Thứ trưởng Ngoại giao bình luận việc Tổng thống Mỹ cầm lá cờ Việt Nam trưa 27/2

Thời sựThứ Tư, 27/02/2019 16:05:00 +07:00

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung vừa trả lời báo chí về việc Tổng thống Mỹ cầm lá cờ Việt Nam vào trưa 27/2.

Chiều nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung trả lời báo chí ngay tại Trung tâm báo chí quốc tế, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội.

IMG_7895

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung trả lời báo chí chiều 27/2. (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Ông bình luận gì về việc Tổng thống Mỹ D. Trump cầm lá cờ của Việt Nam trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào trưa nay 27/2?

Tôi cho rằng, hai quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ cũng như với các quốc gia khác khi đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau, công nhận thể chế của nhau, công nhận 2 nhà nước của nhau, với lãnh đạo, khi cầm cờ quốc gia khác thể hiện sự tôn trọng với quốc gia khác, với chính quốc gia mình, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng nhân dân hai nước.

- Ông có thể tiết lộ nội dung làm việc trong chuyến thăm chính thức của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Việt Nam lần này?

Điều này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam với mối quan hệ truyền thống của Việt Nam với Triều Tiên. Năm 2019 cũng là năm kỷ niệm 55 năm ngày cố Chủ tịch Kim Nhật Thành sang năm Việt Nam, dịp này nhằm khẳng định sự coi trọng của Việt Nam với mối quan hệ giữa hai nước và bàn biện pháp tăng cường phát triển mối quan hệ đó.

trump

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Văn phòng Chính phủ trưa ngày 27/2. (Ảnh: Chính Phủ)

- Thưa ông, khó khăn và thuận lợi của Việt Nam trong lần tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều như thế nào?

Khó khăn lớn nhất là Hội nghị có thời gian chuẩn bị rất ngắn, chưa đến 10 ngày.

Thứ hai, các bên yêu cầu chúng ta đứng ra tổ chức hội nghị chứ không phải là bên tham gia hội nghị nên rất nhiều thông tin do yêu cầu của phía Triều Tiên và Hoa Kỳ chúng ta phải giữ kín, có những cái chúng ta không được biết.

Thứ ba, mặc dù chỉ mấy ngày diễn ra hội nghị song phương của 2 nước nhưng quy mô tổ chức lại rất lớn, nhất là thiếu thông tin cho nên hoạt động của chúng ta gặp nhiều khó khăn.

Về mặt thuận lợi, lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm, coi trọng và thường xuyên trực tiếp chỉ đạo. Như các bạn thấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục, trực tiếp chỉ đạo các mặt nội dung, an ninh, hậu cần…

Và một điều nữa, hai nước Mỹ- Triều Tiên đều có niềm tin và cộng đồng quốc tế rất ủng hộ để có hoạt động này.

Thêm nữa, chúng ta đã có kinh nghiệm các hội nghị quốc tế, đất nước có an ninh, an toàn, ổn định chính trị đó là điều kiện hết sức quan trọng, nhân dân hết sức ủng hộ, người dân rất hoan nghênh phấn khởi và cũng rất tự hào Việt Nam được chọn đứng ra tổ chức hội nghị lần 2.

Clip: Hành động bất ngờ của Tổng thống Trump khi hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

- Xin Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về thời gian chuẩn bị của hội nghị thượng đỉnh lần này?

Thời gian chỉ khoảng 10 ngày, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo hoàn tất các công việc vào ngày 23/2. Như các bạn đã biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố là ngày mùng 6 trong Thông điệp liên bang và đưa lên Tweet vào mùng 8. Thực chất, chúng ta nắm chắc được vấn đề đó từ khoảng giữa tháng 2, và tới ngày 23 phải hoàn tất.

Vậy là chưa tới 10 ngày, chúng ta huy động một lực lượng rất lớn công an, quân đội, các bộ ngành, TP Hà Nội, các địa phương.

Lần này không chỉ diễn ra hoạt động song phương giữa 2 nước mà còn là dịp lãnh đạo cấp cao của Mỹ, Triều Tiên hội kiến, thăm chính thức hữu nghị với Việt Nam. Việc chuẩn bị các khâu hậu cần, nội dung giữa các buổi làm việc, ký kết… rất nhiều. Ngày hôm nay, phái đoàn của Triều Tiên đang đi thăm Hạ Long, Quảng Ninh, TP Hải Phòng để giới thiệu về các thành phố và kinh nghiệm phát triển của Việt Nam.

- Xin ông chia sẻ về ý nghĩa của việc Hà Nội được lựa chọn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai này?

Hà Nội là thủ đô có ngàn năm văn hiến, trái tim của Việt Nam. Các bạn thấy đã có nhiều bài hát về Hà Nội là niềm tin và hy vọng, một thời đạn bom nhưng cũng là một thời hòa bình. Tôn trọng với lịch sử truyền thống đấu tranh dựng và giữ nước, UNESCO đã trao cho Hà Nội biểu trưng là Thành phố vì Hòa bình và giờ đây được tổ chức một hội nghị hòa bình thực sự rất có ý nghĩa là như vậy.

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn