‘Thấy người khác bán rau tôi cũng bán rau là sai lầm’

Giáo dụcThứ Hai, 21/08/2017 07:48:00 +07:00

Trước những trăn trở khởi nghiệp của sinh viên, doanh nhân trẻ Thi Anh Đào (CEO Isobar Việt Nam) nhấn mạnh “nếu các bạn thấy người khác bán rau thành công tôi cũng bán rau thì sai lầm, quan trọng cần phải có ý tưởng mới mẻ và dùng được, bản lĩnh đương đầu với thất bại…”.

Tối ngày 20/8, tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã diễn ra lễ khai mạc cuộc thi Startup Zone 2017 và Talkshow bên lề “Paint The Path” (Khởi nghề hay khởi nghiệp), với sự tham gia của nhiều khách mời là diễn giả doanh nhân trẻ thành đạt: Doanh nhân Trần Hữu Đoàn (Tổng GĐ Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Việt Sin), doanh nhân Thi Anh Đào (CEO Isobar Việt Nam), doanh nhân Trần Thị Phương Linh (Phó chủ tịch CLB doanh nhân 2030) cùng những đơn vị đồng hành và nhà tài trợ.

IMG_8655

 "Khởi nghề hay khởi nghiệp" là chủ đề được đa số sinh viên quan tâm. (Ảnh: Dương Thương)

Trước những câu hỏi liên quan đến chủ đề “Khởi nghề hay khởi nghiệp” của đông đảo sinh viên, doanh nhân Trần Hữu Đoàn cho rằng: Khởi nghề tức là tìm cho mình một hướng đi sau đó vận dụng tất cả mọi khả năng để khởi nghiệp từ hướng đi đó thì đó mới là quá trình đúng. Ông nói thêm: “Nếu gặp thất bại, các bạn hãy dũng cảm đứng lên. Nếu sợ khó các bạn sẽ không bao giờ thành công”.

IMG_8664 3

Doanh nhân Trần Hữu Đoàn  đưa ra lời khuyên "Nếu sợ khó các bạn sẽ không bao giờ thành công”. (Ảnh: Dương Thương)

Nữ doanh nhân trẻ Thi Anh Đào đặc biệt nhấn mạnh đối với những sinh viên có đam mê khởi nghiệp: “Khởi nghiệp không phải là các bạn thấy người khác bán rau thành công, các bạn cũng bán rau. Vấn đề là, để khởi nghiệp thành công, các bạn phải có được ý tưởng lạ, và ý tưởng đó phải có người cần. Giới trẻ cứ lao theo khởi nghiệp nhưng không biết làm thế nào mới thành công. Trong những trường hợp đó, các bạn chỉ cần biết mình muốn gì và cần tự chủ được tư duy của mình”.

Theo nhiều doanh nhân, những yếu tố để sinh viên có thể bắt đầu con đường khởi nghiệp như: Định hướng (tức là phải có ý tưởng tốt, sáng tạo và dùng được); có khả năng tài chính (nguồn vốn); cần có những người cộng sự đáng tin cậy; một chiến lược phát triển dài hạn và bản lĩnh tự vượt qua thất bại.

IMG_8643 4

 Doanh nhân Trần Thị Phương Linh truyền cảm hứng cho sinh viên khi kể về 2 lần thất bại của mình. (Ảnh: Dương Thương)

Tiến sĩ Phan Quốc Tấn (Trưởng bộ môn khoa Quản trị nhân sự, Khoa Quản trị, trường ĐH Kinh tế TP.HCM đồng thời là Trưởng ban cố vấn của liên tiếp 6 mùa thi Startup Zone) chi sẻ: Startup Zone là cuộc thi học thuật thường niên do CLB Nhân sự - Khởi nghiệp, trực thuộc khoa Quản trị trường Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức. Với tiền thân là cuộc thi “Thử tài kinh doanh” đã qua nhiều lần tổ chức thành công.

IMG_8672 5

 Nhiều sinh viên có ước mơ khởi nghiệp cũng không ngần ngại đặt ra những câu hỏi. (Ảnh: Dương Thương)

“Startup Zone 2017 trở lại với sự mở rộng về quy mô, đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức, nhằm trang bị hành trang vững chắc cho những nhà khởi nghiệp tương lai, đồng thời là sân chơi, cơ hội cho các thí sinh trải nghiệm môi trường kinh doanh thực tế”, ông Tấn nói thêm.

Video: Trở thành tỷ phú từ 5 đôi chim câu. 

Cuộc thi Startup Zone 2017 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 17/09/2017 đến ngày 11/11/2017, với 4 vòng thi chính: Vòng 1. Tôi! Khởi nghiệp (17/09/2017); Vòng 2. Ngày hội Doanh nhân (15/10/2017); Vòng 3. Đối đầu Ý tưởng (01/11/2017); Vòng 4. Bản lĩnh Nhà Khởi nghiệp (11/11/2017).

 Dự kiến cuộc thi sẽ mở rộng đối tượng tham dự đến 17 trường Đại học khu vực miền Nam, tiếp cận đến hơn 100.000 sinh viên và sẽ thu hút gần 5.000 sinh viên tham dự tranh tài. Quy mô tổng giải thưởng lên đến 500.000.000 đồng.

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn