Hải Dương 'chỉ báo cáo lại khi Chính phủ yêu cầu'

Thời sựThứ Năm, 26/09/2013 11:24:00 +07:00

Ông Hoàng Mai Khương - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết: "Chỉ khi nào Văn phòng Chính phủ yêu cầu, chúng tôi mới báo cáo lại”.

Ông Hoàng Mai Khương - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết: "Chỉ khi nào Văn phòng Chính phủ yêu cầu, chúng tôi mới báo cáo lại”.

Trong khi bản báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương trình lên Chính phủ về vụ cháy TTTM Hải Dương vào sáng 15/9 có nhiều điểm mâu thuẫn với sự thật khiến dư luận bức xúc, thì ông Hoàng Mai Khương - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết: "Chỉ khi nào Văn phòng Chính phủ yêu cầu, chúng tôi mới báo cáo lại”.

Như báo chí đã phản ánh, vào ngày 16/9, sau khi vụ cháy TTTM Hải Dương xảy ra gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng và ảnh hướng đến đời sống của gần 600 tiểu thương, UBND tỉnh Hải Dương đã có báo cáo lên Chính phủ với nội dung:  Khoảng 3h20’ ngày 15/9 mới phát hiện thấy cháy và lập tức tổ bảo vệ tiến hành công tác dập lửa tại chỗ, báo với Phòng cảnh sát PCCC Hải Dương.

Nguyên nhân sơ bộ của vụ cháy được xác định là do chập điện tại quầy bán vải thuộc tầng một. Tới 8h cùng ngày, lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy.

Tuy nhiên, báo cáo này có nhiều điểm mâu thuẫn khi ông Vũ Khắc Thuyết - Giám đốc BQL Trung tâm Thương mại Hải Dương, khẳng định theo quy chế, đúng 18h30 hàng ngày thì bảo vệ sẽ ngắt cầu dao điện ở TTTM và ngày 14/9 cũng không là ngoại lệ. Vậy khi TTTM không có điện thì chập cái gì?

 Vụ cháy TTTM Hải Dương khiến gần 600 tiểu thương lao đao, làm thiệt hại 500 tỷ đồng.
Vụ cháy TTTM Hải Dương khiến gần 600 tiểu thương lao đao, làm thiệt hại 500 tỷ đồng.
Hơn nữa, trong nội dung báo cáo này còn ngược hẳn với lời của hơn 500 tiểu thương về sự thật ở hiện trường. Theo đó, tất cả các tiểu thương và nhân dân sống xung quanh trung tâm đều khẳng định cháy từ lúc 1h sáng nhưng không gọi được lực lượng PCCC. Hơn 3h sáng, dân phải phi xe máy tới trụ sở PCCC đập cửa mới báo được.

Trước bản báo cáo Chính phủ có độ "vênh" lớn so với thực tế vụ việc xảy ra, ông Khương cho biết: “Tại sao lại phải xem xét, chỉ khi nào Văn phòng Chính phủ có yêu cầu thì chúng tôi mới báo cáo lại chứ”.

Ông Khương còn cho biết thêm: "Tôi soạn báo cáo này và chính tôi cũng là người có mặt tại hiện trường lúc 3h40, chứng kiến lực lượng PCCC làm việc hết trách nhiệm. Chính tôi đã điện báo cho lãnh đạo UBND tỉnh về vụ việc để xin ý kiến chỉ đạo...chứ không đơn giản chỉ tập hợp từ các ngành báo cáo lại”.

Vụ việc xảy ra được 10 ngày, nhưng tỉnh Hải Dương vẫn chưa đưa ra biện pháp hỗ trợ xây chợ tạm cho tiểu thương buôn bán.

Chiều ngày 24/9, nhiều tiểu thương vẫn tụ tập trước cổng UBND tỉnh Hải Dương đề đạt nguyện vọng nhanh chóng được bố trí chợ tạm để buôn bán trở lại.



Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn