Thấy người gặp nạn không cứu, dù thế nào cũng nên thấy xấu hổ

Ý kiếnThứ Ba, 12/01/2021 14:57:46 +07:00
(VTC News) -

Cứu người có thể gặp nguy hiểm, nhưng thật đáng sợ nếu vì thế mà ta mặc nhiên chấp nhận việc làm ngơ khi có người gặp nạn, coi đó là bình thường, không đáng xấu hổ.

* Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm VTC News.

Tôi đọc kỹ các bài viết và bình luận về chủ đề “ra đường có chuyện không ai cứu người” trên VTC News, cảm giác rất buồn khi các ý kiến biện minh cho việc bỏ mặc nạn nhân chiếm tỷ lệ lớn. Vì cứu người có thể bị vạ lây, bị hiểu lầm, bị đánh, bị phiền do công an yêu cầu cung cấp thông tin… nên để yên thân, người ta chọn cách làm ngơ.

Tôi không tin tất cả những người im lặng bỏ đi ấy đều vô cảm. Họ có lo lắng, có thương xót, có mong muốn giúp đỡ. Nhưng trước khả năng bản thân gặp phiền toái, thậm chí là nguy hiểm, họ lựa chọn không hành động. Cũng là con người, lòng mang đầy nỗi sợ, tôi hoàn toàn hiểu, hoàn toàn thông cảm cho sự sợ hãi, sự ích kỷ của họ. Tôi cũng chẳng dám làm anh hùng bàn phím mà tuyên bố rằng nếu là tôi, trong hoàn cảnh đó, tôi sẽ lao vào cứu người bất chấp hiểm nguy. Tuy nhiên, tôi sẽ không có lời nào để biện minh cho mình nếu ngoảnh mặt trước cơn nguy khốn của đồng loại, cho dù 10 người có mặt lúc đó, đến 9 người hành động y như vậy. 

Thấy người gặp nạn không cứu, dù thế nào cũng nên thấy xấu hổ - 1

Ở vị trí người bị nạn, ai cũng mong mỏi được cứu giúp. (Ảnh minh họa: Internet)

Và tôi không chấp nhận nổi việc coi tệ nạn "thấy chết không cứu" là bình thường, hợp lẽ, là không đáng chỉ trích. Phải nhìn nhận rằng dù thế nào đi nữa, mặc kệ nạn nhân cũng là lựa chọn trái lương tâm. Chúng ta chưa đủ thánh thiện, chưa đủ đức hy sinh để quên mình cứu người thì cũng cần biết xấu hổ, day dứt vì điều đó.

Chúng ta phải tự nhìn nhận rằng mình đang ích kỷ, hèn nhát dù chưa thể khắc phục được điều này, chứ đừng vì số đông cũng hèn nhát như mình mà coi nó là đương nhiên, rồi mắng những người lên án nạn vô cảm là anh hùng bàn phím. Bởi một khi coi chuyện bỏ mặc người bị nạn được coi là đương nhiên, khi câu “ngu gì cứu để mình gặp họa” được coi là chân lý, xã hội sẽ dần dần chẳng còn dấu vết của lòng vị tha nữa. Những  chuyện quên mình vì người khác sẽ chỉ còn là chuyện cổ tích xa xôi. Lòng người lạnh giá, ai cũng chỉ biết đến mình thì có khác gì cuộc sống của muông thú trong rừng hoang đâu?

Tôi biết, dù ở xã hội nào thì anh hùng Lục Vân Tiên cũng chỉ là thiểu số. Nhưng để có cái thiểu số quý giá đó, xã hội phải biết trân quý, cổ vũ cho những giá trị này, phải thẳng thắn nhìn nhận việc bỏ mặc người trong hoạn nạn là hèn, là xấu. Nhìn nhận như vậy chính là bắt được bệnh, mà phải bắt được bệnh thì mới mong có ngày tìm ra thuốc chữa.

Và tôi tin rằng dù sự vô cảm đang lan rộng, vẫn luôn có những người biết quên mình vì người khác, lao vào cứu người bị nạn mà không kịp tính toán thiệt hơn.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Trần Linh
Bình luận
vtcnews.vn