Tháng 4, lãi suất huy động của ngân hàng nào cao nhất?

Tài chínhThứ Năm, 08/04/2021 10:53:53 +07:00
(VTC News) -

Sang tháng 4/2021, lãi suất huy động của các ngân đều dưới 7%, cao nhất là ngân hàng NamABank với mức 6,9%/năm.

Theo bảng lãi suất đầu tháng 4 với kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng, mức lãi suất huy động đều dưới 7%/năm. Trong đó, cao nhất thuộc về ngân hàng NamABank với mức 6,9%/năm.

Đứng thứ hai là ngân hàng SCB với mức lãi suất 6,8%/năm, tiếp đó là ngân hàng VietcapitalBank (6,7%), CBBank (6,65%/năm), NCB, Kienlongbank và VietABank đều có mức lãi suất 6,6%/năm…

Đứng cuối bảng có mức lãi suất huy động kém hấp dẫn nhất là nhóm ngân hàng: VPBank (5,3%/năm), VIB (5,4%/năm), Techcombank (5,4%/năm), GPBank và Vietcombank (5,5%/năm)…

Tháng 4, lãi suất huy động của ngân hàng nào cao nhất? - 1

 Lãi suất ngân hàng đầu tháng 4/2021 chưa có nhiều biến động. (Ảnh minh họa)

Với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, lãi suất cao nhất thuộc về ngân hàng Eximbank với mức 8,4%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng và 24 tháng.

Đứng thứ hai là Ngân hàng Phương Đông (OCB) với lãi suất 8,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.

Tháng 4, lãi suất huy động của ngân hàng nào cao nhất? - 2

10 Ngân hàng có mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất tháng 4/2021.

Tiếp đó là ngân hàng VietBank có lãi suất là 7,8%/năm tại kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng ACB có lãi suất 7,4%/năm cho số tiền từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng Techcombank có lãi suất 7,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 200 tỷ đồng trở lên.

So sánh lãi suất ngân hàng trong tháng 4, mỗi ngân hàng đều có sự điều chỉnh lãi suất riêng nhằm phù hợp với kế hoạch kinh doanh và thị trường. Một số ít như Techcombank, VPBank, Sacombank, Ngân hàng Bản Việt tăng lãi suất trong tháng này. Tuy nhiên cũng có nhiều ngân hàng hạ lãi suất, có thể kể đến như Kienlongbank, VIB, Ngân hàng Đông Á, SeABank, OceanBank, ABBank….

Trong khi lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng vẫn chưa tăng nhiệt thì dòng tiền chảy vào ngân hàng đang có dấu hiệu chậm lại.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 19/3/2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,54%. Nếu so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa có dịch bệnh) thì tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp đáng kể (huy động vốn vào thời điểm 20/3/2019 tăng 1,72%).

Theo các chuyên gia, lãi suất quá thấp, trong khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản tăng mạnh, khiến dòng tiền có dấu hiệu chảy từ ngân hàng sang các kênh này.

Chẳng hạn, 3 tháng đầu năm tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với lĩnh vực bất động sản, số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng cho bất động sản tăng 2,13% là tăng nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế nói chung.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp