BLV Quang Huy: Trẻ em không có sân bóng để chơi, bóng đá Việt Nam phát triển thế nào?

Thể thaoChủ Nhật, 14/01/2018 07:51:00 +07:00

Một trong những trở lực của bóng đá Việt Nam hiện tại là sự thiếu hụt cơ sở vật chất cũng như sân chơi bóng cho trẻ em.

Năm 2016 là năm thành công với bóng đá Việt Nam ở cấp độ đào tạo trẻ, khi cả ba đội tuyển U16, U19 và U23 Việt Nam đều giành quyền lọt vào vòng chung kết châu Á. Điểm sáng từ bóng đá trẻ còn đáng được khích lệ hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh V-League còn nhiều bất cập, khiến một bộ phận người hâm mộ quay lưng với bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên, bóng đá trẻ Việt Nam nói riêng hay bóng đá Việt Nam nói chung vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng cũng như tiềm lực. Muốn bóng đá Việt Nam phát triển và thực hiện được cú bứt phá, các cơ sở vật chất phục vụ bóng đá phải được xây dựng và đầu tư trên khắp cả nước.

Nutifood (do) - U 13 Kawasaki (Nhat)   3

Bóng đá Việt Nam còn có quá ít các học viện bóng đá cho trẻ em.

"Ở Đức, một đứa trẻ chỉ cần tối đa 10 phút để đến được một sân bóng ở bất kỳ đâu. Nhưng ở Việt Nam thì sao? Số lượng sân bóng miễn phí dành cho trẻ em rất hạn chế, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội.

Ít cơ sở vật chất dành cho bóng đá được đánh giá là một trong những cản trở sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Chúng ta xây dựng trung tâm này, trung tâm nọ, phát động những phong trào này, phong trào nọ, nhưng cốt yếu nhất là có sân bóng cho trẻ em, cho tất cả mọi người.

Ở Hà Nội, muốn đá bóng phải thuê sân phủi, phải biết đá bóng, có những kỹ năng nhất định rồi mới chơi được. Còn muốn tập vỡ lòng, phải có sân cỏ tự nhiên hay sân đất, mà những sân đó hiện tại chúng ta đâu còn nhiều đâu?" - BLV Quang Huy đặt vấn đề.

Ở các cường quốc bóng đá châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, phong trào bóng đá học đường hay bóng đá toàn dân phát triển một phần dựa trên cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ bóng đá được quy hoạch và đầu tư hùng hậu. Từ những phong trào nói trên, các tuyển trạch viên dễ dàng mở rộng phạm vi tìm kiếm và phát hiện ra nhiều nhân tài, không nhất thiết phải phụ thuộc vào một vài trung tâm đào tạo bóng đá trẻ.

tre-em-05

Ở Đức, một đứa trẻ chỉ cần tối đa 10 phút để đến được một sân bóng ở bất kỳ đâu. Nhưng ở Việt Nam thì sao?

"Diện tích đất cho bóng đá không được quan tâm. Các khu tập thể nước ngoài khi quy hoạch phải có một, hai sân để phục vụ bóng đá. Nếu có nhiều sân bóng, chúng ta sẽ gieo được thêm nhiều những "hạt mầm" trẻ, tuyển thêm được nhiều cầu thủ chất lượng" - BLV Quang Huy phân tích.

Dù vậy, phát triển hệ thống sân bóng và cơ sở vật chất phục vụ bóng đá có thể là vấn đề ai cũng thấy, song thực hiện được không phải ngày một ngày hai mà thực hiện được ngay.

"Bóng đá gắn bó mật thiết với xã hội. Nếu xã hội phát triển và văn minh hơn, tự khắc bóng đá sẽ được thúc đẩy. Không nên đặt bóng đá ra ngoài tổng thể phát triển chung của xã hội.

Ngoài ra, sự phát triển bóng đá cần dựa trên tiềm lực kinh tế đủ tốt, với sự tham gia của các nhà tài trợ vừa có tiềm lực, vừa có đam mê. Phải có tiềm lực kinh tế rất mạnh, có những người giàu thực chất và bền vững, không phải kiểu dùng bóng đá để kích cầu cho mình. Ở Việt Nam, không nhiều nhà tài trợ bóng đá đáp ứng được các tiêu chí đó" - BLV Quang Huy chia sẻ.

Bên cạnh giải pháp phát triển cơ sở vật chất phục vụ phong trào bóng đá cũng như tìm kiếm nhà tài trợ, BLV Quang Huy còn chỉ ra những giải pháp thiết thực để nâng tầm bóng đá Việt Nam trong tương lai.

Lê Công Vinh chia tay đội tuyển Việt Nam: 'Được chơi bóng là đặc ân, tôi không tiếc nuối gì cả' - ảnh 3

Bóng đá Việt Nam cần một cú hích cực lớn để phát triển.

"Với nền móng chắc chắn từ công tác đào tạo trẻ bây giờ, chỉ cần V-League ổn là đội tuyển quốc gia sẽ ổn. Còn nếu không, các đội tuyển của chúng ta sẽ tiếp tục bất ổn khi bước ra sân chơi quốc tế dù sở hữu không ít cầu thủ chất lượng. Tại sao đội tuyển đá mà khán giả xem cứ giật mình và lo lắng về những lỗi sơ đẳng mà cầu thủ có thể mắc phải như vậy? Không nói đâu xa, sự bất ổn của đội tuyển chính là ánh xạ từ V-League.

Đây không phải sân chơi trui rèn cầu thủ đúng nghĩa. V-League không có tính cạnh tranh, nhiều khi không phản ánh thực chất. V-League vẫn hiện lên trong mắt khán giả như một sân chơi xấu xí, tồn đọng nhiều vấn đề, khiến nhiều tài năng dần dần thui chột.

Bước chân vào V-League, nhiều cầu thủ mất đi chí tiến thủ, các nhà tài trợ tâm huyết dần chán nản. Do vậy, công tác tổ chức và quản lý V-League phải chấn chỉnh. V-League mà tốt, có tính thực chiến, các cầu thủ sẽ có kĩ năng dạn dày hơn, giàu kinh nghiệm hơn.

Ngoài ra, những người làm bóng đá cần biết tận dụng truyền thông - sản phẩm quý của bóng đá Việt Nam. Hiếm có đất nước nào mà dù kinh tế có trồi sụt, số lượng phóng viên theo chân đội tuyển vẫn đông đảo như thế. Số lượng đầu báo thể thao và thời lượng cho bóng đá Việt Nam vẫn nhiều như thế.

Truyền thông có những mặt trái nhưng nói cho cùng, đây vẫn là tài sản lớn mà những người làm bóng đá phải biết tận dụng, nếu không sẽ rất phí phạm" - BLV Quang Huy kết luận.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn