Sam Allardyce mất chức HLV trưởng tuyển Anh: Sống để kiếm tiền, chết cũng vì tiền

Thể thaoThứ Năm, 29/09/2016 15:12:00 +07:00

Sam Allardyce đã chết bởi chính thói tham tiền, như lời tư vấn: Lách luật dễ thôi, chỉ cần có tiền nhiều là được

Mỗi người có một đam mê. Vậy nên, mê... tiền không phải là một cái tội. Nhưng với Sam Allardyce, có lẽ phải nói: ông quá tham lam, đến mức đã là nô lệ của đồng tiền rồi, đến mức mất cả chức HLV vì tiền. Câu chuyện về Allardyce là một bài học trong cuộc sống, chứ không chỉ là chuyện bóng đá.

Sống để kiếm tiền và chết cũng vì tiền

Sống để kiếm tiền và chết cũng vì tiền

Chẳng bao giờ Allardyce dừng lại. Chẳng bao giờ ông thấy đủ. Với ông, đồng tiền chính là lẽ sống. Người ta kiếm tiền để sống, còn ông sống để kiếm tiền. Nói vậy có nghĩa, vấn đề của Allardyce không phải là ông quá ham kiếm tiền, mà là ông không thấy còn chuyện gì trên đời quan trọng hơn tiền. Ông đã đi quá cái giới hạn của sự "đam mê" thuần túy.

Kể cả khi đã được đảm bảo "có rất nhiều tiền", với mức lương 3 triệu bảng/năm cộng thêm tiền thưởng theo thành tích, nhờ bản hợp đồng dẫn dắt đội Anh, Allardyce vẫn chưa thấy đủ. Ông vẫn tham gia vào 4 dự án làm phim. Có gì là sai? Những người sáng lập ở 3 trong 4 dự án vừa nêu đã bị... bỏ tù. Họ lập ra dự án chỉ để có cách lách luận, trốn thuế.

Những tưởng vị HLV DT Anh cùng mức lương 3 triệu bảng/năm đã làm thỏa mãn Sam

Những tưởng vị HLV DT Anh cùng mức lương 3 triệu bảng/năm đã làm thỏa mãn Sam

Ông là thành viên của một dự án bất động sản - dự án này đã bị cơ quan thuế và hải quan Anh điều tra. Ông còn là giám đốc của một công ty chuyên kinh doanh bất động sản. Người ta nhìn vào sổ sách và thấy rằng Allardyce từng đầu tư hoặc tham gia vào ban giám đốc của 19 công ty khác nhau, trong thời gian 22 năm huấn luyện bóng đá.

Hồi còn chơi bóng, Allardyce khởi đầu từ Bolton, rồi trải qua 10 cú chuyển nhượng trong suốt đời cầu thủ (ông khoác áo 9 CLB khác nhau, trong đó có 2 khoảng thời gian khoác áo Bolton hoặc Preston North End).

Năm 1980, Allardyce chia tay Bolton vì nghĩ rằng ông xứng đáng với mức lương cao hơn. Lúc ấy, ông thành công, với mức lương cao gấp 4 lần, tại Sunderland. Nhưng chỉ sau 1 năm, Allardyce đã phải chuyển sang Millwall ở giải hạng Ba.

Nhưng không, thói tham tiền của Sam buộc Sam không ngừng ăn tiền, kể cả tiền bẩn

Thói tham tiền của Sam buộc Sam không ngừng ăn tiền, kể cả tiền bẩn

Vì sao? Chủ tịch Sunderland không chịu chi tiền giúp ông mua nhà. Millwall, tuy kém về chuyên môn, nhưng lại trả tiền thuê nhà cho Allardyce, trả thêm cả tiền "lót tay" khi ký hợp đồng, chưa kể lương cũng vẫn cao.

Khi đã bị "chê" ở Millwall, Allardyce viết đơn... xin việc ở tất cả các đội bóng thuộc hai hạng đầu tại Anh. Ông kiếm được chỗ ở Conventry, nhưng chỉ sau khi đã "đi vòng", sang tận CLB Tampa Bay ở Mỹ - vào thời dân Mỹ còn chưa biết xem bóng đá. Allardyce làm thế chỉ để moi thêm được 15.000 bảng của Millwall.

Chẳng phải Allardyce không biết thói mê tiền tai hại như thế nào. Ngược lại là đằng khác. Cũng như khối con nghiện có thể nói vanh vách về tác hại của ma túy vậy. Allardyce từng kể về giai đoạn đen tối nhất trong đời cầu thủ - lúc bị Sunderland ruồng rẫy: "Tôi nghĩ sự nghiệp bóng đá của mình đã tan vỡ. Tôi đã xem đồng tiền quá quan trọng, và đấy là lúc đồng tiền đã làm hại tôi".

Rút cuộc, thói mê tiền đã không làm hỏng sự nghiệp bóng đá của Allardyce. Ông vẫn còn cơ hội trở lại với sân cỏ Anh sau khi phải chấp nhận đá bóng ở Mỹ.

Rồi ông trở thành HLV và rõ ràng là thành công hơn trong lĩnh vực này. Hóa ra, chính vào lúc Allardyce đang thành công rực rỡ nhất, đang có thành tích "thắng 100%" trong tư cách HLV trưởng đội tuyển Anh, thì đấy lại là lúc ông bị đồng tiền hạ gục!

Những gì tờ Telegraph tiết lộ có thể chỉ mới là bề mặt của cả một tảng băng lớn. Ông ra đi "theo thỏa thuận với FA", nhưng đấy chưa phải là thông tin cuối cùng. Sẽ còn bao nhiêu hình phạt dành cho Sam Allardyce?

(Nguồn: Bóng đá và cuộc sống)
Bình luận
vtcnews.vn