Thấy thêm những hạt thóc 3000 năm nảy mầm ở HN

Thời sựThứ Năm, 20/05/2010 12:27:00 +07:00

Điều đáng nói là các nhà khoa học tìm thấy một vài hạt thóc đã nảy mầm, ra rễ ngay từ khi vừa đào được.

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm bộ môn khảo cổ học, khoa Lịch sử, ĐH KHXHNV, ĐH QG Hà Nội cho biết, vài ngày nay khi khai quật các hố, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nhặt được thêm một số hạt thóc. Điều đáng nói là các nhà khoa học tìm thấy một vài hạt thóc đã nảy mầm, ra rễ ngay từ khi vừa đào được.

Tìm thấy những hạt thóc mới

Hiện các nhà khảo cổ vẫn đang tiến hành bảo quản các hạt lúa này. Đối với những hạt ra rễ, nảy mầm nhưng đã chết sẽ được đựng vào hộp nhựa, đậy nắp, đục một số lỗ trên nắp, đánh số và bảo quản trong tủ lạnh. Những hạt còn nguyên sẽ được bảo quản bằng cách đặt trong hộp nhựa, phía dưới lót giấy ăn hoặc bông có thấm nước để chờ xem có nảy mầm, mọc thành cây không.

Hiện các nhà khảo cổ vẫn đang tiến hành bảo quản các hạt lúa này. 

PGS.TS Mỹ Dung cho biết, ngày 20/5, sẽ có một giáo sư người Nhật Bản hiện đang làm tại khu Hoàng Thành, đến Thành Dền để thảo luận và tư vấn cho các nhà khảo cổ cách thực hiện bảo quản các vết tích động thực vật đã được tìm thấy (trong đó có các hạt thóc).

Cây lúa sẽ trổ bông vào đợt nắng nóng cao điểm

Ông Phạm Xuân Hội, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, do không chủ động thời điểm hạt nảy mầm nên có thể cây sẽ làm đòng và trổ bông vào thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Đây là thời điểm nắng nóng vào đỉnh cao nhất, nên có nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cho cây thụ phấn và ra hạt. "Nếu cây trổ bông vào giai đoạn quá nóng thì sẽ phải được đưa vào môi trường riêng biệt để khống chế nhiệt độ. Khi được đưa vào phòng nuôi cây, giống như một cái tủ, người ta có thể điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, cacbon... để cho cây sinh trưởng. Về lý thuyết, cây được nuôi trong môi trường này sẽ phát triển bình thường nhưng trên thực tế thì không được như thế", ông Hội cho biết.

Nhiều nhà khoa học cũng khẳng định, khi đó cây sẽ khó mà được như khi nuôi trồng ngoài tự nhiên, nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của hạt, thậm chí là quá trình sinh trưởng của cây và hạt thóc. Nhưng đây là cách duy nhất để bảo vệ cây.

Vì không chủ động gieo hạt và trồng cây mà những hạt lúa này khi phát hiện thì nó đã nảy mầm, nên việc cây lúa trổ bông vào thời điểm không thích hợp là điều không thể thay đổi được nữa. Điều mà các nhà khoa học lo lắng nhất hiện nay là liệu cây có khả năng thụ phấn không. Nếu không thể thụ phấn, cây không cho ra hạt thì sẽ giải quyết thế nào? Lúa cổ vốn không có các đặc tính thích nghi trong điều kiện khắc nghiệt, nên đây là những vấn đề nan giải nhất.


Theo Khoa học&Đời sống

Bình luận
vtcnews.vn