Bị cựu luật sư tố cáo, ông Trump có thể đối mặt với những rắc rối pháp lý nào?

Thế giớiThứ Năm, 23/08/2018 15:33:00 +07:00

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ phải vướng vào những nguy cơ pháp lý, sau khi cựu luật sư của ông nhận tội gian lận, vi phạm hoạt động chiến dịch bầu cử và chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông có nguy cơ ngồi tù với nhiều cáo buộc.

Theo The Guardian, ngày 21/8 là một ngày tồi tệ đối với Tổng thống Donald Trump khi cựu luật sư Michael Cohen cáo buộc ông liên quan đến hành vi vi phạm luật chiến dịch tranh cử, trong khi đó cựu chủ tịch chiến dịch của ông là Paul Manafort cũng bị kết tội và có thể phải đối mặt với án tù.

trump-mueller

 Ông Trump đối mặt với khủng hoảng pháp lý khi hai cựu thân tín liên tiếp bị đưa ra tòa. (Ảnh: Time)

Tổng thống Trump bị buộc tội gì?

Phát biểu tại tòa ngày 21/8, Michael Cohen nói hành vi của mình được thực hiện “với sự hợp tác và theo chỉ thị của một ứng viên văn phòng liên bang”. Hành vi được đề cập là việc trả tiền dàn xếp cho hai người phụ nữ được cho là có mối quan hệ tình ái với ông Trump để họ giữ im lặng. Theo cựu luật sư của ông Trump, việc làm này “có mục đích chính để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử”.

Luật sư của Michael Cohen trong một tuyên bố sau đó nói: ''Nếu những khoản chi này là vi phạm luật chiến dịch tranh cử đối với Michael Cohen thì tại sao lại không phải là vi phạm đối với ông Donald Trump?”.

Ông Trump có khả năng bị cáo buộc phạm tội?

Một tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ không bị truy tố, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp Mỹ. Đội pháp lý của ông Trump cũng cho biết trình tự này sẽ được tuân thủ. Dù vậy, về lý thuyết, ông Trump vẫn có thể bị truy tố khi rời bỏ chức vụ.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Kịch bản xấu nhất đối với Tổng thống Donald Trump sẽ là Đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018 và bắt đầu các cuộc điều tra sai phạm, trong đó có thể bao gồm những phiên điều trần luận tội dành cho tổng thống. Như vậy “số phận” của ông Trump nằm trong tay những người bỏ phiếu.

Trong trường hợp này, công chúng có thể phản ứng dữ dội khi tổng thống bị buộc tội hoặc đồng ý với ông và cho rằng tất cả chỉ là một “cuộc săn phù thủy” thiếu công bằng. “Hãy nhớ rằng Quốc hội sẽ là người quyết định cuối cùng mà không phải tòa án” – Eric Columbus, luật sư cấp cao tại Bộ tư pháp dưới thời cựu Tổng thống Obama nói.

Nếu ông Trump duy trì được tỉ lệ ủng hộ, đó sẽ là thông tin tích cực?

Không, ông Trump đang ở trung tâm của những cuộc điều tra cấp bang và liên bang chồng chéo do công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu – người điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông với Nga và những vấn đề liên quan khác.

Trong đó, một số cuộc điều tra có thể tiết lộ và dẫn đến những cáo buộc phạm tội mới cho tổng thống hoặc các thành viên trong gia đình ông. Những ''mũi tên pháp lý'' mà ông Trump đang bị nhắm tới có thể xuất phát từ chiến dịch bầu cử 2016, công việc kinh doanh gia đình và đến từ cả những việc ông làm từ khi nhậm chức.

“Tình hình đang trở nên tệ hơn cho tổng thống vì không có ai, kể cả ông ấy, biết được khi nào biến cố tiếp theo sẽ đến từ những mũi tên này” – Benjamin Wittes viết trên Atlantic.

Có tín hiệu tích cực nào cho ông Trump?

Nếu Đảng Dân chủ không kiểm soát được Quốc hội, việc ông Trump phải chịu trách nhiệm có thể được đẩy lùi. Ông cũng có thể duy trì tỷ lệ ủng hộ của mình.

Dù vậy, cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller có vẻ như không đi lạc hướng như ông Trump nói. Trong những bản cáo trạng chống lại các cá nhân và công ty Nga, ông Mueller đã đưa ra những cáo buộc về việc hacker Nga xâm nhập và tấn công mạng chiến dịch như thế nào. Nhiều cáo buộc về chiến thuật can thiệp của người Nga lần cũng được đưa ra công chúng.

Theo The Guardian, có thể chỉ công tố viên Mueller và đội của ông biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.  

Video: Chuyên gia nhận định về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn