Thiếu tá CA gần 80 lần "đột nhập" hệ thống cấp biển xe

Thời sựThứ Hai, 06/12/2010 03:38:00 +07:00

(VTC News) - Thiếu tá Nguyễn Hoàng Nam, người vừa bị thôi chức Đội trưởng Đội Thông tin (Đội 2, P1, C67) đã gần 80 lần lén vào ngoài giờ hệ thống cấp biển số.

(VTC News) - Liên quan đến những sai phạm xung quanh phầm mềm cấp biển số xe tự động, sau tố cáo tiêu cực trong cấp biển số xe tại Hà Nội, Bộ Công an phát hiện hàng trăm lượt truy cập trái phép, ngoài giờ hành chính tại các cơ sở đăng ký xe tại đây.

Truy cập ngoài giờ do bận việc?

Trong đó, rất nhiều lần có tên truy cập của thiếu tá Nguyễn Hoàng Nam, người vừa bị thôi chức Đội trưởng Đội Thông tin (Đội 2, Phòng 1, Cục CSGT Đường bộ- Đường sắt – C67); hạ quân hàm xuống Đại uý và cho chuyển công tác khác.

Trước đó, Bộ Công an nhận được tố cáo với nội dung: Lợi dụng phần mềm cấp biển số tự động, một số lập trình viên kết hợp với thiếu tá Nguyễn Hoàng Nam (Cục CSGT đường bộ - đường sắt - C26) và một số CBCS làm công tác đăng ký xe của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC26) CATP Hà Nội đã cấu kết với nhau cùng các đối tượng ngoài xã hội tổ chức mua bán biển số trục lợi cá nhân.  Muốn thế, cán bộ đăng ký tại địa điểm đăng ký phải làm việc ngoài giờ tại cơ quan.


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa 


Qua công tác kiểm tra của Bộ Công an cho thấy, PC26 CATP Hà Nội có 4 cơ sở đăng ký xe ô tô: cơ sở 1 tại 86 Lý Thường Kiệt, cơ sở 2 tại số 2 Trần Phú (Hà Đông), cơ sở 3 tại số 1234 đường Láng và cơ sở 4 tại số 2 đường Long Biên 1. CATP Hà Nội ban hành văn bản quy định thời gian làm việc của CBCS sáng từ 8 – 12h, chiều từ 13h đến 17h, từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, những ngày đông dân có thể làm việc đến 17h30 cùng ngày; ngoài ra không bố trí CBCS làm việc ngoài giờ hành chính trên máy cấp biển số ngẫu nhiên.

Thời gian trực ngoài giờ: từ 17h đến 8h sáng hôm sau, nhiệm vụ trực để bảo vệ tài sản và phục vụ yêu cầu xác minh đột xuất. CBCS trực ngoài giờ không được làm việc trên máy bấm số.

Tuy nhiên, qua khai thác nội dung nhật ký trên máy bấm số của 4 cơ sở đăng ký ô tô PC26 CATP Hà Nội (từ tháng 1/2008 – 4/2010) thấy rất nhiều lần tên truy cập của thiếu tá Nguyễn Hoàng Nam (C26) và nhiều CBCS Đội quản lý xe đăng nhập vào hệ thống cấp biển số ngẫu nhiên trên máy vi tính ngoài giờ hành chính.

Cụ thể, cơ sở 1 có 201 lần trong đó 34 lần sau 22h; Cơ sở 2 có 74 lần, trong đó 6 lần sau 22h; Cơ sở 3 có 167 lần, trong đó có 37 lần sau 22h; Cơ sở 4 có 303 lần, trong đó 73 lần sau 22h. Trong đó, tên truy cập của thiếu tá Nam đăng nhập hệ thống 477 lần trong giờ hành chính và 79 lần ngoài giờ hành chính ở cả 4 cơ sở đăng ký xe nêu trên.

Lý giải về điều này, 19 CBCS Đội quản lý xe giải thích do ban ngày bận việc nên phải làm ngoài giờ để xuất dữ liệu, in danh sách, kiểm tra hồ sơ cấp biển số, bổ sung thông tin của chủ xe, phương tiện, hoàn thiện hồ sơ cấp biển số, bổ sung thông tin chủ xe…

Riêng thiếu tá Nam thừa nhận: Chương trình bấm số ngẫu nhiên tại 4 cơ sở đăng ký xe Phòng PC26 CATP Hà Nội từ trước đến nay chưa bị hỏng lần nào nên không phải sửa chữa. Ông Nam cũng giải trình, việc xuất hiện nhiều tên truy cập của Nam tại các Cơ sở đăng ký xe là do có nhiều người biết tên truy cập, mật khẩu của Nam nên có thể sử dụng để đăng nhập vào chương trình cấp biển số ngẫu nhiên tại các cơ sở đăng ký xe (!).

Bộ Công an: "Xử lý nghiêm cán bộ cảnh sát có sai phạm"

Kết quả nghiên cứu 282 hồ sơ đăng ký xe ô tô của PC26 CATP Hà Nội gồm: 37 biển số nêu trong đơn tố cáo, 45 biển số tứ quý, 100 biển số “đẹp” và 100 biển số ngẫu nhiên cho thấy: 10 cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe không yêu cầu chủ xe ký xác nhận dưới biển số được cấp, đã vi phạm Quy định số 02/QĐ-PC26 của Phòng PC26 CATP Hà Nội.

78 hồ sơ không đóng dấu tiêu đề “xe đăng ký ngày… tháng… năm…” và ghi biển số của xe vào góc bên phải của Giấy khai đăng ký xe và chứng từ nguồn gốc xe, đã vi phạm Quyết định số 1445/2008/QĐ-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều Quy trình đăng ký cấp biển số và quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ban hành.

29 hồ sơ cán bộ kiểm tra xe và cán bộ làm thủ tục không ghi họ tên, ghi họ tên không đầy đủ nét, dấu.

Kết quả kiểm tra dữ liệu phần mềm bấm số của PC26 CATP Hà Nội phát hiện, 174 biển số xe ô tô cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe không nhập địa chỉ của chủ xe vào máy vi tính khi làm thủ tục đăng ký cấp biển số.
Kết quả xác minh 9 chủ xe ô tô có biển số “đẹp” đăng ký tại Hà Nội, có 2 chủ xe thừa nhận việc đã chi tiền làm dịch vụ (từ 5 – 10 triệu/biển số) thông qua các đại lý bán xe ô tô để đăng ký xe; 2 chủ xe từ chối cung cấp thông tin; 5 chủ xe khẳng định không chỉ tiền để mua biển số.

Trên cơ sở này, lãnh đạo Bộ Công an giao Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo Phòng PC67 – CATP tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại 4 cơ sở đăng ký xe. Xử lý nghiêm đối với CBCS có sai phạm; trách nhiệm liên đới của chỉ huy Đội quản lý xe, lãnh đạo Phòng PC26 theo quy định.

Tháng 3/2010, phóng viên đã xâm nhập thực tế tại một số cơ sở đăng ký biển số tại Hà Nội. Tại cơ sở số 86 Lý Thường Kiệt, một "cò" biển số xưng tên là Hòa ra giá: đầu số tại điểm đăng ký này đang là đầu số 8, biển số có tổng 8, tổng 9 giá 4 triệu. Biển chọn (người đăng ký có thể chọn từng con số), thích số nào có số đó miễn số đó chưa có người chọn và chấp nhận… đợi ít ngày.

Cũng theo lời Hòa, tứ quý 8,9 hiện giờ không thể lấy được. "Mấy biển đó là biển “ngoại giao” của các sếp, có tiền cũng chưa chắc mua được. Các biển tứ quý khác như đầu 7, đầu 6 thì có thể lấy được, dao động từ 7.000 đến 10.000 USD", Hòa nói.

Tại cơ sở trên đường Trần Phú (Hà Đông), một "cò" biển số tự xưng tên Tuấn "chốt" giá: biển số 6868, chủ xe phải sẵn lòng chịu chi 12.000 USD. Đơn giản hơn, biển số tránh số “tịt”, số “phạm” có giá 5 – 10 triệu. Biển số tứ quý hiện Hà Nội (vào thời điểm tháng 3/2010) chỉ còn tứ quý 6, giá là 15 nghìn USD.

“Chú cứ chọn số nào chú thích, nhưng giá là từ 9 đến 10 nghìn. Vì anh phải ra ngoài Cục làm máy móc nọ kia. Mất khoảng 1 tuần vì anh còn phải làm “mã” ngoài kia…”, “cò” Tuấn khẳng định như đinh đóng cột.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên sau đó, Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết: “lâu nay dư luận có ý kiến khác nhau về chuyện cấp biển số. Trước đây thực hiện cấp theo thứ tự đơn giản, sau do có nhiều dư luận nên chuyển sang hình thức bỏ phiếu bốc thăm. Tuy nhiên, dư luận vẫn không hết vì thế phải chuyển sang phần mềm cấp biển số ngẫu nhiên nhưng nghe chừng còn nhức đầu hơn”.
 
Cũng theo Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, đã có đề nghị là bán biển số nhưng lại nảy sinh vấn đề khác, như thế nào là biển số đẹp; ví dụ có thể ở địa phương, vùng miền này là biển số đẹp nhưng sang nơi khác thì không. Rồi lại sinh ra một bộ phận đấu thầu…

“Cục CSGT chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm trong quá trình cấp biển số xe và tỷ lệ khá cao những xe sang trọng đeo biển số đẹp có thể là... ngẫu nhiên. Tới đây Cục CSGT sẽ có biện pháp
mới, kiểm tra, phòng ngừa tốt nhất”, ông Dũng nói. 


Phúc Hưng

Bình luận
vtcnews.vn