Hệ thống kênh, rạch đa dạng, vì sao giao thông đường thủy ở TP.HCM không phát triển?

Thời sựThứ Bảy, 27/04/2019 11:56:00 +07:00

Có hệ thống hơn 110 tuyến kênh, rạch với 1.000km đường sông bao quanh, nhưng hệ thống giao thông đường thủy tại TP.HCM còn thấp, chưa xứng với tiềm năng.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cảng biển và giao thông đường thủy tại thành phố đến năm 2030.

Theo đó, từ tháng 11/2017, loại hình buýt đường sông đã được triển khai tại TP.HCM. Nhưng thực tế, tuyến buýt đường sông mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch chứ chưa thể hiện đúng chức năng chở khách công cộng.

Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM cũng nhận được đề nghị cho phép triển khai loại hình taxi đường thủy của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa có tiêu chí riêng cho quản lý hoạt động của loại hình vận tải này cho nên đến nay Sở GTVT vẫn chưa thể thực hiện.

Theo Sở GTVT, TP.HCM không chỉ có mạng lưới đường thủy nối kết liên tỉnh mà còn có mạng lưới đường thủy nội đô phong phú. Các kênh, rạch nội đô đi qua hầu hết các khu đô thị và dân cư.

buyt-duong-song-o-tphcm

 Buýt đường sông ở TP.HCM được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2017 nhưng đến nay chưa đưa lại được hiệu quả như mục tiêu đề ra trước đó.

Được biết, TP.HCM hiện có hơn 110 tuyến sông, kênh rạch, 1.000km đường sông bao quanh. Hệ thống kênh, rạch này không chỉ mang ý nghĩa thông thoát nước, điều hòa môi trường mà còn đóng vai trò đáng kể trong vận tải.

Các tuyến liên tỉnh có khả năng nối kết TP.HCM với các tỉnh khu vực phía Nam, nối kết liên vùng, chắp nối miền Trung, miền Bắc, thậm chí là giao lưu quốc tế.

Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư cho phát triển hệ thống giao thông tại TP.HCM chủ yếu tập trung vào đường bộ. Trong khi đường thủy nội địa là phương thức vận tải có chi phí thấp hơn nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng. Nếu tận dụng được hệ thông này, giao thông thủy sẽ “chia lửa”, giảm tải hiệu quả cho giao thông đường bộ.

Theo Sở GTVT, thành phố hiện vẫn còn tồn tại nhiều tuyến đường thủy đã xuống cấp do bồi lắng và cạn.

Ngoài ra, một số tuyến sông có các cầu bắc qua với khoảng cách thấp hoặc chướng ngại vật đã làm cản trở phương tiện thủy lưu thông như cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn, cầu Rạch Dơi trên tuyến Rạch Dơi - sông Kinh, tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến Giồng Ông Tố… Hệ thống cảng, bến thủy nội địa tại TP.HCM đa số kết cấu tạm, có năng lực xếp dỡ thấp, sử dụng công nghệ thiết bị bốc xếp còn thủ công.

giao-thong-duong-song-sai-gon

 Dù có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt nhưng giao thông đường thủy ở TP.HCM lại không phát triển đúng tầm.

Bên cạnh đó, do dự án quy hoạch đang tạm ngưng vì công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án còn chậm, nhiều vướng mắc, nên hoạt động của các bến thủy nội địa hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời.

Các tổ chức, doanh nghiệp vận tải đường thủy tại TP.HCM đa số còn nhỏ lẻ, phần lớn là phương tiện cá nhân và gắn với thói quen tập trung vào hàng rời đã hạ thấp tiềm năng loại hình vận chuyển bằng đường thủy nội địa.

Vì vậy, các chủ bến, chủ khai thác bến chưa mạnh dạn đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị xếp dỡ… dẫn đến hiệu quả khai thác thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của mạng lưới giao thông đường thủy của thành phố.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn