Thót tim cảnh đánh đu sinh mạng trên 'cầu tử thần'

Thời sựThứ Bảy, 01/03/2014 11:40:00 +07:00

Cầu phao Vồm bắc qua sông Chu nối giữa hai xã Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hóa) và Thiệu Khánh (TP. Thanh Hóa) chòng chành, xuống cấp, thường xuyên xảy ra chết người.

Cây cầu nguy hiểm
Theo phản ánh của người dân, cây cầu phao Vồm đã có cách đây vài chục năm. Nơi đây cũng đã không ít người bỏ mạng lại cho “hà bá”, nhẹ cũng dập phổi, vỡ gan. Còn các vụ người và xe lao xuống sông thì xảy ra như cơm bữa.
Người dân cho biết, mấy năm trở lại đây cầu phao xuống cấp trầm trọng. Nhiều đoạn ván, gỗ trên cầu mục nát. Có những đoạn chắp vá nham nhở, buộc sơ sài bằng những sợi thép hoen gỉ nên người dân mỗi lần đi qua cầu như phải đối mặt với tử thần.
Bà Nguyễn Thị Thắm (xã Thiệu Hợp) cho hay, cầu phao này phục vụ đi lại cho khoảng 5 xã lân cận. Mỗi lần đi qua cầu người dân phải nộp phí như: xe đạp 2.000đ, xe máy 5.000đ, xe máy đi hai người thì 7.000đ. Mỗi lần tàu hay xà lan chở cát đi ngang qua khúc sông này cũng đều phải mất phí mở cầu.
“Bản thân nhà tôi mỗi lần muốn đi xuống thành phố hay đi thị trấn Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa) thì đều phải đi qua cây cầu này. Biết là nguy hiểm, song nếu đi đường chính phải mất 7 đến 8 cây số, qua cầu phao này chỉ 3km”, bà Thắm cho biết.
Cũng theo bà Thắm, mỗi năm tại cây cầu này ít nhất chết một người, còn bị ngã và bị thương thì nhiều không thể đếm xuể.
Mỗi năm ít nhất một người chết
Như hai năm trở lại đây năm nào cũng có người chết. Mới đây nhất là ngày 11/2/2014, một sinh viên nữ trường Cao đẳng Y Thanh Hóa (xã Thiệu Hợp) khi đi qua cầu bị trượt ngã xuống sông, mãi hai ngày sau mới tìm thấy xác.
Trước đó, ngày 16/2/2013, cũng có một thanh niên (xã Thiệu Khánh) đi xe máy qua cầu bị nước cuốn trôi…
Sở dĩ người dân bức xúc không phải vì thu phí cao hay thấp. Mà xã là người trực tiếp quản lý cầu phao này nhưng thiếu trách nhiệm, không chịu tu sửa, thậm chí không có người canh gác nên mới xảy ra những cái chết thương tâm như vậy.
Trao đổi, ông Hoàng Huy Chung, Chủ tịch UBND xã Thiệu Khánh cho biết, cầu phao Vồm là do hai xã Thiệu Hợp và Thiệu Khánh quản lý, tính từ giữa cầu. Hai xã đã cho thầu lại với giá 70 triệu đồng/ năm để lấy tiền nộp ngân sách xã.
Ông Chung cũng thừa nhận rằng, tại cầu phao này năm nào cũng có người bị chết. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn bên phần cầu nào thì bên đó phải chịu trách nhiệm!
“Để đảm bảo cho người qua cầu, hàng ngày xã đều cử công an xã ra kiểm tra. Tuyệt đối nghiêm cấm các phương tiện đi xe trên cầu, nếu bắt được sẽ bị phạt. Mấy năm trước nghe đâu cũng có dự án xây cầu cứng thay thế cầu phao này, đã thấy có người về khảo sát, đo đạc nhưng đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì”, ông Chung nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Bản, Chánh văn phòng UBND TP Thanh Hóa cho biết, việc quản lý cầu phao Vồm là do cấp xã. Khi xã đã cho các đơn vị, cá nhân khác thuê thầu lại thì phải có trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động của họ về tu sửa cũng như trách nhiệm.
“Về việc này chúng tôi sẽ báo cáo lên thường trực ủy ban để có hướng chỉ đạo, xử lý”, ông Bản cho biết.
Thót tim, sinh mạng, cây cầu tử thần, Thanh Hóa
Cầu phao chòng chành bắc qua sông Chu
Thót tim, sinh mạng, cây cầu tử thần, Thanh Hóa
Người dân đứng giữa sông chờ cho tàu cát đi qua
Thót tim, sinh mạng, cây cầu tử thần, Thanh Hóa
Ai dám chắc những tàu cát trọng tải hàng trăm tấn không đâm vào cầu?
Thót tim, sinh mạng, cây cầu tử thần, Thanh Hóa
Người dân ngang nhiên đi xe máy trên cầu
Thót tim, sinh mạng, cây cầu tử thần, Thanh Hóa

Thót tim, sinh mạng, cây cầu tử thần, Thanh Hóa
Những chỗ nối để miếng ván sơ sài

Bình luận
vtcnews.vn