Thầy cô dạy trẻ khuyết tật mong muốn có sách giáo khoa riêng

Giáo dụcThứ Năm, 15/11/2018 14:24:00 +07:00

Thầy cô dạy tại các trường khuyết tật đề xuất Bộ Giáo dục biên soạn chương trình, sách giáo khoa riêng, phù hợp với học sinh sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.

Trong khuôn khổ Chương trình chia sẻ cùng thầy cô năm 2018 diễn ra ngày 14/11, 48 thầy cô giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật trên cả nước có những chia sẻ với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về khó khăn trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ học sinh kém may mắn. Các thầy cô cũng nêu hạn chế trong giáo dục cho học sinh khuyết tật và những giải pháp khắc phục.

Thầy Võ Duy Quang, giáo viên trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng thẳng thắn chia sẻ về những bất cập trong sách giáo khoa dùng cho các em học sinh khuyết tật.

"Ngôn ngữ mẹ đẻ của người khiếm thính là ký hiệu, ngôn ngữ tiếng Việt nói - viết chỉ là thứ yếu, do đó phương pháp dạy học cho một số trẻ khiếm thính rất đặc thù. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay không được thiết kế để phù hợp với việc dạy và học của người khiếm thính", thầy Quang nói.

Thầy Quang mong muốn Bộ Giáo dục biên soạn chương trình, sách giáo khoa riêng, phù hợp với học sinh sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.

DSCF1565

Cô Phạm Thu Thanh.

Cô Phạm Thu Thanh, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) cũng kiến nghị Bộ hỗ trợ sách giáo khoa riêng cho học sinh khiếm thị. Hiện để có sách này các em khuyết tật phài tự đánh chữ nổi lên sách giáo khoa phổ thông, tốn thời gian và công sức do đầu sách lớn. 

Cô Thanh còn đề xuất Bộ Giáo dục có lộ trình đào tạo kỹ năng cho giáo viên chuyên biệt dạy trẻ đa khuyết tật (vừa mù vừa điếc, vừa mù vừa tự kỷ...), đưa bộ môn giáo dục hòa nhập vào chương trình giảng dạy cho sinh viên sư phạm. Việc này sẽ giúp các giáo viên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước khi được giao nhiệm vụ dạy trẻ khuyết tật. 

Giáo viên trường dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, cô Trần Thị Tín Nghĩa cho rằng mảng dạy nghề cho trẻ khuyết tật vẫn chỉ có may vá, thủ công mỹ nghệ. Đây đều là nghề đã tụt hậu so với thị trường nên sau khi học các em không tìm được việc làm.

Nhu cầu học tập của học sinh khuyết tật hiện không còn như xưa, có em muốn làm nghề sơn sửa móng tay, spa, làm đẹp. Vì vậy, cô Nghĩa đề nghị Bộ Giáo dục sớm ban hành chủ trương mới, tạo điều kiện giúp đỡ học sinh khuyết tật có cơ hội việc làm ở một số nhà máy, xí nghiệp sau khi tốt nghiệp, để các em thêm động lực phấn đấu, nỗ lực trở thành người có ích cho xã hội.

DSCF1558

Cô Trần Thị Tín Nghĩa, giáo viên trường dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ.

Chia sẻ với các thầy cô giáo, ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, đánh giá cao sự hy sinh, công lao to lớn của các thầy, cô giáo trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định: "Giáo dục trẻ em khuyết tật là trách nhiệm của toàn xã hội".

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng 48 thầy, cô giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật của cả nước.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn