Thế khó của tuyển Trung Quốc

Bóng đá Việt NamThứ Bảy, 29/01/2022 16:37:02 +07:00

Giấc mơ dự World Cup 2022 với tuyển Trung Quốc gần như chấm dứt, thể diện là điều quan trọng nhất với họ lúc này.

Tuyển Trung Quốc bắt đầu chiến dịch vòng loại thứ ba World Cup 2022 với nhiều hy vọng. Tuy nhiên, sau 2/3 chặng đường cùng những biến cố ở giải VĐQG hay trên băng ghế huấn luyện, bóng đá Trung Quốc phải thừa nhận họ chưa thể vươn tầm.

Thế khó của tuyển Trung Quốc - 1

Tuyển Trung Quốc gần như hết cửa dự World Cup 2022. Ảnh: Reuters.

Đẳng cấp thật

Sau trận thua 0-2 trước Nhật Bản hôm 27/1, HLV Li Xiaopeng gần như thừa nhận cơ hội đến Qatar vào cuối năm với tuyển Trung Quốc đã chấm dứt. "Tôi không có gì để phàn nàn về các cầu thủ của mình", tân HLV tuyển Trung Quốc nói. "Họ đã chơi nỗ lực trước đội bóng hàng đầu châu Á".

Chuyến làm khách đến đất Nhật Bản mới là trận đấu chính thức đầu tiên của ông Xiaopeng sau khi HLV Li Tie từ chức. Người ta không thể đòi hỏi gì nhiều hơn ở vị thuyền trưởng mới của tuyển Trung Quốc. Một trận thua của họ trước Nhật Bản là điều được dự báo trước.

Tuy nhiên, cách đội khách bị áp đảo trong suốt trận đấu vẫn khiến người hâm mộ và giới chuyên môn Trung Quốc thất vọng. Đội bóng của HLV Xiaopeng không có nổi cú sút trúng đích trong cả trận. Họ chỉ có một cú sút đi chệch khung thành Nhật Bản.

Với tỷ lệ cầm bóng 37% và hiệu suất chuyền chính xác ở mức 67%, tuyển Trung Quốc chỉ biết chịu trận trước "Samurai xanh". Dong Fangzhuo, cựu tiền đạo Manchester United, đánh giá tỷ lệ chuyền bóng chính xác 67% của tuyển Trung Quốc trước Nhật Bản cho thấy đẳng cấp thật sự của nền bóng đá nước nhà.

"Tuyển Nhật Bản ở đẳng cấp khác so với Trung Quốc", cựu chân sút 37 tuổi nói. "Nhưng thật khó tin khi họ không thể chuyền bóng chính xác tốt hơn, đó là yếu tố cơ bản của bóng đá hiện đại".

Nếu các cầu thủ Nhật Bản tận dụng cơ hội tốt hơn, tuyển Trung Quốc có thể phải nhận trận thua đậm. "Chúng tôi hài lòng vì có 3 điểm, nhưng chưa hài lòng về tổng thể trận đấu", thủ quân Wataru Endo nói.

Thế khó của tuyển Trung Quốc - 2

Tuyển Trung Quốc có trận thua toàn diện trước Nhật Bản. Đồ họa: Minh Phúc.

Khi hiệp một kết thúc, tuyển Trung Quốc không có nổi cú sút hay pha chạm bóng nào trong vòng cấm đội chủ nhà. Cựu trợ lý tuyển Trung Quốc, Qiang Xie, bình luận chênh lệch trình độ giữa hai đội quá lớn, và đó có thể được xem là "nỗi hổ thẹn" với nền thể thao nước nhà.

Lần gần nhất tuyển Trung Quốc thắng được Nhật Bản ở trận đấu chính thức cách đây 24 năm. Tháng 3/1998, đội bóng xứ tỷ dân vượt qua đối thủ với tỷ số 2-0 trong giải giao hữu. Kể từ đó đến nay, hai nền bóng đá gặp nhau 12 lần, tuyển Trung Quốc hòa 5 và thua 7.

Thể thao Trung Quốc vươn tầm và cạnh tranh sòng phẳng với Nhật Bản trong hơn thập niên qua. Tuy nhiên, bóng đá vẫn là sân chơi mà Trung Quốc hoàn toàn lép vế trước nước láng giềng. Giá trị hiện tại của tuyển Trung Quốc có 8,475 triệu euro (định giá của Transfermarkt), trong đó Wu Le là ngôi sao có giá trị nhất với 2,5 triệu euro.

Đội hình của Nhật Bản được định giá lên tới 44,9 triệu euro, trong đó Taku Minamino có mức 12 triệu euro. Takehiro Tomiyasu, ngôi sao Arsenal, có giá 25 triệu euro không ra sân ở trận gặp Trung Quốc vì chấn thương.

Sau trận thua ở lượt đi, Wu Lei viết trên trang cá nhân, đại ý nhìn màu áo các tuyển thủ Nhật Bản khoác ở cấp CLB, người ta có thể thấy sự chênh lệch lớn giữa hai nền bóng đá. Wu Lei là cầu thủ nổi tiếng nhất của bóng đá Trung Quốc chơi ở nước ngoài.

Những cầu thủ nhập tịch cũng không thể giúp tuyển Trung Quốc nhiều. Sau khi CLB Guangzhou gặp khó khăn về tài chính, tương lai của Aloisio, Alan hay Ai Kesen ở ĐTQG bị đặt dấu hỏi.

Những ngôi sao nhập tịch này vẫn cam kết chơi cho tuyển Trung Quốc trong giai đoạn còn lại của vòng loại World Cup 2022. Tuy nhiên, khi họ không còn chơi ở Chinese Super League (phần lớn trở về Brazil thi đấu), rất khó để khiến các cầu thủ này cống hiến hết mình.

Cách Luo Guofu chỉ trích Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) trên trang cá nhân vì sự cố anh và các cầu thủ nhập tịch gặp ở sân bay tại Hà Lan cho thấy điều này. Dù tiền đạo gốc Brazil sau đó lên tiếng xin lỗi CFA, nó cho thấy tâm lý phức tạp của các cầu thủ nhập tịch ở tuyển Trung Quốc lúc này.

Thế khó của tuyển Trung Quốc - 3

Bóng đá Trung Quốc vẫn kém xa Hàn Quốc, Iran hay Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Trận đấu vì thể diện

Vì thế, HLV Xiaopeng phải giải bài toán khó trong thời gian tới. Cuộc đối đầu tại sân Mỹ Đình ngày 1/2 là cơ hội lớn để tuyển Trung Quốc lấy lại bộ mặt. Cho đến lúc này của vòng loại thứ ba World Cup 2022 châu Á, tuyển Việt Nam chơi kém nhất ở bảng B.

Thầy trò HLV Park Hang-seo thua 7 trận và để thủng lưới 16 lần. Sau trận thua Nhật Bản, HLV Xiaopeng hy vọng các tuyển thủ Trung Quốc sẽ chơi 200% sức lực trước Việt Nam. Lượt đấu thứ 8 của bảng B diễn ra trong ngày đầu năm mới Âm lịch và mang ý nghĩa đặc biệt với hai nền bóng đá.

Cựu trợ lý Qiang Xie nói tuyển Trung Quốc chắc chắn không muốn làm người hâm mộ thất vọng trong ngày đầu năm mới. "Áp lực cho HLV Xiaopeng ở trận gặp Việt Nam là không hề đơn giản", ông Xie nhận xét. "Tuyển Việt Nam là đối thủ yếu nhất bảng và trận thua nữa là điều người ta không thể chấp nhận".

Ở trận đấu lượt đi giữa hai đội vào tháng 10, tuyển Trung Quốc có chiến thắng 3-2 vất vả trước đội bóng láng giềng. Sina bình luận nếu không có khoảnh khắc tỏa sáng thiên tài của Wu Lei cuối trận, tuyển Trung Quốc đã ôm hận trước Việt Nam.

Truyền thông Trung Quốc tiết lộ bầu không khí ở ĐTQG lúc này khá ảm đạm. Từ việc mơ về tấm vé dự World Cup 2022, giờ tuyển Trung Quốc phải chiến đấu vì danh dự và niềm tin của người hâm mộ.

Thế khó của tuyển Trung Quốc - 4
(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp