Đoàn đại biểu TP.HCM: Tiền xây nhà hát 'để dành' từ năm 2014

Thời sựThứ Sáu, 26/10/2018 14:41:00 +07:00

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, tổng vốn đầu tư Nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng đã được thành phố "dành riêng từ năm 2014 từ nguồn đấu giá đất, không sử dụng cho mục đích khác".

Dự án xây dựng nhà hát tại khu đô thị Thủ Thiêm vừa được Hội đồng Nhân dân TP.HCM thông qua với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng. Ngay khi vừa công bố, dự án này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, tổng vốn đầu tư Nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng đã được thành phố "dành riêng từ năm 2014 từ nguồn đấu giá đất, không sử dụng cho mục đích khác".

Như vậy, theo đoàn TP.HCM, lẽ ra nhà hát này phải được khởi công xây dựng từ trước năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó lùi lại do có kết luận của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra một số nội dung liên quan tới khiếu nại công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm (tháng 9/2018), và thành phố đang tập trung xử lý, giải quyết. 

Các chi phí cần thiết để đền bù thiệt hại cho các hộ dân liên quan, thực hiện tái định cư... sẽ được lấy từ ngân sách dự trữ của thành phố năm 2018 và ngân sách 2019, sau khi được HĐND thông qua.

nha-hat-giao-huong-TP-HCM

 Nhà hát giao hưởng TP.HCM hiện phải thuê trụ sở để biểu diễn. (Ảnh: P.V)

Cũng theo đoàn đại biểu thành phố, 5 năm qua ngân sách dành để xây bệnh viện, trường học khoảng 34.600 tỷ đồng; so với chi phí đầu tư này thì chi phí dự kiến xây nhà hát chỉ chiếm trên 4%. 

Còn nếu so với tổng mức đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện giai đoạn 2006-2020 là 57.860 tỷ đồng, thì chi phí xây dựng nhà hát chỉ bằng 2,6% và chỉ bằng 0,42% nếu so với tổng chi ngân sách thành phố cùng giai đoạn.

"Từ năm 1975 đến nay, thành phố chưa xây nhà hát giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch nhưng đã xây hàng chục bệnh viện và hàng trăm trường học. Nếu so sánh chi phí xây dựng nhà hát với chi ngân sách thành phố trong 35 năm đổi mới thì chỉ chiếm khoảng 0,3%", báo cáo nêu.

Cũng theo đoàn đại biểu TP.HCM, các nhà hát hiện có của thành phố đều đã quá tải, có tuổi thọ vài chục năm tuổi, xuống cấp, trong khi nếu xây dựng một nhà hát mới với quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi... sẽ phục vụ được nhu cầu văn hóa và chính trị của hơn 10 triệu người thành phố và 33 triệu người dân phía Nam, khách du lịch quốc tế tới thành phố.

"Nhà hát Thủ Thiêm với quy mô 1.700 chỗ ngồi sẽ đáp ứng được các tiêu chí đặt ra", báo cáo nêu.

Về việc chọn Thủ Thiêm để xây nhà hát, đoàn đại biểu thành phố cho hay, địa phương đã tính toán một số vị trí ở quận 1 nhưng đều không phù hợp, phải ưu tiên giao thông và công viên phục vụ người dân. Quyết định đưa nhà hát về Thủ Thiêm vì có sự tương thích với nhiều công trình công cộng khác của khu đô thị như: trung tâm triển lãm, quảng trường trung tâm, công viên bờ sông...

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn