Thu hồi công văn ‘giải cứu’ cát tặc

Thời sựThứ Bảy, 05/01/2013 07:03:00 +07:00

(VTC News) - Sà lan khai thác cát trái phép nên thanh tra tài nguyên môi trường tịch thu phương tiện nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng lại chỉ đạo khác.

(VTC News) - Phát hiện sà lan khai thác cát trái phép, thanh tra tài nguyên môi trường ra quyết định xử phạt, tịch thu phương tiện nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng lại chỉ đạo khác.

Chuyện xảy ra cách nay nửa năm khi ngày 18/4/2012, hàng chục người phục kích vây bắt sà lan VL-11695 đang khai thác cát trên sông Hậu thuộc địa phận ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm (Kế Sách, Sóc Trăng).

Cảnh sát giao thông đường thủy có mặt phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sóc Trăng làm việc với người điều khiển sà lan khai thác cát là ông Nguyễn Văn Điệp (38 tuổi, ngụ Long An) và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện.

Hay tin sà lan VL-11695 bị tạm giữ, bà Huỳnh Thị Phụng (vợ của ông Nguyễn Văn Mười Ba - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hữu Lợi ở tỉnh Vĩnh Long) tìm đến cơ quan chức năng cho rằng trách nhiệm liên quan đến sai phạm thuộc về ông Điệp.

Bà Phụng cho rằng ông Điệp đã điều khiển phương tiện khai thác không đúng vị trí chớ bà không hề chỉ đạo khai thác cát sai vị trí vì doanh nghiệp có giấy tờ được quyền khai thác cát của tỉnh...Vĩnh Long. 
Ông Hiếu ký công văn thu hồi công văn số 769 từng bị cho là "giải cứu cát tặc". Ảnh: Ái Nam 
Qua xác minh cho thấy bà Phụng đã được chồng ủy quyền ký hợp đồng gia công khai thác cát với Công ty TNHH Một thành viên Trương Đức Huy. Tuy nhiên, Doanh nghiệp Trương Đức Huy được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp phép khai thác tại mỏ cát thuộc ấp Long Hưng, xã cù lao Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Còn tại Sóc Trăng, hai doanh nghiệp này hoàn toàn không có giấy phép khai thác cát của cơ quan chức năng cấp.

Từ sai phạm của ông Điệp, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sóc Trăng với các ngành chức năng thống nhất cho Thanh tra Sở phạt tiền 15 triệu đồng đối với ông Điệp vì hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép. Hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Sau đó, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sóc Trăng gửi báo cáo số 35 ngày 28/5/2012, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng để nêu quan điểm xử lý là ngoài phạt tiền còn tịch thu tang vật theo khoản 3, điều 1, Nghị định 77 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoán sản.

Ngày 14/6/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hiếu có công văn số 769 chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sóc Trăng có ý kiến đối với Chánh Thanh tra Sở này thực hiện xử lý hành vi vi phạm hành chính của ông Điệp.

Tuy nhiên, công văn 769 của ông Hiếu không chỉ đạo việc phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm. Từ đây, dư luận cho rằng văn bản 769 đã “giải cứu cát tặc” trong khi người dân ven sông Hậu mất ăn mất ngủ vì tình trạng sạt lở do nạn khai thác cát trái phép.

Càng bức xúc hơn khi trước đó một tuần, ngày 8/6/2012 Phó Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường là ông Tô Văn Đáp có văn bản số 177 đồng quan điểm với hướng xử lý của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sóc Trăng là xử lý vụ việc theo hướng phạt tiền là hình phạt chính, phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm quy định tại tiết b, điểm 6, khoản 3, điều 1 của Nghị định 77 của Chính phủ.

Trước dư luận không đồng tình về văn bản “giải cứu cát tặc”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phải ký công văn số 915 thu hồi công văn 769 do chính ông Hiếu chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sóc Trăng về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Qua vụ việc cho thấy việc chỉ đạo xử lý vụ việc theo kiểu “tiền hậu bất nhất” làm cho người dân hoài nghi.

Ái Nam
Bình luận
vtcnews.vn