20/6 chờ màn đấu của “Bầy voi rừng” - Bờ Biển Ngà - với các vũ công Samba. Và cũng như bao niềm hy vọng trước đó, châu Phi lại sụp đổ. Bờ Biển Ngà chỉ là bầy voi to xác chậm chạp quẩn chân trước những màn múa rực lửa của đội bóng Nam Mỹ. Brazil “xịn” đã biến đoàn quân của HLV lão làng Sven Goran Eriksson thành những diễn viên trong bữa tiệc xiếc thú dưới cây roi điện của Dunga.

Cơ hội nào để những fan của Bờ Biển Ngà ăn mừng? (Ảnh: Getty Images) 

Cơ hội cho Bờ Biển Ngà vẫn còn đó nhưng họ có đè bẹp được Triều Tiên tới hơn 7 bàn thắng để có một chỉ số phụ thuận lợi trong trường hợp "Brazil châu Âu" bại trận trước Brazil “xịn”? Xét đến cửa của Bờ Biển Ngà lại càng tăng thêm nỗi sợ hãi cho bao người châu Phi.

Cả châu Phi lúc này phó thác niềm tin lên đội bóng phía Bắc lục địa, Algeria? Xin thưa không! Đội bóng của mảnh đất từng là nơi huyền thoại Zidane sinh ra không có nhiều cơ hội để viết một câu chuyện cổ tích trước Mỹ sau khi đã cầm hòa một ĐT Anh chơi mờ nhạt. Mỹ không dễ để cho Algeria đoạt tấm vé vào vòng 2 trong tay mình đến thế đâu. Thế nên, người Algeria cũng nhấp nhổm trong một nỗi sợ hãi chung của cả châu lục.

6. Theo một thống kê, mỗi năm ở Tanzania có khoảng gần 100 người “làm mồi” cho sư tử châu Phi và khoảng gần 300 người khác trên thế giới có chung số phận. Trong khi đó những chú voi rừng châu Phi cũng dùng vòi quật ngã hoặc giày xéo khoảng 600 người chết mỗi năm. Bên cạnh đó, là cơn giận dữ bất thình lình của trâu rừng, cá sấu… hay nhiều loài động vật hung hãn khác ở châu lục này.

Cả châu Phi đang chìm trong những nỗi sợ hãi (Ảnh: Getty Images) 

Lục địa đen luôn chứa trong mình sự hoang dã và những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ thế giới thiên nhiên. Đó có thể chỉ đơn thuần là bản năng sinh tồn hay sự đấu tranh bảo về giống lòi trước tác động của con người. Và ở một góc độ nào đó, sự đáp trả của chúng gây tổn hại, sợ hãi tới con người. Còn trên một bình diện lớn hơn, những động vật Phi châu vẫn được người lục địa đen coi là biểu tượng sức mạnh. Thế nhưng lần lượt “Đại bàng xanh”, “Voi rừng”, “Sư tử bất khuất” … - những hệ giá trị biểu tượng - lại cũng đang làm cả châu Phi sợ hãi!

Hữu Nam(từ Johannesburg, Nam Phi)

Bình luận
vtcnews.vn