U19 Việt Nam toàn thua ở giải châu Á: Bại trận để biết mình đang ở đâu

Thể thaoThứ Sáu, 26/10/2018 16:26:00 +07:00

Thất bại toàn diện của U19 Việt Nam ở giải U19 châu Á đưa bóng đá trẻ Việt Nam trở lại vị thế vốn có, thay vì nghĩ tới giấc mơ "tiệm cận châu Á" vẫn rất xa vời.

1. Khi được truyền thông săn đón sau thành công vang dội cùng U23 Việt Nam và Olympic Việt Nam, HLV Park Hang Seo từng khẳng định: Hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam chưa đủ tốt để đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ. Ở thời điểm đó, ít ai để ý đến phát biểu của chiến lược gia người Hàn Quốc. Tất cả đều bị vinh quang che mờ.

Những chiến tích vang dội trong tám tháng qua khiến bóng đá Việt Nam nhấc đôi chân khỏi mặt đất. Nếu danh hiệu Á quân U23 châu Á mang màu sắc hiện tượng và may mắn chủ đạo, vị trí hạng Tư ASIAD 2018 khẳng định sức mạnh bóng đá trẻ Việt Nam không chỉ đơn thuần mang tính nhất thời.

Phải thừa nhận: các lứa U có sự tiến bộ trong thời gian qua. Hai năm chuyển mình với sự xuất hiện của nhiều lò trẻ, thành quả này là sự ghi nhận xứng đáng.

Video: U19 Việt Nam 1-2 U19 Australia

Tuy nhiên, thành công hay thất bại trong bóng đá có vai trò quan trọng như nhau. Nếu chiến thắng mang đến sự phấn khích và động lực phát triển, thất bại sẽ giúp toàn đội nhìn nhận lại và hiểu rõ chỗ đứng của mình. Thất bại toàn diện của U19 Việt Nam ở giải châu Á đã cho thấy bóng đá Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ châu lục.

2. U19 Việt Nam thua tâm phục khẩu phục, không thể chối cãi. Thành tích ghi bàn trong cả ba trận chỉ mang tính xoa dịu. Quan trọng hơn cả, với vị thế "hạt giống số 1", đoàn quân của HLV Hoàng Anh Tuấn không có được điểm số nào. Thua cả ba trận, thủng lưới bảy bàn, hai lần dẫn trước và để thua ngược.

Thất bại của lứa cầu thủ này không mang tính hiện tượng. Trước đó, U19 Việt Nam có hai năm liên tiếp dừng bước ở vòng bảng U19 Đông Nam Á. Vinh quang của U23 Việt Nam cần được tiếp nối bởi lứa kế cận, nhưng Văn Tới, Văn Xuân, Xuân Tú hay Bảo Toàn đều chưa cho thấy mình đủ sẵn sàng để đối diện với cái bóng vinh quang quá lớn của thế hệ đàn anh.

U19 Viet Nam

U19 Việt Nam chưa sẵn sàng vượt qua cái bóng của đàn anh.

Trước đó gần một tháng, U16 Việt Nam của HLV Vũ Hồng Việt cũng thua trắng ở vòng bảng U16 châu Á. Hai lứa trẻ đá sáu trận ở giải châu lục thì thua đến năm. Những kết quả đáng buồn, không có gì để bào chữa.

Dẫu vậy, nếu căn cứ vào những kết quả này để kết luận bóng đá trẻ đang bế tắc, e rằng đó là kết luận vội vàng không kém so với khẳng định "bóng đá Việt Nam tiệm cận châu Á" sau thành tích của U23 và Olympic Việt Nam. Bóng đá trẻ luôn có sự bất ổn, và trừ khi đứng ở đẳng cấp "anh hào" châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia khác phải chấp nhận sự trồi sụt ở thành tích giải trẻ.

Đó là chuyện bình thường.

3. Giới mộ điệu Thái Lan hay Indonesia hào hứng khi đội nhà lọt vào tứ kết U19 châu Á, song nên nhớ: khi U19 Việt Nam đi World Cup hai năm trước, U19 Thái Lan hay U19 Indonesia không để lại dấu ấn nào, còn U19 Hàn Quốc thậm chí bị loại ngay từ vòng bảng!? Ở ASIAD 2018 trên đất Indonesia, Olympic Qatar thua 0-6 và sớm dừng bước, Olympic Uzbekistan bị loại ở tứ kết. Trong ba đội có thành tích tốt nhất giải U23 châu Á 2018, chỉ U23 Việt Nam có vé vào bán kết.

hlv hoang anh tuan u19 viet nam no luc het suc bi loai cung khong buong xuoi (2)

Bóng đá trẻ luôn tồn tại sự bất ổn.

Mạnh như Olympic Hàn Quốc còn phải cầu viện Son Heung Min hay Hwang Hee Chan để chắc chắn có huy chương vàng mới thấy, bóng đá trẻ châu lục đang tiến gần nhau thế nào.

Tất nhiên, không thể viện yếu tố ngoại cảnh để bào chữa cho thất bại mang tính hệ thống. U19 Việt Nam "thua" từ trước giờ lên đường khi quá trình chuẩn bị không đủ chu toàn.

Sự phụ thuộc vào số ít lò trẻ như CLB Hà Nội, HAGL, PVF, Viettel mang tính hai mặt. Nếu các lò trẻ cho ra sản phẩm chất lượng, đội tuyển hưởng lợi và ngược lại. Số lượng trung tâm đào tạo chất lượng quá ít khiến tiềm năng của bóng đá trẻ chưa được khai thác hết. Chỉ đến khi U19 Việt Nam thất bại, người ta mới thấy Park Hang Seo nói đúng.

Trong 23 cầu thủ dự giải của U19 Hàn Quốc, có tới bẩy cầu thủ được tuyển chọn từ các đội tuyển trường đại học. Những đội bóng dự K-League Classic như Suwon Samsung Bluewings, Daegu FC, Gangwon hay FC Seoul đều không có quá hai đại diện. U19 Hàn Quốc không sống phụ thuộc cố định vào trung tâm đào tạo trẻ nào.

U19

 U19 Nhật Bản là tập hợp những sản phẩm tốt nhất đến từ hơn 50 lò đào tạo của các đội bóng chuyên nghiệp.

Tương tự, U19 Nhật Bản cũng có "nguồn" cầu thủ đa dạng từ Tokyo Verdy, Kashima Antlers, Vissel Kobe, Urawa Red Diamonds, Sanfrecce Hiroshima hay Nagoya Grampus,... Thậm chí, cầu thủ Kenedeiebusu Mikuni còn được tuyển chọn từ đội tuyển trường... cấp ba. 

Sự phát triển đồng đều của bóng đá học đường và các lò đào tạo trẻ tạo nên diện mạo ấn tượng cho Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nhìn sang V-League, bao nhiêu đội bóng hiện tại xứng tầm chuyên nghiệp, chứ chưa nói đến sở hữu một lò đào tạo trẻ "đạt chuẩn"? 

4. Thất bại của U19 Việt Nam sẽ không phải thất bại cuối cùng. Bóng đá trẻ Việt Nam còn phải chịu nhiều nỗi đau trong tương lai, nhưng hãy nhìn nhận: nỗi đau là điều cần thiết để nhìn nhận đúng vị thế vốn có. Thành công của U23/ Olympic Việt Nam chỉ mang tính khích lệ. Đó không phải chỉ dấu cho thấy các lứa trẻ đã bắt kịp đẳng cấp châu Á.

Bởi chúng ta còn yếu, còn thiếu và phải cải thiện rất nhiều. Lứa U19 năm 2014 của Công Phượng, Xuân Trường,... và U19 năm 2016 của Quang Hải, Tiến Dũng,... trưởng thành từ nỗi đau. Hy vọng U19 Việt Nam hôm nay cũng vậy. Muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con đường hoa hồng, phải can đảm đặt chân lên những mũi gai.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn